Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến tranh GEORGIA-NGA: LỖI TẠI AI? Georgia nên tự trách mình

Một tuần trước ngày kỷ niệm một năm cuộc chiến 5 ngày ở Nam Ossetia, quan hệ Georgia-Nga lại căng thẳng. Cuối tuần qua, Nam Ossetia và Georgia tố cáo lẫn nhau bắn phá làng mạc của hai bên. Trong khi đó, hai đoàn đàm phán Georgia-Nga tại Genève, Thụy Sĩ, đã họp 6 lần rồi mà vẫn chưa thấy ánh sáng


Zemo Nikozi, một ngôi làng nhỏ của Georgia (cũng gọi là Gruzia), là tâm điểm của những cáo buộc gây hấn mới đây giữa Georgia và Nam Ossetia, một tỉnh ly khai của Georgia, được Nga công nhận là một nước độc lập.


Ngày 1-8, chính quyền Nam Ossetia tố cáo quân đội Georgia đóng tại làng Zemo Nikozi nã đạn cối và lựu đạn vào Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia, và các vùng lân cận liên tục 4 ngày liền kể từ ngày 29-7. Georgia ngược lại cũng tố cáo lực lượng Nam Ossetia bắn đạn cối vào làng này. Theo nhật báo Mỹ The Washington Post, đó là chưa kể những vụ bắn tỉa của hai phía xảy ra như cơm bữa.


Phó Tổng thống Joe Biden (bìa trái) và Tổng thống Saakashvili tại
buổi chiêu đãi ngày 22-7-2009 ở Tbilissi. Ảnh: AP

 

Ngày 2-8, Georgia lại tố cáo Nga mưu toan dời biên giới Georgia-Nam Ossetia. Shota Utiashvili, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Georgia, cho biết các toán trinh sát Nga đã tiến vào làng Kveshi của Georgia với âm mưu dời các cột mốc biên giới hàng trăm mét bên trong lãnh thổ Georgia.


EU: Không có bằng chứng


Tuy nhiên, Steve Bird, người phát ngôn của phái đoàn giám sát của Liên hiệp châu Âu (EUMM) ở vùng xung đột Georgia-Nam Ossetia, cho biết lời tố cáo của Georgia không có bằng chứng. Bird cho biết cuộc tranh cãi chung quanh đường biên giới chính xác của Nam Ossetia là muôn thuở cho nên lời tố cáo của Georgia không có gì là lạ. Đường biên giới này do Liên Xô vẽ hồi thập niên 1920. Lúc đó, Liên Xô trao cho Nam Ossetia quyền tự trị bên trong Georgia.


Điều đáng chú ý là “càng gần đến ngày kỷ niệm một năm cuộc chiến ở Nam Ossetia thì tình hình ở đây càng nóng hơn” như lời Steve Bird nói.


Về những lời tố cáo của Nam Ossetia nói trên, EUMM cũng đã đưa ra một thông cáo ngay trong ngày 1-8 khẳng định rằng các toán tuần tra của phái đoàn “không tìm thấy chứng cứ nào cho thấy quân đội Georgia bắn đạn cối, lựu đạn vào Tskhinvali và các vùng lân cận”. Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, nhiều nhà báo phương Tây xác nhận rằng đêm 29-7, họ có nghe nhiều tiếng nổ lớn gần Tskhinvali.


Kể từ sau cuộc chiến 5 ngày hồi tháng 8 năm ngoái, EU - với 225 quan sát viên dân sự tuần tra biên giới Nam Ossetia và Abkhazia (hai tỉnh ly khai của Georgia) - là tổ chức quốc tế duy nhất làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong khu vực sau khi phái đoàn giám sát của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) rút khỏi vùng này.


Không dừng lại ở những lời cáo buộc nói trên, tuần qua, các nhà lãnh đạo Georgia và Nam Ossetia đưa ra những tuyên bố làm căng thẳng thêm tình hình ở trong khu vực. Ngày 27-7, Tổng thống Nam Ossetia Eduard Kokoity phát biểu trên Đài Truyền hình Nước Nga hôm nay rằng Mỹ, Ukraine và Israel phải chịu trách nhiệm về cuộc diệt chủng ở Nam Ossetia vì đã vũ trang cho quân đội Georgia. Ông cũng tố cáo nhiều cơ quan thông tấn của phương Tây tiến hành một cuộc chiến thông tin chống lại Nam Ossetia bằng cách làm cho độc giả tin rằng quân đội Nam
Ossetia và Nga xâm lược Georgia.


