![]() |
Sự kịên này diễn ra chỉ vài ngày sau khi NATO quyết định nối lại hợp tác bị đình chỉ với Nga sau cuộc chiến tại Gruzia, cho thấy Mỹ và phương Tây hiện rất cần một mối quan hệ hợp tác- xây dựng với Moscow.
“Washington sẵn sàng “nhấn nút tái khởi động” quan hệ với Moscow”- tuyên bố đó của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị an ninh Munich từ 1 tháng trước đã thể hiện mong muốn của Mỹ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Đến cuộc gặp lần này, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton và Ngoại trưởng Nga Lavrov đã cùng nhấn một nút tượng trưng có ghi chữ “Khởi động lại” bằng tiếng Anh và tiếng Nga, chính thức đánh dấu chặng đường mới trong quan hệ hai nước.
Ngoại trưởng Nga khẳng định hai bên sẽ cùng nhấn nút điều chỉnh cho một sự hợp tác mang tính xây dựng hơn. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton thì nhấn mạnh hai nước đang có một “sự khởi đầu mới”. Và theo bà, sự khởi đầu này không chỉ để cải thiện quan hệ hai nước mà còn “làm gương” cho thế giới trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là vấn đề tôn trọng các hiệp ước về vũ khí và an ninh hạt nhân.
Cải thiện quan hệ với Nga được xem là một trong những “thay đổi” quan trọng và cần thiết nhất mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần làm trong chính sách đối ngoại. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nước Mỹ được xem là đang cần Nga hơn bao giờ hết, khi mà nguồn lực, khả năng cũng như uy tín của Mỹ không thể đảm đương giải quyết được các vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay.
Đơn cử như trong vấn đề chống khủng bố tại Afghanistan, không có sự ủng hộ của Nga, Mỹ sẽ không thể có một con đường tiếp viện an toàn và bền vững. Nếu có bất kỳ hy vọng nào khác nhằm thuyết phục Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, thì điều đó đến từ Nga, quốc gia hỗ trợ kỹ thuật giúp Teheran xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr vừa được vận hành thử nghiệm. Trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu, Mỹ cũng sẽ khó lòng thành công nếu Nga tiếp tục phản đối gay gắt.
Trước cuộc gặp giữa ngoại trưởng Nga- Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh các nước NATO cũng đã nhất trí nối lại hợp tác bị đình chỉ với Nga sau cuộc chiến tại Gruzia.
Việc cả Mỹ và Châu Âu cùng chìa bàn tay hợp tác về phía Moscow đang giúp nâng cao vai trò, uy tín của Nga và có thể nói nước Nga giờ đây đã lấy lại vị thế cân bằng trong đối thoại với Mỹ và phương Tây.
Hợp tác với Mỹ và Châu Âu cũng là một cách để Nga kiểm soát được các vấn đề khu vực và quốc tế có liên quan đến lợi ích của Nga. Ví dụ như việc Nga tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Mỹ chống Taliban tại Afghanistan – rõ ràng sẽ giúp Nga có vai trò lớn chưa từng có trong cuộc chiến chống khủng bố vốn biểu trưng cho sự hợp tác giữa Mỹ và các nước đồng minh.
Ngoại trưởng Nga Lavrov tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khẳng định Mỹ và Nga có thể tìm được quan điểm chung trong nhiều vấn đề. Trước mắt, hai bên sẽ khẩn trương hoàn tất một Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, thay thế hiệp ước cũ sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, với vai trò và vị thế mới của nước Nga, Mỹ chắc chắn sẽ không dễ “cài đặt lại” quan hệ với Moscow theo ý Mỹ. Chính quyền mới của Mỹ có thể đạt được một thoả thuận về kiểm soát vũ khí với Nga, có thể giành được sự hợp tác nhiều hơn từ phía Nga trong một số vấn đề quốc tế như chống khủng bố ở Afghanistan hay vấn đề hạt nhân của Iran, nhưng chắc chắn sẽ vấp phải sự đối đầu mạnh mẽ nếu cứ tiếp tục các kế hoạch bị Nga xem là gây hại cho Nga như mở rộng NATO hay hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu.
Nga tuyên bố sẽ xem xét các đề xuất hợp tác với Mỹ và Châu Âu nhưng cũng nhấn mạnh sẽ bảo vệ lợi ích của mình và không rời xa các nguyên tắc của mình, dù chỉ một milimét. Có thể thấy nguyên tắc cứng rắn nhất của Nga là việc khôi phục, duy trì ảnh hưởng của Nga tại các nước láng giềng. Trong khi đó, NATO không có ý định bỏ dở việc mở rộng về hướng đông, mà cụ thể là vẫn bỏ ngỏ con đường gia nhập cho hai nước Gruzia và Ucraina - vốn vấp phải sự phản đối gay gắt của Nga.
Với việc ngoại trưởng hai nước nhấn nút tái khởi động, người ta hy vọng mối quan hệ Nga- Mỹ sẽ thực sự có những tiến triển mới, mềm dẻo và tích cực hơn, đem lại lợi ích chung cho toàn thế giới. Đặc biệt là khi Tổng thống hai nước sẽ có cuộc gặp vào đầu tháng 4 tới, bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G-20) tại London, Anh./.
( Theo VOV)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com