Tuần tới, tại thủ đô Zagreb của Croatia, các cổ đông của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) – lãnh đạo của 61 quốc gia trên thế giới sẽ tán thành tăng vốn điều lệ của ngân hàng thêm 10 tỷ euro (từ 20 tỷ lên 30 tỷ euro). Mặc dù cổ phần của Nga tại EBRD không lớn (chỉ chiếm 4%), nhưng Nga lại là một trong mười nhà tài trợ lớn nhất của ngân hàng này.
EBRD được thành lập từ năm 1991 nhằm giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa cũ trong việc chuyển sang nền kinh tế thị trường. Ngân hàng có trụ sở tại 29 nước Đông Âu và Trung Á.
EBRD cần bổ sung vốn điều lệ để có thể cho các nước Đông Âu, trong đó có Nga vay nhiều hơn nữa. Trong cuộc khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã hạn chế các dự án tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa, nơi có quá nhiều sự mạo hiểm như Ukraine, Baltic và Hungary.
EBRD là một trong số ít các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho các nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng vay với lãi suất thấp.
Năm 2009, ngân hàng đã đầu tư với mức kỷ lục là 7,9 tỷ euro. Trong quý I năm 2010, lượng đầu tư của ngân hàng đã tăng thêm 60% (lên tới 1,76 tỷ euro) so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch EBRD Thomas Mirow cho rằng, các nhà đầu tư tư nhân tương đối hoài nghi về Đông Âu và dường như tin tưởng hơn vào châu Á và Mỹ Latin, tờ Financial Times dẫn lời.
Trưởng phòng quan hệ công chúng EBRD Anthony Williams cho biết, với số vốn hiện tại, EBRD có thể đầu tư gần 8 tỷ euro một năm, sau đó con số này có thể tăng tới 9 tỷ euro.
Thông thường, việc EBRD tham gia vào các dự án đầu tư đảm bảo việc bảo vệ cho các dự án ở một mức độ nhất định trước sự chuyên quyền của các quan chức và các cuộc tấn công vốn, do đó đồng thời với đầu tư của ngân hàng, khách hàng cũng phải thu hút thêm vốn tư nhân. Trung bình cứ mỗi euro do ngân hàng đầu tư thì sẽ có từ 2-3 euro vốn tư nhân. Nga là nước được EBRD đầu tư nhiều hơn cả. Năm 2008, EBRD đã dành cho Nga 1,8 tỷ euro tương đương 35% tổng số vốn đầu tư của ngân hàng. Đứng thứ hai là Ukraine với 0,8 tỷ euro.
Những ý kiến trái ngược
Theo dự kiến, các cổ đông của EBRD sẽ nhất trí ủng hộ sáng kiến của ngân hàng. “Không có dấu hiệu nào cho thấy, họ (cổ đông EBRD) sẽ thay đổi quan điểm”, chủ tịch EBRD nói.
Phát ngôn viên của Bộ Tài chính Nga cho hay, Nga sẽ hỗ trợ tăng vốn ngân hàng.
Trước đây, các cổ đông EBRD đã có những bất đồng nghiêm trọng. Năm 2008, Mỹ đề xuất giảm bớt vai trò của EBRD và cắt giảm nguồn tài chính là cổ tức mà EBRD trả cho các cổ đông lớn. Liên minh châu Âu đã phản đối và ủng hộ nâng cao vai trò của ngân hàng.
Hôm 2/5, phát biểu với tờ tuần báo Euro của CH Czech Tổng thống CH Czech Vaclav Klaus cho rằng, sự hoạt động của EBRD là không cần thiết và không có ý nghĩa. Ông cho biết, CH Czech đã không sử dụng các dịch vụ của EBRD trong vòng 20 năm kể từ khi EBRD hoạt động và cho rằng, EBRD được lập ra phần lớn hỗ trợ cho các nước Đông Âu.
Đóng góp vốn
Ông Anthony Williams giải thích rằng, việc tăng vốn ngân hàng lên 10 tỷ euro không có nghĩa là tất cả các cổ đông của EBRD phải đóng góp vào số tiền này.
EBRD sẽ nhận được 1 tỷ euro trích từ quỹ dự trữ của ngân hàng, hiện tại đã đạt 6 tỷ euro. 9 tỷ euro còn lại EBRD sẽ yêu cầu các cổ đông đóng góp.
Ông cho biết, hiện tại vốn điều lệ của EBRD là 20 tỷ euro, trong đó 15 tỷ euro là “vốn đóng góp theo yêu cầu” và chỉ có 5 tỷ euro là vốn thực của ngân hàng. Nếu các cổ đông chấp thuận, vốn của ngân hàng sẽ đạt 30 tỷ euro.
Theo ông Williams, mỗi cổ đông của EBRD sẽ đóng góp theo cổ phần của mình. Ví dụ, cổ phần của Nga tại EBRD là 4% sẽ tương đương với 360 triệu euro.
Chính phủ Nga đảm bảo sẽ cung cấp 360 triệu euro vào vốn điều lệ của EBRD để cứu trợ tài chính cho các nước Đông Âu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng.
EBRD dự tính, chính phủ của các nước cổ đông của ngân hàng sẽ cần có thời gian để có được sự tán thành từ nghị viện đối với vốn đóng góp mới cho ngân hàng quốc tế, do đó, quá trình tăng vốn của EBRD sẽ cần một thời gian nhất định.
EBRD cam đoan sẽ hoàn vốn không sử dụng và bảo lãnh cho các cổ đông nếu được yêu cầu sau năm 2015.
(Vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com