Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tại sao dân Pháp biểu tình từ sau mùa hè?

 Khi theo dõi trên truyền hình cảnh hàng trăm ngàn người Pháp - từ học sinh trung học phổ thông đến người cao tuổi - xuống đường biểu tình hoặc các cảnh đình công làm cho nhiều hoạt động kinh tế bị tê liệt có khi nhiều tháng, chắc nhiều người trên thế giới rất ngạc nhiên, thậm chí không hiểu tại sao các hậu duệ của "người Gaulois" lại "mê" biểu tình và đình công đến thế !

Tham gia biểu tình còn có các sinh viên học sinh nhập cuộc.Ảnh: EPA

Từ sau mùa hè 2010, hàng triệu dân Pháp đã tham gia đến sáu "ngày hành động toàn quốc" để chống lại cải cách hưu trí của tổng thống (TT) Nicolas Sarkozy.

Hưu trí, một vấn đề nan giải ?

Trước hết cần phải nói ngay rằng hiện nay công luận Pháp nói chung đều đồng ý là phải cải cách hưu trí, vì lẽ, theo Hội đồng định hướng hưu trí (COR), thiếu hụt của quỹ hưu trí lên đến 32 tỉ euro vào năm 2010, và, nếu không tiến hành cải cách, thiếu hụt sẽ lên đến 70 tì euro vào năm 2030 và 102 tỉ euro vào năm 2050.

Từ hơn 30 năm nay, cũng như ở nhiều nước phát triển khác, hệ thống hưu trí của Pháp gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vì lý do dân số. Do hệ thống hưu trí Pháp hoàn toàn dựa trên sự phân chia (répartition), chứ không phải trên các "pension fund" như Mỹ chẳng hạn (tức là đóng tiền cho các công ty tư đầu tư lấy lời để trả lương hưu), nên chính những người đang đi làm nuôi những người hưu trí. Nếu vào năm 1960, cứ bốn người đi làm (nđl) phải nuôi một người hưu trí (nht) , thì vào năm 2010, tỉ lệ nđl/nht giảm xuống 1,8 và, vào năm 2050 nó chỉ còn 1,2 ! Sở dĩ như vậy là do tuổi thọ tăng nhanh: 77 cho nam giới và 84 cho nữ giới, so với 66 tuổi (tính chung cho cả nam lẫn nữ) vào năm 1950. Cũng may là phụ nữ Pháp bình quân đẻ gần hai con, nhiều hơn hẳn so với hầu hết các nước châu Âu khác (thường chỉ đẻ khoảng 1,4 con ), nếu không thì tỉ lệ này còn thấp hơn nữa và do đó sự thiếu hụt của quỹ hưu trí lại càng thêm nghiêm trọng.

Ý đồ chính trị

Nhưng khi quyết định cải cách hưu trí, tổng thống Nicolas còn muốn chuẩn bị cho việc tái ứng cử vào mùa xuân 2012: ông muốn chứng tỏ với công luận Pháp rằng ông là một nhà cải cách can đảm dám ra tay giải quyết vấn đề cực kỳ tế nhị và khó khăn này. Như ta biết, sau khi lên làm tổng thống, ông Sarkozy đã được đến 66% dân Pháp ủng hộ, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30%. Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, nếu bầu cử tổng thống được tổ chức hiện nay, ông sẽ bị ứng cử viên của đảng Xã hội đánh bại.

Do các đảng cầm quyền chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội (339 trên 577 đại biểu) cũng như ở Thượng viện (180 trên 343 thượng nghị sĩ), nên TT Sarkozy tin chắc là dự luật cải cách hưu trí (được chính phủ chuẩn y ngày 13.7 vừa qua) chắc chắn sẽ được Quốc hội và Thượng viện thông qua dễ dàng. Chính vì thế mà trong hai tháng hè vừa rồi, TT Sarkozy cũng như một số bộ trưởng thân cận của ông chỉ tập trung vào hồ sơ an ninh (chủ yếu là nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa nhập cư và an ninh, làm rùm beng về việc trục xuất người Rom,…) nhằm thu hút các cử tri cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống tới. Chiến dịch tuyên truyền này đã gây nhiều bất hình, thậm chí phẫn nộ trong công luận Pháp và ngay cả quốc tế. Môt điều không may khác cho ông Sarkozy là vụ tai tiếng Bettencourt -Woerth đã không được hai tháng hè làm cho lắng xuống, khiến ông Eric Woerth, Bộ trưởng Lao động trực tiếp chịu trách nhiệm về cải cách hưu trí, lâm vào thế ngày càng yếu, nên là bị các công đoàn không coi trọng.

