Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, nhiều cánh đồng của các nước châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan... trắng một màu của sữa. Trên nhiều nẻo đường xuyên châu Âu người nông dân hào phóng mở một kỳ miễn phí với sản phẩm sữa tươi cho xóm giềng và cả lữ khách trên đường. Nguyên nhân gì khiến người nuôi bò sữa châu Âu nổi giận, đổ bỏ hàng triệu lít sữa trong 72 giờ qua?
![]() |
Hàng triệu lít sữa bị đổ ra đồng ruộng châu Âu cuối tuần qua bằng các máy phun. |
Bỉ là nước nổ phát súng đầu tiên khi đổ tháo 3 triệu lít sữa vào cánh đồng Xi-nây hôm 16-9 ở phía Nam nước này, để phản đối giá sữa tụt dốc. Sau nông dân Bỉ, nông dân Pháp đã hưởng ứng bằng việc đổ hàng tấn sữa và phân bò vào một ngân hàng ở miền Nam vì cho rằng nhà băng kiếm lời trên nỗi khổ của họ. Chưa thỏa cơn giận, nông dân Pháp (ngày 18-9) tiếp tục đổ bỏ 3,5 triệu lít sữa trên những cánh đồng và đường phố ở miền Tây. Cùng với đổ tháo sữa ra đồng ruộng, hơn 200 nhà sản xuất sữa của Pháp đã tập trung phản đối tình trạng sữa bị hạ giá. Một số người quá khích còn tấn công một siêu thị, lấy các sản phẩm sữa biếu không cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, người nuôi bò sữa tại Đức, I-ta-li-a, Hà Lan, Áo, Luých-xăm-bua cũng không đứng ngoài cuộc. Tại Hà Lan, khoảng 100.000 lít sữa đã bị đổ bỏ trên một cánh đồng gần Am-xtéc-đam. Còn tại Đức, nông dân đổ 7.000 lít sữa bên ngoài tòa nhà của Bộ Nông nghiệp ở thành phố Bon, nơi đang diễn ra cuộc họp bộ trưởng nông nghiệp các tiểu bang và liên bang. Ngoài ra, nông dân Bỉ, Đức và Hà Lan còn biểu tình ngăn cản các xe chở sữa qua biên giới khiến hàng triệu lít sữa quá cảnh có nguy cơ bị hỏng... Trước diễn biến này, Chủ tịch Hội đồng Sữa châu Âu Rô-mua-an Sa-bơ cho biết, tại một số khu vực có tới một nửa nông dân không giao sữa cho các nhà máy. Do đó, các siêu thị có thể lâm vào tình trạng thiếu sữa trong tuần này hoặc vài tuần tới.
Nguyên cớ thổi bùng "cơn thịnh nộ trắng" ở châu Âu vào cuối tuần qua là do Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Ma-ri-an Phít-chơ Bô-en vừa thông báo một loạt giải pháp cho phép các nước thành viên EU cơ cấu lại ngành sản xuất sữa của nước mình. Bà Ma-ri-an đề xuất hỗ trợ tài chính để một số nông dân nuôi bò sữa hoặc làm trong lĩnh vực này chuyển nghề, tiền hỗ trợ sẽ lấy từ tiền phạt những nông dân sản xuất sữa quá hạn ngạch. Nói cách khác, để giải quyết tình trạng giá sữa giảm, cần hạn chế số nông dân sản xuất sữa và lượng sữa. Đây là giải pháp mà nông dân châu Âu không chấp nhận trong bối cảnh hiện nay. Pháp và một số nước khác đã lên tiếng ủng hộ nông dân. "Buộc phải bỏ phí sữa và đổ sữa ra đồng là dấu hiệu của sự tuyệt vọng lớn", Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bru-nô Li Mai-rê nói khi ông chứng kiến những giọt sữa quý giá bị đổ đi không thương xót.
Tuy nhiên, bò đến kỳ cho sữa lại đau, đang rống váng cả trang trại và người ta phải vắt sữa hằng ngày, nên một số nông dân không thể để bò chết do không vắt sữa. Trong khi đó, giá sữa thế giới giảm nhiều tới mức họ chỉ bán được với giá 20 cent/lít, bằng một nửa chi phí sản xuất. Nghịch lý là giá một lít sữa tại một siêu thị ở Pa-ri (Pháp) hay ở Phanh-phuốc (Đức) và Brúc-xen (Bỉ)... hiện đang bán cao gấp bốn lần giá bán của các nhà sản xuất. Vì vậy, thời gian gần đây, tại châu Âu đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình của nông dân yêu cầu các chính phủ can thiệp do giá thu mua sữa quá thấp và giảm hạn ngạch xuất khẩu để giá sữa tăng. Có tình trạng này là do một khi các nước EU tự định đoạt hạn ngạch xuất khẩu sữa sẽ đồng nghĩa với việc mạnh ai nấy làm và dẫn đến tình trạng xuất khẩu sữa tràn lan. Điều này ắt dẫn đến "cung" vượt "cầu" và câu chuyện tiếp theo là tất yếu: giá sữa sẽ sụt giảm hơn nữa.
EU hiện là nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới. Sản lượng sữa của EU năm nay dự kiến vào khoảng 134,3 triệu tấn, chiếm 30% sản lượng toàn cầu. Cuối năm 2008, bộ trưởng nông nghiệp 27 quốc gia thành viên EU đã quyết định tăng hạn ngạch sản xuất sữa mỗi năm 1% và sẽ bãi bỏ hạn ngạch vào năm 2015. Điều này vấp phải sự phản đối quyết liệt của nông dân do lo ngại giá sữa sẽ giảm mạnh hơn nữa khi không còn hạn ngạch. Dù hiện nay nông dân EU được "bù lỗ" 2 ơ-rô/ngày cho mỗi con bò sữa, thì với mức trợ cấp như vậy vẫn không giúp họ tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khi nhu cầu về các sản phẩm sữa giảm mạnh. Theo tính toán của một tổ chức đại diện cho nông dân châu Âu, nếu Ủy ban châu Âu (EC) không có hành động khẩn cấp, người nuôi bò sữa sẽ lỗ khoảng 10 tỷ ơ-rô.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bru-nô Li Mai-rê đã có cuộc gặp với đại diện nông dân để tìm giải pháp cho vấn đề này. Ông Li Mai-rê cho biết, sẽ có cuộc họp với các ngân hàng và công ty bảo hiểm để hỗ trợ tài chính cho nông dân. Ở quy mô châu Âu, Pháp và một số quốc gia khác đề xuất giải pháp thay thế là điều tiết thị trường nhằm bảo đảm mức giá tối thiểu có thể chấp nhận được giữa các nhà sản xuất với các công ty chế biến. Pháp là nước đầu tiên đề xuất một cơ chế điều tiết thị trường ở quy mô châu Âu và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của 16 nước đối tác. Trong tuần này, các nhà lãnh đạo Pháp sẽ tới Ba Lan chỉ để thảo luận về các vấn đề liên quan tới... sữa!
(Theo Kim Phượng // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com