Sau nhiều năm bị đảo lộn và suy yếu, từ vài năm nay, Liên bang Nga lại nuôi tham vọng phục hưng sức mạnh của mình trên trường quốc tế. Thế nhưng, nước này đồng thời phải đối đầu với một sự thách đố lớn: dân số ngày càng giảm đến mức báo động
![]() |
Dân số trẻ của Nga giảm mạnh, trong khi tỷ lệ tử vong lại tăng. Ảnh: TL |
Cũng như ở nhiều nước khác ở châu Âu, tỷ lệ sinh đẻ ở Nga rất thấp: bình quân mỗi phụ nữ chỉ đẻ 1,2 con, trong khi để số dân không thay đổi, phải đạt đến bình quân 2,1 con/phụ nữ. Trái lại, tỷ lệ tử vong của Nga rất cao, nhất là với nam giới.
Những con số đáng kinh ngạc
Theo các thống kê của uỷ ban Thống kê nhà nước Rosstat, số dân của Nga đã giảm liên tục từ 148,9 triệu vào đầu năm 1993 xuống 141,9 triệu vào tháng 4.2009 và sẽ mất thêm 11 triệu từ đây đến năm 2025. Năm 2025, dân số Nga có thể chỉ còn 131 triệu.
Trong một nghiên cứu với tựa đề “Những hậu quả nghiêm trọng của khủng hoảng dân số ở Nga”, được viện Quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI) công bố vào tháng 6 vừa qua, ông Anatoli Vychnevski, giám đốc viện Dân số học Moscow giải thích: “Cứ ba người đàn ông có một người chết trong độ tuổi từ 20 đến 60. Nếu chúng tôi không giải quyết được vấn đề đó, số dân sẽ giảm còn nhanh hơn nữa”. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga là 61,8 (63,8 vào những năm 1960), không những thua xa các nước phát triển (75 tuổi) mà còn thấp hơn cả một nước rất nghèo như Bangladesh. Còn tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nga là 73, thấp hơn phụ nữ Pháp đến 12 tuổi.
Người Nga chết vì… rượu, thuốc lá, ăn uống
Đàn ông Nga tử vong nhiều chủ yếu các thói quen xấu: ăn uống không thích hợp, nghiện thuốc lá và nghiện rượu. Theo báo cáo của phòng công dân Nga do thông tấn xã Novosti trích dẫn, sự lạm dụng rượu (đặc biệt là vodka) đã là nguyên nhân khiến 500.000 người chết mỗi năm ở Nga. Báo cáo này viết: “Dịch nghiện rượu khiến tỷ lệ tử vong của đàn ông sống tự do cao gấp ba lần so với đàn ông cùng lứa tuổi nhưng bị ở tù”.
Không những nạn nghiện rượu giải thích sự siêu tử vong của đàn ông, nó còn là nguyên nhân của tội phạm và mất an ninh. Cũng theo báo cáo nói trên, khoảng 40% những vụ tự tử và 80% những vụ giết người xảy ra trong khi say rượu.
Mặt khác, các phương tiện bảo vệ sức khoẻ cũng rất thiếu thốn. Năm 2007, Nga chỉ dành 4% tổng sản lượng nội địa (GDP) cho y tế trong khi các nước phương Tây chi 8 – 10%. Trái với nhiều người lầm tưởng, sự khủng hoảng dân số này không phải đã bắt đầu vào những năm 1990 khi Liên Xô tan rã và khi Nga sau đó chuyển sang kinh tế thị trường với rất nhiều khó khăn. Ông Anatoli Vychnevski nhận định: “Nga đã không còn tham gia vào hiện tượng tỷ lệ tử vong giảm nhanh trên toàn thế giới từ hơn bốn mươi năm nay”.
Thu hút di dân Hán vào tả ngạn Hắc Long Giang (Nga)
Sự suy giảm dân số cản trở tham vọng của Kremlin hiện nay. Kremlin muốn Nga lại trở thành một trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, các nhà cầm quyền đã khuyến khích phụ nữ Nga đẻ con bằng cách tăng gấp đôi tiền trợ cấp. Khi sinh đứa con thứ hai, người mẹ được thưởng 325.000 rúp, tức khoảng 185 triệu đồng. Nhờ chính sách này, số sinh đẻ đã tăng 4,2% vào quý 1 năm 2009 so với quý 1 của năm 2008. Nhưng theo ông Vychnevski, sự tăng đó chỉ là tạm bợ, vì “lịch” sinh đẻ thay đổi, còn sự mắn đẻ của phụ nữ chưa chắc sẽ tăng. Do đó, không thể nào đảo ngược tình hình trong ngắn hạn và trung hạn. Giải pháp thực tế duy nhất là nhận dân nhập cư từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Chỉ cần nhìn số dân ở bờ bắc và bờ nam của sông Amur hay Hắc Long Giang, biên giới tự nhiên dài 1.600km giữa Trung Quốc và Nga ta thấy ngay sự tương phản rất lớn giữa một nước quá đông dân và một nước đất rộng người thưa. Phía Nga chỉ có 7,5 triệu dân, nhưng phía Trung Quốc có đến 148 triệu, nhiều gấp gần 20 lần. Để duy trì các hoạt động, nhất là trong nông nghiệp, Nga phải cần đến nhân công nước ngoài. Thế nhưng hiện nay dư luận Nga lại bài ngoại rất mạnh, một phần là do làn sóng di dân Trung Quốc tràn vào vùng Viễn Đông và Tây Bá Lợi Á của Nga. Nhân công Trung Quốc chủ yếu được dùng trong tiểu thủ công, thương mại và nông nghiệp. Dọc theo con đường từ Vladivostok đến biên giới Trung Quốc, ngoài các khu rừng sồi, thông bá hương, bulô… bạt ngàn, còn có các vùng đất hoang mênh mông và nhất là 40 triệu hecta đất bị bỏ hoang từ cuối những năm 1990, vì nghề nông không hấp dẫn dân Nga ở vùng này nữa.
Bà Natalia Viktorovna, người có trách nhiệm ở toà thị chính Pogratchny, thị trấn 13.000 dân gần biên giới, giải thích: “Làng Boïskoe tìm một người lái máy kéo với mức lương khá tốt là 20.000 rúp (khoảng 500 euro), nhưng không ai trình diện, vì đó là một việc đòi hỏi phải nỗ lực, trong khi dân Trung Quốc thì lại không ngại khổ cực. Chính vì thế mà ở vùng này ngày càng có nhiều công ty Nga (trước đây là các nông trường quốc doanh nhưng bị giải thể từ lâu) với vốn và nhân công Trung Quốc”.
(Theo Nguyên Thanh // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com