Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðộng thái phá băng trong quan hệ Nga và phương Tây

Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.V. Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H. Clinton
tại cuộc hội đàm đầu tiên ở Thụy Sĩ.
Những ngày gần đây, quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có dấu hiệu cải thiện đáng kể khi liên minh quân sự này quyết định nối lại các cuộc đàm phán cấp cao nhất với Nga, vốn bị đóng băng từ tháng 8-2008, sau khi xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Georgia, nước đang xin gia nhập NATO.

 
Trong khi đó, cuộc hội đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.V. Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H. Clinton được đánh giá là đã hé mở sự khởi đầu mới cho quan hệ song phương. Theo các nhà phân tích, Nga vẫn là một đối tác khó thay thế với phương Tây trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

 

Tại cuộc gặp ngày 5-3 ở Brussels (Bỉ), các Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước thành viên NATO đã thông qua quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga, bảy tháng sau khi NATO đơn phương đình chỉ hoạt động của Hội đồng NATO - Nga ở tất cả các cấp và Nga ngừng phối hợp NATO trong chương trình "Ðối tác vì hòa bình" và hợp tác về Afghanistan. Tổng Thư ký NATO Hoop Scheffer khẳng định, quan hệ giữa NATO và Nga đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây và cuộc gặp chính thức đầu tiên có thể diễn ra sau Hội nghị cấp cao NATO lần thứ 60 vào đầu tháng 4 tới. Tuy tuyên bố khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga, nhưng thay vì tăng cường hợp tác trên 19 hướng chính như trước đây, NATO đề nghị Moscow tập trung hợp tác trong các vấn đề Afghanistan, đấu tranh chống khủng bố và không phổ biến hạt nhân. NATO cho đó là các lĩnh vực hợp tác hai bên cùng có lợi, nhưng giới phân tích nhận định, đây là những vấn đề mà NATO gặp nhiều khó khăn sau khi ngừng hợp tác với Moscow. Tổng Thư ký Scheffer cho biết, NATO sẵn sàng tham gia thảo luận sáng kiến của Nga về thành lập cơ chế an ninh mới ở châu Âu và khôi phục hiệu lực của Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) mà Nga đã rút cách đây gần hai năm. Ông Scheffer thừa nhận giữa NATO và Nga vẫn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là trong vấn đề Georgia, nhưng Nga là một đối tác quan trọng có thể hỗ trợ NATO tiếp viện hậu cần cho các lực lượng do NATO chỉ huy ở Afghanistan, cũng như góp phần chống khủng bố, buôn bán ma túy và phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ, Anh, Ðức, Italy, Na Uy và Tây Ban Nha ủng hộ nối lại quan hệ chính thức với Nga, vì cho rằng biện pháp trừng phạt Moscow là phản tác dụng. Một số nước đề nghị nối lại đàm phán không chỉ ở cấp đại sứ như thông lệ, mà cả ở cấp bộ trưởng và cấp người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ. Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố hoan nghênh NATO nối lại hoạt động của Hội đồng NATO-Nga, nhưng cho rằng quyết định đó cần được thông qua cùng với phía Nga.

 

Trong khi đó, tại cuộc hội đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H. Clinton và người đồng cấp Nga S.V. Lavrov tại Genever (Thụy Sĩ) ngày 6-3, bà H. Clinton khẳng định, Mỹ mong muốn điều chỉnh mối quan hệ giữa hai nước. Kể từ khi nước Mỹ có chính quyền mới, đây được coi là động thái phá băng đầu tiên trong quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã trở nên căng thẳng từ thời Tổng thống G.Bush do bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD) tại Ðông Âu. Mặc dù phát đi tín hiệu rằng Washington muốn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran, bà Hillary cho biết, Mỹ sẵn sàng hoan nghênh các ý tưởng và khuyến nghị của Nga về vấn đề này. Tuy vẫn bảo vệ ý tưởng của chính quyền Bush triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược tại CH Czech và Ba Lan, bà Hillary đã mời Nga cùng tham gia kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Washington tại Ðông Âu. Bà Hillary cho rằng, Moscow và Washington có thể tìm lập trường chung về nhiều vấn đề và dự đoán hai bên sẽ hoàn tất Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới vào cuối năm nay, thay hiệp ước cũ có hiệu lực từ năm 1991 và sẽ hết hạn ngày 31-12-2009. Theo ITAR-TASS, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.V. Lavrov cho biết, Nga hy vọng trong hiệp ước mới, Moscow và chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Obama sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm tất cả các vũ khí hạt nhân, chứ không chỉ các đầu đạn đang được triển khai trên tên lửa. Trên thực tế cả hai bên đều có dấu hiệu thỏa hiệp, như Nga đã tuyên bố ngừng kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa hai quốc gia tham gia NATO là Latvia và Ba Lan, với gợi ý rằng Mỹ nên ngừng các kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu.

 

Có thể thấy, việc NATO chủ động khôi phục quan hệ hợp tác ở cấp cao nhất với Nga được đánh giá là động thái phá băng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, tuy nhiên quan hệ song phương vẫn tiềm ẩn nhiều bất đồng chưa được hóa giải. Nga mới đây đã đề xuất một hiệp ước an ninh mới cho châu Âu mà NATO lo ngại sẽ làm suy yếu liên minh quân sự này. NATO khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch "Ðông tiến", vốn bị Nga chỉ trích gay gắt, còn Mỹ thì kêu gọi các nước đồng minh tích cực giúp Ukraine và Georgia gia nhập NATO. Ðáp lại Moscow tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga bằng những biện pháp hợp pháp, chứ không nhân nhượng.

 

(Theo NDĐT)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Nga-Mỹ đạt nhiều thỏa thuận chiến lược
  • Thế giới ngày 6/3
  • Nhiều công ty Anh bị kiện vì mua dữ liệu cá nhân
  • Chính phủ Anh kiểm soát Tập đoàn Ngân hàng Lloyds
  • Thụy Sỹ “lung lay” theo ngành ngân hàng
  • Nhấn nút tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ
  • Nga - Mỹ nhất trí cải thiện quan hệ song phương
  • Nga: Tổng thống và Thủ tướng đang phối hợp hoàn hảo