Suốt hơn một năm qua, cụm từ nợ công Hy Lạp đóng đinh trên mặt các tờ báo, xuất hiện hàng ngày trong các bản tin thời sự trên truyền hình và trở thành nỗi ám ảnh đối với các nhà lãnh đạo Châu ÂU, Mỹ. Đến nay, lối thoát cho Hy Lạp vẫn đang được EU và Qũy tiền tệ quốc tế tích cực tìm kiếm nhưng kết cục còn rất mong manh. Từ Hy Lạp, VN sẽ rút ra bài học gì ?
Cả thế giới đều đang trông đợi Hy Lạp sẽ vượt qua được khủng hoảng nợ công vì nếu vỡ nợ xảy ra thì vết dầu loang này sẽ nhanh chóng nhấn chìm Châu Âu rồi đến Mỹ và cả thế giới vào rất có thể là một cuộc khủng hoảng tài chính mới
Là quốc gia phát triển thuộc khối OECD (các nước có nền kinh tế phát triển) với nền kinh tế có GDP đứng thứ 27 trên thế giới (315 tỷ USD), có dân số hơn 11 triệu người, thu nhập trung bình đầu người đạt mức cao 30.035 USD, sở hữu đội tàu thương mại lớn bậc nhất thế giới.. nên việc Hy Lạp sa lầy khủng hoảng nợ công là vấn đề đáng quan tâm cho tất cả các chính phủ trên thế giới nhằm tránh đi theo vết xe đổ của nước này.
Trông người mà ngẫm đến ta
Từ tấm gương Hy Lạp, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm cho VN, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với những vấn đề gần tương tự. Thứ nhất là phải luôn cảnh giác với các dấu hiệu xấu với nền kinh tế để có giải pháp đủ mạnh khắc phục. Hy Lạp đã có 15 năm liên tục đạt tốc độ phát triển cao và giành nhiều thành tựu nhất định nhưng khi lâm vào khủng hoảng năm 2009 mà dấu hiệu cụ thể là các khoản vay vượt quá 100% số tiền dự trữ và nợ công lên đến 127% so với GDP, Hy Lạp đã không thể ra khỏi khó khăn, tự mình quyết định số phận mà phải trông đợi năm ăn năm thua vào EU và IMF.
Thứ hai, cần lao động chăm chỉ, cần cù và năng suất hơn. Tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ đạt thành tựu xuất sắc về kinh tế đều có lượng lao động làm việc gắn bó, hết mình, tận tụy, hiệu quả vì công việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... Người VN tự đánh giá và cũng được nhận xét là cần cù, chăm chỉ nhưng nếu so với thời gian lao động và hiệu quả của Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Hy Lạp thì chúng ta vẫn bị rớt lại phía sau cả về thời gian lao động lẫn chất lượng lao động. Dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2009-2010, VN xếp thứ 75/133 quốc gia về năng suất lao động, trong khi đó vị trí của Singapore là 3, Thái Lan là 36...
Thứ ba, nhìn vào những điều kiện do EU và IMF đưa ra để Hy Lạp thực hiện VN sẽ thấy cần phải triệt để không để thâm hụt ngân sách lớn và nợ công tăng quá cao, quá nhanh. Cụ thể, Hy Lạp là đối tượng kiểm tra hàng quý của EU và IMF, Hy Lạp phải giảm thâm hụt ngân sách 5% trong năm tài chính 2010, tới năm 2014 giảm 3% thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ công so với GDP phải duy trì ở mức 115-140%. Các biện pháp khác bao gồm tăng thuế GTGT từ 21-23%, tăng thuế 10% đối với nhiêu liệu, thuốc lá, đồ uống có cồn, bất động sản.
Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp cũng là một bài học cho VN khi nhìn lại vấn đề nợ công và mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
Chi tiêu công mở rộng gây sức ép lên thâm hụt ngân sách của VN. Trong thời gian gần đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đưa ra cảnh báo về mức dư nợ chính phủ và nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép.
