Viện nghiên cứu Phát triển hiện đại (Nga) vừa công bố báo cáo nghiên cứu về triển vọng của ngành hoá dầu Nga, trong đó khẳng định Nga có tiềm năng trở thành nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo, để đạt được mục tiêu trên, điều kiện bắt buộc là Nga phải đổi mới công nghệ của ngành dầu khí. Các chuyên gia kinh tế tin rằng một thời điểm có tính bước ngoặt đang tới đối với nền kinh tế Nga. Trong tương lai không xa, ngành dầu khí Nga sẽ phải chuyển sang những mỏ dầu khó khai thác hơn. Việc này đòi hỏi phải áp dụng chế độ thuế linh hoạt, khó tránh khỏi việc phải giảm thuế đối với việc khai thác ở một số mỏ dầu nhất định. Sự phát triển của các khu vực chế biến dầu khí, hoá dầu và sản xuất các hoá phẩm từ dầu mỏ, sẽ là một nguồn rất quan trọng, không chỉ bù lại phần giảm sút trong các khoản thu của ngân sách từ thuế nguyên, nhiên liệu, mà còn là nguồn tăng trưởng kinh tế của Nga.
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hoá dầu tăng mạnh trên thị trường Nga cho thấy triển vọng của ngành. Hiện nay, tỷ lệ sản xuất và tiêu dùng các hoá phẩm và sản phẩm hoá dầu tính theo đầu người dân Nga kém xa so với các nước phát triển. Chẳng hạn, sự tiêu dùng nhựa hoá học và nhựa tổng hợp tính theo đầu người dân năm 2005 ở Nga là 25,9 kg, ở Mỹ là 276,4 kg, ở các nước Liên minh châu Âu (EU) là 200 kg và ở Nhật Bản là 104,5 kg.
Vấn đề đáng nói của ngành hóa dầu Nga là việc sử dụng công nghệ đã trở nên lạc hậu. Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm ở các nhà máy của Nga cao hơn 2-3 lần so với những nhà máy tương tự của nước ngoài. Các hàng hoá xuất khẩu của tổ hợp hoá chất của Nga chủ yếu là những sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ trình độ thấp và trung bình. Các sản phẩm chủ yếu có tiềm năng xuất khẩu là phân bón, cao su tổng hợp,metanol.
Ở nước ngoài, ngành hoá dầu đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của các tổ hợp năng lượng. Trong doanh thu của các hãng dầu khí như Exxon, Mobil, British Petroleum, Royal Dutch Shell, Chervon-Texaco, Conoco Phillips, tỷ lệ của khu vực hoá dầu chiếm hơn 10%.
Đối với ngành hoá dầu thế giới, động lực chủ yếu là đổi mới công nghệ. Trong ngành hoá dầu của Nga, tỷ lệ công nghệ được đổi mới là cực kỳ thấp. Ngành hoá dầu của Nga chủ yếu được xây dựng theo công nghệ cũ trước đây: 98% lượng dầu mỏ được chế biến bằng những máy móc, thiết bị từ thời Liên Xô cũ. Thời hạn sử dụng của máy móc và các tổ hợp máy vượt quá nhiều lần giới hạn cho phép. Trong số 27 nhà máy chế biến dầu lớn của Nga có 6 nhà máy được đưa vào hoạt động từ những năm 1930, 6 nhà máy từ trước năm 1950, 8 nhà máy từ trước năm 1960.
Liên bang Nga thực sự có khả năng trở thành một trung tâm sản xuất những sản phẩm hoá dầu lớn nhất thế giới. Muốn vậy, Nga cần phải giải quyết 3 nhiệm vụ: đổi mới triệt để về mặt công nghệ trong ngành chế biến dầu; nâng cao một cách cơ bản tỷ lệ khí đốt cho ngành công nghiệp hoá dầu và thành lập 5-6 trung tâm đổi mới công nghệ công nghiệp.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com