Chủ yếu các công đoàn và các đảng đối lập tập trung phê phán các điểm chính sau đây của dự luật. Thứ nhất, chống việc tăng tuổi về hưu hợp pháp từ 60 lên 62 và tăng tuổi về hưu với lương toàn phần từ 65 lến 67. Theo đó, hai biện pháp này là rất bất công đồi với những người đi làm sớm (dù đủ hoặc thừa năm đi làm ở tuổi 60, họ vẫn phải tiếp tục lao động cho đến tuổi 62) cũng như đối với phụ nữ (nhiều người phải nghỉ việc để nuôi con, nên không đi làm đủ năm và vì thế có lương hưu thấp). Thứ hai, dự án chủ chủ yếu bắt người đi làm ăn lượng phải hy sinh thêm, thay vì tìm nguồn tài trợ từ việc các thứ thuế đánh vào tiền thưởng (bonux), hay đánh vào "stock-options", lợi nhuận… Cuối cùng, dự luật không quan tâm đến những người phải lao động nặng nhọc (trong các môi trường ô nhiễm, nguy hiểm; lao động theo dây chuyền….

Biểu tình bạo động

Sự bất bình của tất cả tám công đoàn Pháp lên đến mức lần đầu tiên họ đã quên đi các tranh chấp lâu đời để cùng nhau tổ chức thành công ngày hành động toàn quốc đầu tiên vào 7.9 với sự tham gia của khoảng ba triệu người, nhằm đòi chính phủ phải chấp nhận thương lượng với họ. Trước quyết tâm giữ nguyên dự luật của chính phủ (vì tin rằng sự phản đối sẽ yếu dần với thời gian và nhất là sự đoàn kết của các công đoàn sẽ sớm rạn nứt), họ đã tổ chức thêm năm ngày hành động toàn quốc cũng được đông đảo quần chúng tham gia. Điều đáng ngạc nhiên là đến 79% dân Pháp ủng hộ phong trào phản kháng.

Từ hai tuần nay, sinh viên và nhất là học sinh của hàng ngàn trường trung học phổ thông đã nhập cuộc ngày càng đông, chủ yếu vì họ không ưa TT Sarkozy và lo âu cho tương lai của chính họ. Từ vụ nổi dậy của sinh viên vào tháng 5.1968, mọi chính phủ Pháp đều rất ngán các cuộc biểu tình của sinh viên và học sinh vì thường bị các phần tử gọi là "casseurs" xen vào để đốt phá, tấn công cảnh sát, cướp các cửa hàng… Một số cuộc đình công cũng đang xảy ra, đặc biệt là của các công nhân dầu khi, khiến cho hàng ngàn trạm xăng phải đóng cửa , nên khó mua xăng… Tuy thế, theo điều tra của BVA công bố ngày 20.10, 59 % dân Pháp vẫn ủng hộ các công đoàn tiếp tục tranh đấu ngay cả sau khi Thượng nghị viện thông qua dự luật vào tối 22.10, sau Quốc hội một tuần. Chính vì thế mà 8 nghiệp đoàn Pháp vẫn duy trì được sự liên kết hành động dù có một số nhận định khác nhau: họ đã quyết định tổ chức thêm hai ngày hành động toàn quốc trong mười ngày tới.

Theo nhiều nhà bình luận, nếu trong các cuộc biểu tình sắp tới có những cảnh đốt phá, bạo động như ở Lyon mới đây, thì sẽ rất có lợi cho TT Sarkozy: chắc chắn ông sẽ tận dụng chúng để minh hoạ cho chủ đề an ninh và để tập hợp toàn bộ cánh hữu dưới ngọn cờ của ông trong cuộc chiến chống tình trạng tội phạm mà ông đã lãnh đạo từ nhiều năm nay, nhưng dường như không mấy thắng lợi.

 

 

( Theo NGUYÊN THANH (PARIS) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Châu Âu diễn tập phòng vệ trên mạng
  • Pháp nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu do đình công
  • Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nga sáng sủa
  • Lá bài lương hưu
  • Nền kinh tế của Anh đạt tăng trưởng ngoài dự kiến
  • Hy Lạp sẽ thoát khỏi khủng hoảng vào năm 2012?
  • Pháp sẽ rà soát lại hệ thống thuế trong năm 2011
  • Đức phát triển công viên năng lượng gió trên biển