Từ cuối tháng 7.2010, dư luận và chính giới Pháp tập trung tranh cãi về mối quan hệ giữa 5 triệu dân nhập cư và sự mất an ninh ở Pháp.
![]() Nhiều người dân biểu tình phản đối chính sách thắt chặt an ninh của Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters |
Hai tuần sau các vụ bạo động chống cảnh sát ở thành phố Grenoble và Saint-Agnan, Tổng thống Nicolas Sarkozy trong bài diễn văn đọc ngày 30.7 ở Grenoble đã nhấn mạnh đến quan hệ nói trên và chủ trương rút quốc tịch của mọi người Pháp gốc nước ngoài đã làm thiệt mạng cảnh sát, hiến binh, hay nhân viên công quyền nào trong các vụ bạo động.
Vi hiến và tốn kém
Nhiều luật gia nổi tiếng xem chủ trương trên là vi hiến, vì phân biệt người Pháp “có gốc gác lâu đời” (de souche) với người Pháp mới nhập quốc tịch. Trong khi đó, điều một của Hiến pháp nước Pháp quy định “phải bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân không phân biệt gốc gác, chủng tộc, hay tôn giáo”. Chủ trương này cũng trái với Công ước châu Âu năm 1997 về quốc tịch, quy định rằng “không ai có thể bị tước quốc tịch một cách độc đoán”, trừ trường hợp “có hành động gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quyền lợi chính yếu của nhà nước”.
Trong suốt tháng 8, vài bộ trưởng và chính khách thuộc đảng cầm quyền UMP (Liên minh vì phong trào nhân dân) đã đua nhau đề nghị thêm các trường hợp cho phép rút quốc tịch của người nước ngoài, chẳng hạn như các trường hợp phạm tội “đa thê, lừa bịp và lợi dụng sự yếu đuối (của người khác)”.
Chính quyền Pháp cũng đang siết chặt việc nhập cư. Ngày 28.7, ông Brice Hortefeux tuyên bố sẽ phá huỷ 300 khu cư trú bất hợp pháp do các nhóm người du cư lập ra. Còn theo ông Eric Besson, bộ trưởng Nhập cư Pháp, có 979 người Rumani bị đưa ra khỏi nước này trong thời gian 28.7 – 17.8. Dân Đông Âu với phần lớn là từ Rumani di cư sang các nước Tây Âu ngày càng đông, đặc biệt là ở Ý (659.000 người) và Tây Ban Nha (843.000). Số người Rumani nhập cư vào Pháp chỉ khoảng 36.000 người, nhưng Chính phủ Pháp vẫn đang xúc tiến các chính sách hồi hương người Rumani bằng cách cấp vé máy bay và cấp tiền cho họ rời Pháp. Thượng viện Pháp ước tính ngân sách phải chi đến 200 – 250 triệu euro/năm cho việc hồi hương này.
Chiêu bài người Rom
Đa số người Rumani nhập cư vào Pháp được gọi là Rom, tên được Liên hiệp quốc tế người Rom chọn vào năm 1971 và được Liên hiệp châu Âu cũng như Hội đồng châu Âu dùng để gọi tất cả những nhóm người trước đây gọi là Bohémien, Tsigane, Gitan, Gypsy, Manouche, Romanichels, Sinti…
Vấn đề là tại sao từ mấy tháng nay Tổng thống Sarkozy và các chính khách thân tín với ông lại làm rùm beng việc rút quốc tịch của người nước ngoài và về các biện pháp đối với người Rom, vốn đã được áp dụng từ nhiều năm rồi? Theo nhiều nhà bình luận, nguyên nhân của các động thái trên một mặt là để cho dân Pháp quên đi vụ tai tiếng Bettencourt-Woerth – vụ tai tiếng về vận động tài chính cho cuộc tranh cử tổng thống Pháp lần trước – và mặt khác là để chuẩn bị cho ông Sarkozy ra ứng cử tổng thống trong hai mươi tháng tới. Ông Sarkozy lại chĩa mũi dùi vào dân nhập cư (chủ yếu vào người Hồi giáo và người Rom) nhằm giành phiếu của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc vốn chủ trương bài ngoại và chống nhập cư. Theo thăm dò dư luận được công ty thăm dò ý kiến NS Sofres Logica công bố ngày 2.9, chỉ số tin cậy của Tổng thống Sarkozy tăng 4 điểm.
(Theo Nguyên Thanh // SGTT Online // Paris)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com