Việc cánh hữu thắng lớn trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu cuối tuần vừa rồi là một ngạc nhiên lớn. Nhưng điều ngạc nhiên lớn hơn là chưa bao giờ người châu Âu lại tỏ ra đồng lòng trở về với những “giá trị xưa cũ” như vậy. Trên khắp châu lục này, cử tri nhất loạt quay lưng lại với cánh tả. Tại Anh và Tây Ban Nha, nơi mà cánh tả đang nắm quyền, các cử tri bỏ phiếu cho cánh hữu, ở Pháp và Italy, nơi cánh hữu đang nắm quyền, họ tiếp tục bỏ cho cánh hữu. Thậm chí tại Đức, khi mà đảng trung hữu CDU của Thủ tướng Angela Merkel không còn được yêu thích như trước nữa thì số phiếu họ nhận được vẫn cao gấp đôi số phiếu cho cánh tả. Trong số 27 nước EU tham gia cuộc bầu cử nghị viện này, chỉ có Hy Lạp, Đan Mạch và Malta bầu cho cánh tả nhưng số phiếu dành cho họ ở những nước này cũng không cao như mong đợi. Lý do được nhắc đến nhiều nhất cho việc này là người dân châu Âu đang rơi vào tâm trạng chán nản, thất vọng do bức tranh kinh tế quá ảm đạm. Họ lo sợ bị cạnh tranh việc làm, lo sợ sự bất ổn do suy thoái kinh tế nên quyết định bầu cho cánh hữu, những người luôn phản đối người nhập cư, quan tâm hơn đến vấn đề an ninh, luật pháp và trật tự. Cuộc bầu cử lần này còn bộc lộ một bước thụt lùi của EU bởi các đảng cánh tả vốn là những đảng ủng hộ nhiệt thành hơn cho liên minh này, còn những đảng cánh hữu lại thiên về xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Những người cánh tả đã không thành công trong việc khiến cho người dân châu Âu tin tưởng hơn vào EU. Con số cử tri đi bầu cũng cho thấy người dân EU cũng chẳng mấy quan tâm tới tổ chức này. Chỉ có 43% cử tri đi bầu cử và tại một số nước, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra đồng thời với cuộc bầu cử địa phương nên thu hút cử tri hơn. Nếu không, con số cử tri đi bầu có thể còn thấp hơn nữa. Cánh hữu hay cánh tả chiếm đa số ở nghị viện châu Âu có ảnh hưởng gì nhiều đến chính sách kinh tế hay chính sách về người nhập cư ở mỗi nước như cử tri mong đợi hay không? Không thể nói là không nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn thì là không nhiều. Cho đến nay, nghị viện này vẫn mang tính hình thức nhiều hơn. Ngay bản thân những người dân châu Âu cũng chẳng hiểu nghị viện này sẽ làm những việc cụ thể gì và có ảnh hưởng như thế nào. Họ tham gia bầu cử chỉ bởi vì muốn có tiếng nói ở những vấn đề của quốc gia mình. Điều đáng lo ngại chính là ở vấn đề chủ nghĩa dân tộc đang lấn lướt quá trình thống nhất châu Âu. Châu Âu đang nỗ lực tiến đến nhất thể hóa với một bộ mặt cởi mở hơn. Nhưng đảng của tổng thống Pháp Sarkozy lại thắng cử với những lời hứa mạnh mẽ về việc phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và hứa hẹn xây dựng một nền kinh tế sẽ "bảo vệ" công nhân của mình trước những cuộc "cạnh tranh không lành mạnh" của công nhân nước ngoài. Dù liên tục vấp phải các xì căng đan cá nhân, nhưng Thủ tướng Itlay Berlusconi vẫn đưa đảng mình đến thắng lợi nhờ những cam kết tương tự về việc kiểm soát chặt chẽ người nhập cư và bảo vệ việc làm trong nước. Trong thời buổi lao đao này, người châu Âu muốn trở lại với những giá trị truyền thống, xưa cũ nhưng chắc chắn và ổn định. Liệu đó có phải là tín hiệu cho thấy châu Âu đang trở nên bảo thủ hơn? Sau chiến tranh thế giới thứ II, các nước châu Âu đã thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng gang thép châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu bây giờ) để nhằm thúc đẩy quá trình thống nhất châu Âu với hy vọng xua đi bóng ma chủ nghĩa dân tộc cực đoan vốn đã tàn phá châu lục này. Với cuộc bầu cử nhiều bất ngờ này, châu Âu có phải đang đi ngược lại lịch sử?Sự chán nản của những người ủng hộ cánh tả sau cuộc bầu cử
(Theo VietNamNet)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com