Cũng tương tự như Hy Lạp, thâm hụt thương mại của VN luôn duy trì ở mức cao và kéo dài. Một tỷ lệ khá lớn vốn tài trợ cho thâm hụt cũng đến từ bên ngoài, trong đó số tiền vay nợ qua (ODA, vay thương mại, phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế) ngày càng lớn. Dù hiện tại tỷ lệ nợ công/GDP vẫn ở mức an toàn (dưới 50%), nhưng tỷ lệ này đang ngày càng tăng nhanh và sẽ nhanh chóng tiệm cận mức giới hạn an toàn 50%.
Áp lực thâm hụt ngân sách càng nặng hơn khi sắp tới VN đang có hàng loạt dự án quy mô rất lớn như mở rộng thủ đô Hà Nội, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, dự án đường cao tốc Bắc Nam... Đây là những dự án tiêu tốn chi phí cao và phần lớn số tiền không phải là tiền tiết kiệm trong nước, mà đến từ nguồn vốn vay từ nước ngoài.
Mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới ngưng trệ. VN hiện có tỷ lệ đầu tư/GDP trong những năm gần đây đều ở mức trên 40%. Đây là một tỷ lệ rất cao so trung bình các nước trong khu vực và trên thế giới. Với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài chiếm một tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu vốn đầu tư, nền kinh tế VN sẽ rất dễ bị tổn thương một khi kinh tế thế giới ngưng trệ.
Vì vậy, giải pháp dài hạn của VN vẫn là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giúp giảm được hàng loạt những rủi ro đối với nền kinh tế.
Giải pháp và tương lai
Châu Âu đang có gói giải pháp gồm 3 bước cho Hy Lạp. Thứ nhất, cung cấp khoản vay trị giá 110 tỷ euro, tương đương 135 tỷ đôla Mỹ (80 tỷ euro từ các nước EU, 30 tỷ euro từ Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) để Hy Lạp không bị phụ thuộc vào thị trường tư nhân, có khả năng trả những khoản trái phiếu chính phủ đáo hạn và giảm thâm hụt ngân sách. Thứ hai, Châu Âu và IMF lập ra Quỹ bình ổn EU trị giá 750 tỷ euro, trong đó 500 tỷ euro của EU và 250 tỷ euro của IMF nhằm cung cấp một điểm lùi an toàn cho Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Iceland trong trường hợp các nhà đầu tư cá nhân bán hết số trái phiếu chính phủ đang nắm giữ. Thứ ba, Ngân hàng Trung ương Châu Âu - ECB cam kết mua không hạn chế trái phiếu chính phủ của các nước đang có nợ công xấu. Để đảm bảo chính sách đó, ECB có thể lập ra một Quỹ an toàn khác và giữ tỷ lệ lãi suất thấp. Tuy nhiên, để đối phó với tình huống nguy hiểm bất khả kháng, các chuyên gia cho rằng lựa chọn tốt nhất cho Hy Lạp và cả Châu Âu là xây dựng và điều hành thứ tự trả nợ trong trường hợp không trả được nợ nhằm cho phép Athens cùng lúc rút khỏi khu vực đồng euro và đưa đồng dracma vào loại tiền phải giảm giá trị.
Đến giờ cả Châu Âu, Mỹ và thế giới đều đang trông đợi Hy Lạp sẽ vượt qua được khủng hoảng nợ công vì nếu vỡ nợ xảy ra thì vết dầu loang này sẽ nhanh chóng nhấn chìm Châu Âu rồi đến Mỹ và cả thế giới vào rất có thể là một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Tóm lại, từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp một lần nữa cho chúng ta thấy kinh tế VN vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro. Chỉ có tái cấu trúc nền kinh tế và cải thiện chất lượng tăng trưởng mới giúp VN duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm sắp tới.
(Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com