Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Âu vẫn bất đồng về quy mô quỹ bình ổn tài chính

Cuộc họp bộ trưởng tài chính ngày 6/12 tại Brussel cho thấy các nước thành viên Eurozone vẫn bất đồng về quy mô Quỹ bình ổn châu Âu.

Eurozone luôn phải đối mặt với sức ép gia tăng quy mô Quỹ bình ổn tài chính châu Âu trị giá 750 tỷ euro (1.000 tỷ USD, để chặn đứng nguy cơ lây lan cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, Ireland sang các nền kinh tế yếu kém khác trong Eurozone.

Trong bối cảnh trên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã  kêu gọi các Bộ trưởng Tài chính Eurozone thúc đẩy cơ chế linh hoạt, đồng thời hối thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng cường hoạt động mua trái phiếu chính phủ để làm dịu bớt nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino.
 
IMF đánh giá rằng tiến trình phục hồi của Eurozone có thể dễ dàng bị chệch hướng vì những bất ổn từ cuộc khủng hoảng nợ đang có xu hướng lan rộng. Báo cáo của IMF khuyến cáo Eurozone cân nhắc việc tăng quy mô Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu và sử dụng nguồn tài chính trong quỹ này một cách linh hoạt hơn, trong đó có việc hỗ trợ các ngân hàng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, bà Elena Salgado, cho rằng tăng quy mô của quỹ không phải là vấn đề đáng quan tâm tại thời điểm hiện nay. Trả lời phỏng vấn tờ Les Echos, bà Elena khẳng định, nền tảng kinh tế Tây Ban Nha vẫn vững mạnh và quốc gia này không cần đến hỗ trợ tài chính từ cơ chế cứu trợ của EU.

Còn Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), cũng phản đối về đề nghị tăng quy mô quỹ bình ổn, bởi cho rằng người dân nước này sẽ phải gánh vác những khoản tiền cứu trợ lớn hơn cho Eurozone.    

Sau cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Eurozone sẽ là cuộc họp Bộ trưởng Tài chính EU ngày 7/12, để chính thức thông qua gói cứu trợ 85 tỷ euro cho Ireland và thảo luận về kế hoạch cải tổ ngân sách EU.

Trên thực tế, việc ECB tăng cường mua trái phiếu chính phủ đã giúp hạ nhiệt các thị trường cuối tuần qua, qua đó giảm lãi suất đi vay cho các quốc gia đang khốn đốn vì nợ nần như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia. Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker, và Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti kêu gọi Eurozone cần phát hành một loại hình trái phiếu chính phủ chung hay còn gọi là "E-bond" nhằm đối phó với những biến động của đồng euro hiện nay. Theo hai ông, kế hoạch trên sẽ dẫn tới việc thành lập một thị trường toàn cầu cho các trái phiếu của châu Âu và qua đó, giúp bảo vệ các nước thành viên khỏi làn sóng đầu cơ và thu hút thêm luồng vốn chảy vào châu lục. Hai ông tin rằng đề xuất này sẽ là một sự ứng phó mạnh mẽ, đáng tin cậy và kịp thời đối với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, đồng thời cho biết Ủy ban châu Âu (EC) có thể sẽ tiến hành những bước đi nhằm thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm phát hành các trái phiếu này trong tháng 12/2010. Tờ Financial Times của Anh cho biết kế hoạch thành lập Cơ quan Thuế vụ châu Âu để phát hành loại trái phiếu nói trên có thể trở thành hiện thực ngay trong tháng 12 này, nếu được các quốc gia thành viên Eurozone thông qua.

Thế nhưng, đề xuất thành lập một thị trường giao dịch trái phiếu chung cho toàn khu vực trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone cho đến nay vẫn không đạt được sự nhất trí chung trong khối. Việc Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã bác bỏ khả năng sẽ sớm ra đời "E-bond" cho thấy sự chia rẽ ở  Eurozone về cách thức đối phó cuộc khủng hoảng đang đe dọa đồng tiền euro. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng việc cho ra đời loại trái phiếu chung như vậy tại  Eurozone là không khả thi nếu không có những thay đổi cơ bản trong khung pháp lý của châu Âu. Theo ông, điều có ý nghĩa sống còn đó là chính phủ các nước có các sáng kiến để bảo đảm các quy định về tài chính và nếu không họ sẽ phải chịu sự trừng phạt.

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Kinh tế châu Âu tháng 11: Tâm điểm là Ireland
  • Giá rét hoành hành châu Âu
  • Châu Âu dưới áp lực tăng cường quỹ cứu trợ
  • Ủy ban châu Âu công bố chính sách thương mại mới
  • Ống dẫn dầu từ Nga tới Hy Lạp đe dọa môi trường
  • 25.000 người châu Âu chết mỗi năm vì nhờn thuốc
  • Hy Lạp có nguy cơ bị hạ bậc tín dụng
  • Bước tiến lớn trong chống hàng giả và hàng nhái