Trong một cuộc phỏng vấn khác của hãng tin Nga RIA Novosti hôm 31-7, ông Kokoity yêu cầu xét xử Tổng thống Mikhail Saakashvili vì đã ra lệnh tấn công và tiến hành một cuộc diệt chủng ở Nam Ossetia. Hãng tin Nga RIA Novosti ngày 3-8 cho biết theo điều tra của Văn phòng Tổng Công tố Nga, trong cuộc tấn công Nam Ossetia cách đây tròn một năm của quân đội Georgia đã có 5.315 người Ossetia bị giết, bị thương hoặc mất hết nhà cửa. Nam Ossetia có 70.000 dân, trong đó có 98% mang quốc tịch Nga, nói tiếng Nga, xài tiền Nga.


Trong khi đó, ngày 29-7, Tổng thống Georgia Saakashvili tuyên bố rằng Georgia đã thoát khỏi mối đe dọa tấn công của Nga trong mùa hè này. Ông tố cáo Thủ tướng Vladimir Putin muốn tấn công Georgia trong năm nay nhằm “tiêu diệt nhà nước Georgia nhưng nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và sự đoàn kết của nhân dân Georgia, Nga đã không thực hiện được âm mưu đó”.


Theo ông, nhà nước Georgia đã không sụp đổ hồi tháng 4 vừa qua (ám chỉ những cuộc biểu tình trên đường phố của phe đối lập đòi ông từ chức), kinh tế Georgia cũng không sụp đổ vì “tình hình kinh tế của Nga hiện nay và của đa số các nước châu Âu đều thê thảm hơn kinh tế Georgia”.


Nam Ossetia muốn hợp nhất với Nga


Ngày 1-8, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng cảnh báo Georgia rằng nếu tiếp tục bắn phá thủ phủ Tskhinvali và các vùng lân cận với âm mưu “gia tăng căng thẳng" thì Nga sẵn sàng dùng sức mạnh để bảo vệ công dân Nga ở Nam Ossetia. Thông báo của bộ này viết: “Các sự kiện vừa nêu giống hệt kịch bản hồi tháng 8 năm ngoái. Chúng dẫn đến cuộc xâm lược Nam Ossetia của Georgia và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã bị tấn công”. Bộ Ngoại giao Georgia lập tức lên án tuyên bố của Nga là “một lời đe dọa công khai” và Nga tìm cớ để hành động quân sự chống Georgia.


Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Tổng thống Nam Ossetia tuyên bố ông muốn hợp nhất Nam Ossetia với nước Nga. Người Nam Ossetia thuộc giống dân khác với Georgia, sử dụng ngôn ngữ riêng. Tổng thống Kokoity cũng muốn Nga triển khai quân đội và vũ khí nhiều hơn nữa ở Nam Ossetia. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Nga chưa sẵn sàng cho việc hợp nhất “vì ngại mang tiếng thôn tính lãnh thổ”.


Vì sao ngày kỷ niệm một năm cuộc chiến Georgia-Nga đang nóng lên từng ngày theo chiều hướng nguy hiểm? Các nhà phân tích cho rằng chuyến viếng thăm Georgia trong hai ngày 22 và 23-7 vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã góp một phần không nhỏ. Ông Biden hứa sẽ ủng hộ Georgia vào NATO và để ngỏ việc tái vũ trang quân đội Georgia.

Kỳ tới: Tái vũ trang quân đội Georgia

(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Nga tiến vào thị trường năng lượng châu Á-Thái Bình Dương
  • Kinh tế Đức và Pháp thoát suy thoái
  • Nga - Hàn bàn việc xây ống dẫn khí đốt qua Triều Tiên
  • Italia: Ra luật cứu nền kinh tế
  • Phụ nữ ở Đức ngày càng "lười" sinh con
  • Nga: Phá giá đồng RUB sẽ giúp kinh tế thoát khỏi khó khăn
  • Anh cảnh báo uy tín của NATO sẽ bị giảm sút vì cuộc chiến ở Afghanistan
  • Nga-Ukraina: ăn miếng trả miếng