Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Anh Quốc thử nghiệm trái phiếu tác động xã hội

Trong những năm 1980, nước Anh đi tiên phong đưa ra giải pháp mới cho vấn đề tài trợ công, và mô hình đó đã lan truyền nhanh chóng trên thế giới. Chính phủ Anh đã tư nhân hóa nhiều dịch vụ công; những dịch vụ mà chính phủ phải tiếp tục cung ứng thì đem ra đấu thầu vì tin rằng cạnh tranh sẽ có lợi hơn. Những chính sách này đã trở thành chuẩn mực được thực hiện rộng rãi khắp mọi nơi và được hỗ trợ bởi một ngành công nghiệp có giá trị nhiều tỉ đô la Mỹ.

Chính phủ hiện hành của Anh, dưới sự lãnh đạo của đảng Lao động, lại đưa ra một giải pháp mới hơn nữa trong lĩnh vực tài trợ công. Ngày 18-3 vừa qua, Anh tiến hành đề án thí điểm phát hành “trái phiếu tác động xã hội” (social-impact bond), số tiền huy động được sẽ dành cho các dự án giải quyết vấn đề xã hội. Nếu đề án thành công, Chính phủ Anh sẽ tiết kiệm được một lượng lớn tiền đóng thuế của người dân, một phần số tiền này sẽ được chia sẻ cho người đầu tư trái phiếu.

Ý tưởng này từ lâu đã là mong ước của những nhà hoạt động xã hội am hiểu về tài chính và những nhà hoạt động tài chính quan tâm tới xã hội, nhưng đây là lần đầu tiên nó được thí điểm ở cấp chính phủ của một quốc gia.

Trong đề án thí điểm, Chính phủ Anh sẽ phát hành 5 triệu bảng Anh trái phiếu (tương đương 7,5 triệu đô la Mỹ) để tài trợ cho các tổ chức tư nhân khác nhau cùng nhau làm việc trong sáu năm với 3.000 tù nhân có mức án ngắn ở nhà tù Peterborough, cả những người đang ở tù và những người đã ra tù, để giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Hiện thời, các tù nhân như thế này có xu hướng tái phạm và quay trở lại nhà tù, làm cho chính quyền và xã hội tiêu tốn nhiều tiền của.

Trái phiếu khuyến khích nhà đầu tư tài trợ cho các tổ chức cảm hóa và biến đổi những tù nhân tái phạm nhiều lần thành những công dân lương thiện. Nếu họ có thể làm giảm tỷ lệ tù nhân tái phạm xuống 10%, nhà đầu tư sẽ được thanh toán lợi suất, tỷ lệ tái phạm càng giảm thì lợi suất càng cao.

Nếu tỷ lệ tái phạm xuống mức khởi đầu là 10% - chứng tỏ có sự nỗ lực chứ không phải do ngẫu nhiên - nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất 7,5%; lợi suất này có thể tăng lên mức tối đa 13% và được thanh toán vào các năm thứ 6 và thứ 8 kể từ ngày phát hành trái phiếu.

Nếu đề án không đạt được hiệu quả tối thiểu, nhà đầu tư sẽ không được hưởng lợi suất, điều này khiến cho khoản đầu tư của họ có phần giống với cổ phiếu hơn là trái phiếu.

Trái phiếu tác động xã hội có hai lợi thế so với các chương trình truyền thống, theo đó chính phủ thuê các tổ chức tư nhân thực hiện một số dịch vụ nào đó hoặc các chương trình tài trợ kết hợp công-tư. Một là, nó chuyển những rủi ro của công cuộc biến đổi xã hội từ chính phủ sang nhà đầu tư tư nhân. Nếu đạt được những tác động mong muốn, cả chính phủ và nhà đầu tư đều có lợi. Ngược lại thì chỉ các nhà đầu tư bị thiệt.

Hai là, trái phiếu tác động xã hội sẽ đặt trọng tâm của các hợp đồng công-tư vào tác động xã hội hơn là chỉ dựa vào việc đo đạc kết quả tạo ra. Cái mới trong đề án còn là việc tích hợp hiệu quả cải thiện xã hội (ngăn ngừa tình trạng tái phạm) vào mô hình tài chính.

Trên lý thuyết, đề án này tỏ ra có tiềm năng lớn. Theo tính toán của nhóm các nhà kinh tế học chuyên nghiệp và tự nguyện có tên là ProBono Economics, nếu đề án thí điểm làm giảm được 40% số người tái phạm - kết quả mà tổ chức phi lợi nhuận St. Giles Trust, một thành viên tham gia đề án, đã đạt được trong chương trình khởi đầu - thì mỗi bảng Anh đầu tư vào trái phiếu sẽ giúp Chính phủ Anh tiết kiệm được 10 bảng Anh tương ứng.

Tuy nhiên, thách thức của đề án trái phiếu tác động xã hội là làm sao thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn vào cái gì đó còn mới mẻ và chưa chắc chắn. Có thể người mua trái phiếu chủ yếu sẽ là các quỹ từ thiện vì họ có tầm nhìn và kế hoạch đầu tư dài hơn và mục tiêu cơ bản của họ cũng là giải quyết các vấn đề xã hội mà đồng vốn trái phiếu hướng tới.

Ngoài việc xem xét cẩn thận liệu lợi suất thu về được có đủ bù cho rủi ro có thể xảy ra hay không, các nhà đầu tư tiềm năng còn lo lắng rằng trong công cuộc canh tân cách thức giải quyết những vấn đề xã hội có gốc rễ bền chặt như tình trạng tội phạm, nghiện ma túy… các tổ chức thực hiện đề án dễ dàng làm những việc gây tranh cãi hoặc bất cẩn, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của nhà đầu tư.

Vả lại, không phải mọi tác động xã hội đều có thể đo lường được dễ dàng như tỷ lệ tái phạm nên nhà đầu tư có khuynh hướng ủng hộ các dự án mà thành công có thể đo đếm dễ dàng (và cũng dễ thành công) hơn là những dự án xử lý những vấn đề gai góc.

Quỹ Tài trợ xã hội (Social Finance), cơ quan chủ trì đề án - một dạng “ngân hàng đầu tư xã hội” nhắm tới phát triển thị trường hiến tặng và đầu tư vào hoạt động xã hội - đang tìm kiếm những lĩnh vực khác có thể áp dụng loại trái phiếu này, chẳng hạn như các đề án làm giảm số người cao tuổi và trẻ lang thang cơ nhỡ phải đưa vào các nhà chăm sóc.

Tổng giám đốc của Social Finance, ông David Hutchinson, tin rằng ý tưởng về trái phiếu tác động xã hội “có khả năng giải phóng một làn sóng tài trợ chưa từng có cho các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, mọi sự vẫn phụ thuộc vào việc thuyết phục các nhà đầu tư chính thống tin rằng thử làm điều thiện để xã hội tốt hơn là chuyện đáng làm.

(Theo Nguyễn Văn Tây // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Economist)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Tham vọng khó thành
  • Cú sốc mới trên chính trường Hà Lan
  • Quan hệ Nga - Pháp lên tầm cao mới?
  • “Bộ trưởng cho thuê”
  • Khám phá chiếc chuyên cơ định mệnh của Tổng thống Ba Lan
  • Châu Âu đồng loạt trấn áp mafia
  • Liệu “IMF của châu Âu” có thành hiện thực?
  • Gazprom loại Romani khỏi dự án “Dòng chảy phương Nam”