Trung Quốc và Ấn Độ ký kết bản ghi nhớ hiểu biết hôm 21.10 ở New Delhi. Các nhà phân tích cho rằng Ấn – Trung, hai nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, muốn lật lại thế cờ các nước công nghiệp đặt ra trên bàn đàm phán Copenhagen cuối năm nay.
![]() |
Một nhà hoạt động Hoà bình xanh biểu tình bên ngoài dinh Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm 13.10, để phản đối các hành động gây ra tình trạng thay đổi khí hậu. Người này cầm bảng ghi: “Phá rừng gây nóng ấm toàn cầu”. Ảnh: Reuters |
Theo bản ghi nhớ hiểu biết (MoU), Ấn Độ, Trung Quốc cùng xây dựng kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG). Hai nước bác bỏ mức cắt giảm do các nước công nghiệp đề ra. MoU New Delhi do ông Xie Zhenhua, thứ trưởng uỷ ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, và ông Jairam Ramesh - bộ trưởng Môi trường Ấn Độ ký kết.
Sau ký kết, ông Ramesh tuyên bố: “Quan điểm đàm phán của Ấn Độ và Trung Quốc không có gì khác biệt. Chúng tôi bảo vệ và gia tăng hoàn toàn quyền lợi của các nước đang phát triển”. Quan điểm của Ấn Độ và Trung Quốc đến nay vẫn là: các nước giàu phải gia tăng hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để thay đổi công nghệ.
Nhận định về ký kết này, ông Olav Roenningen, nhà phân tích cấp cao của công ty mua bán hạn ngạch khí thải Markedskraft ở Na Uy nói: “Họ đang cố tạo đòn bẩy để khi bước vào hội nghị ở Copenhagen sẽ cho thế giới thấy họ có kế hoạch riêng, nếu cuộc đàm phán ở đó thất bại”. Nói cách khác, nếu các nước giàu không đáp ứng yêu cầu của các nước nghèo, các nước nghèo tự lo với nhau. Ông Michael Mason, giám đốc chương trình bảo tồn viện nghiên cứu thay đổi khí hậu Grantham của trường Kinh tế London, nói: “Khi Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu, các nước còn lại sẽ chạy theo. Với MoU New Delhi, họ muốn nói với thế giới rằng, chúng tôi sẽ tiến tới các cuộc đàm phán song phương nếu không đạt được thoả thuận đa phương”.
Ông Roenningen dự đoán: “Có thể chúng ta sẽ chứng kiến nhiều ký kết tương tự trong khu vực trong tháng tới, trước khi hội nghị Copenhagen diễn ra”. Dự đoán này phù hợp với tuyên bố trước đó của bộ trưởng hơn 30 nước châu Phi hồi tháng năm. Các nước châu Phi đồng ý nên đưa vào các kế hoạch hợp tác quốc gia và khu vực các biện pháp thích nghi với tình trạng thay đổi khí hậu trong các lĩnh vực nông nghiệp, cấp nước, rừng, sức khoẻ con người… Ngoài ra, ông Ramesh cho biết: “Một thoả thuận môi trường khu vực sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh SAARC vào tháng 4.2010”.
Những thông tin đó báo hiệu bàn đàm phán Copenhagen cuối năm nay sẽ không êm ả. Liên hiệp quốc cố gắng cuối năm nay đạt được thoả thuận thay thế Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012. Sau cuộc đàm phán tại Bangkok hồi tuần rồi, các nước sẽ kéo nhau đến Barcelona trong tháng tới để sẵn sàng bước vào hội nghị thượng đỉnh Copenhagen vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, ông Ramesh nói: “Niềm tin giữa các nước giàu và các nước đang phát triển đã “gãy” tại cuộc đàm phán Bangkok”. Hôm 13.10, ông Yvo De Boer, tổng thư ký uỷ ban Hiệp định khung thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC), dự đoán cuộc đàm phán ở Copenhagen cuối năm nay nhiều lắm chỉ được một nửa số quốc gia ủng hộ, nếu các nước công nghiệp không làm gì thêm nữa.
Đầu tuần này, tổ chức Hoà bình xanh ước tính, để giúp các nước đang phát triển thích nghi với tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu, mỗi năm thế giới cần 140 tỉ USD. Để thuyết phục các nước giàu bỏ ra ngần ấy tiền không phải dễ. Ấn – Trung đã bắt tay liên kết cũng không dễ gì xuôi theo định mức của các nước công nghiệp đề ra.
(Theo Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com