Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chân dung bình dị của tân Giáo hoàng

Chân dung bình dị của tân Giáo hoàng
Lối sống khiêm nhường của Hồng y Bergoglio phản ánh trong cách ông chọn tên hiệu Francis khi được trao cương vị Giáo hoàng.

Giữ cương vị Tổng giám mục của Buenos Aires nhưng Hồng y Jorge Mario Bergoglio thường nói với những người mà ông gặp rằng, ông thích được gọi đơn giản là “Cha Jorge” thay vì “Đức Hồng y”.

Trong cuộc bỏ phiếu bầu Giáo hoàng diễn ra tại Vatincan vào ngày hôm 13/3, khói trắng đã bay lên trên Nhà nguyện Sistine, báo hiệu thế giới đã có một vị Giáo hoàng mới. Vai trò người đứng đầu 1,2 tỷ giáo dân trên toàn cầu đã được trao cho “Cha Jorge”.

Năm nay 76 tuổi, tân Giáo hoàng được miêu tả là một con người giản dị và khiêm nhường. Ông thường xuất hiện trên tàu điện ngầm trong bộ trang phục màu đen của một vị linh mục thay vì bộ áo đỏ của một Hồng y.

Khi trở thành Tổng giám mục của thành phố quê hương Buenos Aires, Argentina, vào năm 1998, ông đã từ chối nơi ở nguy nga mà những người tiền nhiệm ông vẫn ở. Thay vào đó, ông chọn ở trong một căn hộ nhỏ bình dị gần với nhà thờ chánh tòa. Tại đây, ông tự mình nấu ăn mỗi ngày, không cần tới người phục vụ.

Lối sống khiêm nhường của Hồng y Bergoglio phản ánh trong cách ông chọn tên hiệu Francis khi được trao cương vị Giáo hoàng. Tên gọi này được chọn theo vị thánh bảo hộ người Italy là Francis of Assisi. Vị thánh này sinh vào thế kỷ thứ 12 trong một gia đình thượng lưu, nhưng chọn sống một cuộc sống nghèo khổ. Thánh Francis đã kêu gọi tái thiết tinh thần giản dị của nhà thờ và dành cả cuộc đời mình cho các chuyến đi truyền đạo, đồng thời được tôn kính bởi tình yêu thương đối với các loài động vật.

Khi xuất hiện trên ban công của Nhà thờ thánh Peter ở Vatican trong trang phục màu trắng để vẫy chào đám đông bên dưới, Giáo hoàng Francis I đã nói câu đầu tiên bằng tiếng Italy là: “Xin chào các anh chị em, chúc một buổi tối tốt lành!”

Câu chào này được theo sau bởi sự hoan nghênh nhiệt liệt của đám đông hầu hết là người Italy, trong đó có nhiều người đã hy vọng rằng, Giáo hoàng mới sẽ là một người Italy, bởi đã 35 năm rồi chưa có người Italy nào được trao cho cương vị này.

“Tôi muốn đề nghị các anh chị em một việc: Hãy cầu nguyện cho tôi”, tân Giáo hoàng nói.

Giáo hoàng Francis I sinh ra tại thủ đô Buenos Aires của Argentina trong một gia đình người nhập cư trung lưu từ Italy. Ông theo học ngành thần học ở Đức và trở thành linh mục vào năm 1969. Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm giám mục, và 6 năm sau, trở thành Tổng giám mục của Buenos Aires. Ông được Giáo hoàng John Paul II phong chức Hồng y vào năm 2001.

Một điều thú vị là tân Giáo hoàng cũng đã thiếu chút nữa thì trở thành Giáo hoàng trong cuộc mật nghị bầu Giáo hoàng của các Hồng y diễn ra vào năm 2005. Năm đó, ông được cho là người có số phiếu cao thứ hai sau Hồng y Joseph Ratzinger, người đã trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.

Đức Giáo hoàng Francis I là một người mê tango, điệu nhạc truyền thống của Argentina, dù một lá phổi của ông đã bị cắt bỏ do nhiễm trùng. Ông cũng là một người hâm một đội bóng đá San Lorenzo của Buenos Aires. Đây là đội bóng được thành lập Cha Lorenzo, một vị linh mục hoạt động tích cực trong việc trợ giúp các trẻ em đường phố gặp rủi ro. Ngoài ra, những người biết rõ về đức Giáo hoàng cũng cho biết, ông thường tới thăm các khu nhà ổ chuột của tầng lớp lao động nghèo.

Một vị linh mục địa phương kể lại rằng, khi còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, Giáo hoàng Francis I tham dự vào một buổi lễ lớn nơi các con chiên vây kín ông. Người đứng đầu nhà thờ nơi tổ chức buổi lễ mời ông đứng lên một chiếc ghế để phát biểu dễ dàng hơn, nhưng ông từ chối và nói ông muốn “ngang hàng với tất cả mọi người”.

“Ông ấy có lập trường rất mạnh mẽ về bình đẳng xã hội và điều này sẽ được đánh giá cao bởi các lực lượng tiến bộ trong nhà thờ”, giáo sư sử học và tôn giáo học Virginia Garrard-Burnett thuộc Đại học Texas của Mỹ nhận xét về tân Giáo hoàng trên báo Wall Street Journal.

“Ông ấy đại diện cho tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng và dễ tổn thương”, Ông Kim Daniels, người đứng đầu tổ chức nhà thờ Catholic Voices USA của Mỹ, nhận định.

Tại Argentina, tân Giáo hoàng được xem là một người bảo thủ trong các vấn đề xã hội và đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ các vấn đề phá thai và hôn nhân đồng tính.

Theo hãng tin AP, không giống như nhiều ứng viên sáng giá khác trong mật nghị bầu Giáo hoàng lần này, Hồng y Bergoglio chưa từng giữ vị trí cấp cao nào tại Vatican.

Thực tế này có thể khiến ông gặp một số trở ngại nhất định trong việc cải cách tòa thánh. Mặc dù vậy, dường như mật nghị bầu Giáo hoàng đã bị thuyết phục bởi lòng trắc ẩn của ông trước các vấn đề như nghèo đói và tác động của toàn cầu hóa, cũng như sự trung thành của ông với các điều răn của nhà thờ truyền thống.

Nhà viết tiểu sử Hồng y Bergoglio, ông Sergio Rubin, cho biết, Hồng y Bergoglio chưa từng xuất hiện trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào của giới truyền thông. Ông cũng không thích tranh luận với những người phê phán mình, ngay cả khi ông biết những lời chỉ trích đó là không đúng.

Cũng theo ông Rubin, Hồng y Bergoglio luôn cảm thấy thoái mái nhất khi ít bị người khác chú ý. “Khi các giám mục họp mặt, ông luôn muốn ngồi ở hàng ghế sau. Sự khiêm nhường này có thể được thấy rất rõ tại Rome”, ông Rubin nói.

(Theo Vneconomy)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Giá thuê văn phòng ở London đắt nhất thế giới
  • Bê bối ở ngân hàng lâu đời nhất thế giới
  • Tỷ lệ thất nghiệp eurozone lập mức cao mới
  • Dân Ý bán vàng trang sức để trang trải cuộc sống
  • Đức ngày càng nhiều người nghèo
  • Nợ công châu Âu đã tới mức báo động
  • Hy Lạp thông qua dự luật tư nhân hóa
  • Năm triệu người Anh thu nhập dưới mức tối thiểu