Ý muốn tái vũ trang quân đội Georgia bằng những phương tiện hiện đại nhất đã được tổng thống Georgia công khai khi trả lời phỏng vấn của hai nhật báo Mỹ hàng đầu là The Wall Street Journal và The Washington Post trước ngày phó tổng thống Mỹ viếng thăm chính thức Georgia trong hai ngày 22 và 23-7 vừa qua.
Ông Saakashvili tuyên bố rằng ông muốn Washington cung cấp súng chống tăng và các hệ thống phòng không hiện đại. Ông này lập luận rằng Nga vẫn còn có ý định tấn công Georgia sau khi dùng lực lượng đối lập ở Georgia lật đổ ông mà không được. Theo ông, nếu Georgia có được vũ khí Mỹ thì “những cái đầu nóng ở Nga buộc phải suy nghĩ lại nếu muốn phiêu lưu quân sự”.
Nhật báo Georgia Times, xuất bản tại Tbilisi, thủ đô Georgia, tuần rồi cũng đưa tin Tổng thống Mikhail Saakashvili đã yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí hiện đại nhất cho Georgia để có thể chống lại mối đe dọa của Nga trong cuộc gặp Phó Tổng thống Joe Biden hôm 22-7.
Không giống như tổng thống Obama vốn có những phát biểu rất dè dặt trong bối cảnh Mỹ mong muốn “tái khởi động” quan hệ hữu nghị với Nga, ông Biden đã mạnh dạn tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Georgia và ý muốn gia nhập khối quân sự NATO của Georgia bằng cách “duy trì lực lượng vũ trang, huấn luyện và tổ chức bộ máy quân sự của Georgia”.
Sai lầm lớn
Tuyên bố của ông Biden qua ngày hôm sau còn được Philip Crowley, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ họa: “Tôi nghĩ phó tổng thống không những muốn nhấn mạnh rằng quan hệ Mỹ-Georgia là quan trọng mà Mỹ còn quyết tâm giúp đỡ nền quốc phòng Georgia và giữ lời hứa tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Georgia trong tương lai”.
Crowley giải thích rằng một trong những điều kiện cơ bản của một nước muốn gia nhập NATO là sở hữu những trang bị quân sự đáp ứng tiêu chuẩn của NATO và tăng cường khả năng quân sự của nó. Hiện nay quân đội Georgia chưa đạt tiêu chuẩn của NATO. Do đó, Mỹ không loại trừ khả năng tái vũ trang Georgia, dù cho việc này có thể làm phật lòng Nga.
Lập tức Moscow đã phản ứng quyết liệt. Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố: “Ai tiếp tục nói tới sự cần thiết phải cung cấp vũ khí cho Georgia thì người đó phạm một sai lầm lớn”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cũng cảnh báo rằng Nga sẽ hạn chế hoặc ngưng hợp tác kỹ thuật quân sự với bất cứ nước thứ ba và công ty nước ngoài nào cung cấp vũ khí có nguồn gốc Nga hoặc Liên Xô và các thiết bị quốc phòng cho Georgia theo một sắc lệnh của tổng thống Nga ban hành hồi tháng giêng năm nay.
Quân đội Georgia được Mỹ trang bị và huấn luyện từ năm 2002. Ảnh: Flicker
Tuy vậy, theo tờ báo Nga The Moscow Times, Nga không vội vã thực thi sắc lệnh một cách quyết liệt. Hồi đầu tháng 7 rồi, nhật báo Segodnya của Ukraine đăng bài phỏng vấn Sergei Bondarchuk, Giám đốc Công ty Xuất khẩu vũ khí quốc doanh Ukrspetsexport của Ukraine.
Ông này xác nhận rằng công ty vẫn tiếp tục xuất khẩu thiết bị quân sự sang Georgia theo các hợp đồng đã ký với Georgia trước khi xảy ra cuộc chiến Georgia-Nga. Cụ thể công ty này đã ký bán 20 chiếc xe tăng kiểu T-72B, nhiều thiết vận xa kiểu BTR-70DI và tên lửa chống tăng kiểu Kombat.
Phóng viên tờ The Moscow Times đã đem chuyện nói trên hỏi Cục Hợp tác quân sự và kỹ thuật Liên bang Nga, cơ quan thực thi sắc lệnh của Tổng thống Medvedev. Cơ quan này không bình luận gì về tuyên bố của ông Bondarchuk và cũng không cho biết có trừng phạt Ukrspetsexport hay không.
Nhưng một nguồn tin trong giới công nghiệp quốc phòng Nga cho tờ báo Nga biết công ty nói trên của Ukraine vẫn tiếp tục làm ăn với các đối tác Nga, không có dấu hiệu bị trừng phạt.
Nói đi rồi nói lại
Dù sao, phản ứng của Nga cũng có tác dụng ít nhiều. Ngày 29-7, bà Celeste Wallander, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách khối Nga, Ukraine và chính sách Âu-Á, tuyên bố rằng Mỹ không có ý định viện trợ hoặc bán vũ khí cho Georgia.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn tiếp tục giúp đỡ Georgia trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng song phương, tập trung vào nội dung huấn luyện và giáo dục. Bà cũng tái khẳng định rằng Washington ủng hộ Georgia trong việc lựa chọn chính sách đối ngoại, đồng thời bác bỏ khái niệm cho rằng Nga có đặc quyền về “vùng ảnh hưởng” đối với các nước láng giềng.
Bà Wallander đã tường trình như trên hôm 29-7 trước Tiểu ban Ngoại vụ Hạ viện Mỹ về các vấn đề của châu Âu. Buổi tường trình tập trung vào vấn đề “tái khởi động” các mối quan hệ với Nga, chuyến đi của Tổng thống Obama đến Nga và của Phó Tổng thống Biden đến Georgia và Ukraine.
Ngoài vấn đề buôn bán vũ khí, bà Wallander còn tuyên bố rằng Mỹ không có ý định tham gia phái bộ giám sát của Liên hiệp châu Âu (EU) ở Georgia trong lúc này. Phái bộ này được thành lập theo Hiệp định Hòa bình năm 2008 ký kết giữa Georgia và Nga sau cuộc chiến 5 ngày ở Nam Ossetia. Theo bà, đó là do EU không mời Mỹ tham gia vì vậy bàn về vấn đề này bây giờ là “hãy còn sớm”.
Cũng trong buổi tường trình nói trên, hạ nghị sĩ William Delahunt của đảng Dân chủ đồng ý rằng Mỹ không nên can dự sâu vào tình hình quân sự của Georgia hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Tôi cương quyết phản đối bán vũ khí cho Georgia. Nếu chúng ta đang tái khởi động quan hệ với Nga thì tại sao lại đổ dầu vào lửa trong khi tình hình ở đó đang bất ổn”.
Về phía Georgia, đáng chú ý là tuyên bố của David Bakradze, Chủ tịch Quốc hội Georgia, sau chuyến viếng thăm của phó tổng thống Mỹ. Ông đã phủ nhận các nguồn tin, theo đó hai ông Saakashvili và Biden đã thảo luận việc buôn bán vũ khí cho Georgia.
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com