Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nga – Ukraine: Đổi khí đốt lấy căn cứ quân sự

Đề nghị sáp nhập hai công ty khí đốt quốc gia Naftogaz (Ukraine) và Gazprom (Nga) của Thủ tướng Nga Putin làm chấn động Ukraine.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 30.4 bất ngờ đề xuất sáp nhập tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, tập đoàn sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, với công ty khí đốt quốc gia Naftogaz của Ukraine. Naftogaz là công ty quốc doanh của Ukraine, nhập khẩu khí đốt từ Nga và xuất khẩu khoảng 20% lượng khí đốt đó qua châu Âu, thông qua hệ thống ống dẫn của Ukraine. Trước đây, Naftogaz thường xuyên gặp khó khăn về tài chính vì phải nhập khí đốt với giá cao từ Nga, sau đó phải bán khí đốt với giá trợ cấp cho người tiêu dùng nội địa.

Nga và Ukraine từng xảy ra bất đồng khí đốt, Nga cắt nguồn cung khí đốt, khiến hàng triệu người Ukraine và châu Âu không có năng lượng sưởi ấm trong mùa đông. Trong ảnh là người đàn ông Bosnia phải chẻ củi sưởi vì nguồn khí đốt từ Nga qua Ukraine đến Bosnia bị cắt. Ảnh: AFP

Đề xuất trên được Thủ tướng Putin công bố sau cuộc thảo luận ở thành phố Sochi, miền Nam nước Nga với người đồng cấp Ukraine, ông Mykola Azarov. Ông Putin nói: “Chúng tôi đã nói chuyện hoà nhập trong lĩnh vực hạt nhân. Chúng tôi sẵn sàng làm tương tự với khí đốt. Tôi đề nghị sáp nhập Gazprom và Naftogaz”.

Giới quan sát nhận xét tuyên bố gây chấn động nói trên của Thủ tướng Putin là động thái mới nhất của việc khôi phục quan hệ giữa hai nước sau khi ông Vicktor Yanukovych giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vòng hai diễn ra ngày 7.2.

Kể từ lúc ông Viktor Yanukovich đắc cử Tổng thống Ukraine hồi tháng hai đến nay, mối quan hệ Ukraine – Nga ngày một nồng ấm. Mới đây nhất, ngày 21.4 Nga – Ukraine đạt thoả thuận duy trì Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea ít nhất cho tới năm 2042, thay vì phải rời khỏi Ukraine vào năm 2017, đổi lại Kiev được giảm 30% giá khí đốt mua từ Nga.

Dù ông Yanukovich nói Ukraine tiết kiệm được 3 tỉ USD nhờ thoả thuận giá khí đốt mới với Nga trong năm nay, nhưng vẫn có nhiều ý kiến phản đối. Ngày 30.4, quốc hội Ukraine biến thành bãi chiến trường trứng thối, khói và đấm đá của các nghị sĩ thuộc hai phe, một ủng hộ, một phản đối thoả thuận đổi Crimea lấy khí đốt.

Nếu đề nghị của ông Putin được thông qua, Nga kiểm soát được đường trung chuyển khí đốt từ Ukraine qua các nước châu Âu khác và đương nhiên kiểm soát luôn cả thị trường khí đốt nội địa Ukraine. Như đổ dầu vào lửa, chính trường Ukraine lại sôi sục. Lãnh đạo đối lập, cựu Thủ tướng Ukraine, bà Yulia Tymoshenko gọi thoả thuận duy trì Hạm đội Biển Đen và đề nghị sáp nhập hai công ty khí đốt nói trên là thoả thuận phá hoại Ukraine. Bà kêu gọi một cuộc biểu tình lớn vào ngày 11.5 để bảo vệ Ukraine và lật đổ Tổng thống Yanukovich. Bà Tymoshenko nói: “Đó không phải là thoả thuận hợp tác, mà Nga chiếm hữu hoàn toàn tài sản của Ukraine. Crimea chỉ là bước đầu”.

Ông Chris Weafer, chiến lược gia trưởng của công ty môi giới Uralsib Nga, nghi ngờ khả năng hai công ty có thể thành một, vì ông nói: “Đây là hai con thú có kích cỡ và độ minh bạch khác nhau. Tôi không tin phía Ukraine chịu sáp nhập. Gazprom lớn mạnh hơn nên chắc chắn sẽ nuốt chửng Naftogaz, dân Ukraine không bao giờ chấp nhận chuyện này”.

Có lẽ vì vậy, nên Kiev phải trấn an dư luận. Ông Vitaly Lukyanenko, người phát ngôn của Thủ tướng Ukraine cho rằng đó chỉ là phát biểu ngẫu hứng của ông Putin. Ông Lukyanenko nói: “Ý tưởng này chưa được bàn thảo, thậm chí còn không được đưa vào nghị trình cuộc họp. Đó chỉ là phút ngẫu hứng của Thủ tướng Putin. Chúng tôi sẽ thảo luận về ý tưởng ngẫu hứng này và hướng về một đề nghị cụ thể”.

Nhưng nỗ lực của Kiev lập tức bị Moscow dập tắt. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Thủ tướng Putin chắc chắn: “Không phải ngẫu hứng đâu. Đó là một đề nghị đã được suy nghĩ tính toán kỹ”. Ông Peskov còn nói chắc hai công ty không sáp nhập theo kiểu bình thường mà hai bên sẽ hoán đổi cổ phần của nhau.

Những tuyên bố có vẻ bất nhất của phía Nga, và thực tế những gì Nga đã làm, càng khiến tình hình thêm gay cấn. Mới ngày 22.4, Thủ tướng Putin từng mạnh miệng: “Nga sẽ không đổi khí đốt lấy căn cứ quân sự quanh thế giới. Chúng tôi có rất nhiều đối tác trong ngành năng lượng. Chúng tôi không cần xây dựng căn cứ quân sự vòng quanh thế giới”. Ý ông bác bỏ thoả thuận đổi khí đốt lấy căn cứ quân sự hiện tại giống thoả thuận tương tự thời Xô viết. Nhưng sau đó, ông nói lại: “Crimea là một trường hợp đặc biệt”.

Trong thực tế Nga đã bành trướng năng lượng và quân sự vòng quanh thế giới. Cụ thể Nga đã ký kết nhiều thoả thuận dầu, khí đốt và vũ khí với nhiều nước như Ấn Độ, Venezuela. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez năm 2008 từng nói rất hoan nghênh Nga mở căn cứ quân sự tại nước châu Mỹ Latin này.

( Theo Duy Ân (Reuters) // SGTT Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Xúc phạm cử tri
  • Châu Âu chọn nơi xây đài thiên văn lớn nhất thế giới
  • 8X trở thành thị trưởng trẻ nhất nước Anh
  • Sự đảo chiều ngoạn mục
  • Hoa tulip lụi tàn
  • Ukraine: Phe đối lập không đồng ý sáp nhập Naftogaz với Gazprom
  • Con đường cách mạng Venezuela
  • Phương Tây “hút” nước của thế giới