Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thấp thoáng bóng hồng Việt Nam

Đầu tháng 6-2007, Cơ quan Không gian châu Âu bắt đầu thông báo tuyển dụng tình nguyện viên tham gia dự án quốc tế Sao Hỏa 500. Người phụ trách nhận đơn là một người phụ nữ họ Ngô
 
Đó là bà Thu Jennifer Ngô Anh (tên thường gọi Jennifer Ngô Anh), một nhà khoa học châu Âu gốc Việt Nam, một trong những nhà quản lý dự án Sao Hỏa 500 của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). Bà không chỉ nhận đơn mà còn tham gia hội đồng xét tuyển tình nguyện viên châu Âu và Canada. Phần tuyển các tình nguyện viên Nga do Viện Nghiên cứu

Các vấn đề y học và sinh học ( IMBP) của Nga phụ trách.

Thông báo cho biết chỉ chọn 12 người có thể chịu đựng những điều kiện vô cùng khắc nghiệt tóm lại trong 6 từ “cô lập, tù túng cực kỳ” của một chuyến bay đi về sao Hỏa trong vòng 520 ngày.
 

Bà Thu Jennifer Ngô Anh. Ảnh: ESA

Lương bèo

Các thí sinh phải ở trong độ tuổi từ 25 đến 50, không được cao hơn 1,85 m, có sức khỏe thật tốt, từng công tác trong các lĩnh vực khoa học như y tế, sinh học, công nghệ thông tin, điện tử hoặc công nghệ cơ khí. Thí sinh cũng phải là công dân của các nước tham gia Chương trình Khoa học thể chất và Đời sống châu Âu (gọi tắt là ELIPS) của ESA chuẩn bị các chuyến thám hiểm mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai. Đó là các nước Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Ý, Ireland, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Anh và Canada.

Điều kiện khắt khe như vậy tuy nhiên, theo bà Jennifer Ngô Anh, chỉ trong hai ngày đầu, ESA đã nhận được hơn 2.000 đơn. Và trong đợt tuyển cuối cùng năm 2008, số đơn nhận được đã lên đến hơn 5.600.

Hầu hết những người tình nguyện đều có trình độ trên đại học bao gồm các ngành khoa học và công nghệ. Nhiều người là thợ lặn chuyên nghiệp, phi công chiến đấu. Một số người từng làm những công việc liên quan đến các chuyến bay vào vũ trụ. Họ đều thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Nga, tiêu chuẩn bắt buộc của ESA.

Theo bà Jennifer Ngô Anh, không giống như các chương trình truyền hình thực tế có thù lao cao, lương của những người tình nguyện tham gia dự án Sao Hỏa 500 không nhiều, chỉ khoảng 99.000 USD (1,82 tỉ đồng) cho 520 ngày làm việc, tức vào khoảng 5.711 USD/tháng.
 

Trưởng nhóm Alexei Sitev. Ảnh: Daily Mail
 
6 nhà du hành tương lai

Tham gia chương trình thử nghiệm 520 ngày đi về sao Hỏa, giai đoạn cuối cùng của dự án Sao Hỏa 500, có 6 tình nguyện viên toàn đàn ông. Nhà du hành vũ trụ Nga Boris Morukov, giám đốc “chuyến bay”, cho biết chọn phi hành đoàn toàn nam không phải là mục đích cuối cùng.

Dự án cũng có phương án chọn phi hành đoàn hỗn hợp nam nữ nhưng vì nhiều lý do, lần này chỉ chọn nam. Một trong những lý do đó là sự có mặt của phái nữ có thể làm cánh đàn ông sao nhãng nhiệm vụ, thậm chí xung đột lẫn nhau vì chuyến đi rất dài và ức chế nhu cầu sinh lý là một thử thách quá lớn đối với họ.

Nhóm tình nguyện viên tuổi đời từ 27 đến 38 gồm có Diego Urbina, người Ý gốc Colombia; kỹ sư Pháp Romain Charles; Vương Duệ, đến từ Trung tâm Đào tạo nhà du hành vũ trụ Trung Quốc và 3 người Nga là Sukhrob Kamolov, Alexei Sitev và Alexander Smoloyevsky. Sitev là trưởng nhóm tình nguyện viên.

Cảm tưởng của các tình nguyện viên rất đa dạng. Trước ngày khởi hành, kỹ sư Romain Charles viết trong nhật ký chuyến đi: “Giã từ mặt trời, tạm biệt trái đất, chúng tôi lên đường đi sao Hỏa”.

Tình nguyện viên Vương Duệ phát biểu trước khi bước vào tổ hợp kỹ thuật: “Chúng tôi sẽ mất đi nhiều thứ, như không được gặp bạn bè và người thân. Nhưng tôi nghĩ đây sẽ là thời gian huy hoàng nhất trong cuộc đời chúng tôi mặc dù chỉ là một chuyến bay giả lập, không đặt ra vấn đề sống còn”.

Xa vợ mới cưới

Người có tâm trạng ngổn ngang nhất là trưởng nhóm Sitev, 38 tuổi. Anh vừa cưới vợ được một tháng. Thay vì hưởng tuần trăng mật, anh và vợ Ekaterina Gulubeva phải sống xa nhau đến 18 tháng.

Sitev chia sẻ rằng anh sẽ phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn vì không được sống bên cạnh người vợ yêu dấu. Anh thừa nhận rằng việc từ bỏ sinh hoạt vợ chồng và không được phép liên lạc với vợ trong một thời gian dài lê thê như vậy sẽ “rất khổ” cho anh. Tuy nhiên, theo Sitev, nỗi khổ đó cũng không đáng sợ bằng chuyện đối mặt với “sự đơn điệu trong cuộc sống hằng ngày”.

Chị Ekaterina, 35 tuổi, hành nghề bác sĩ, nói chị rất bất ngờ khi chồng chị cho biết đã tình nguyện tham gia dự án Sao Hỏa 500. Tâm trạng chị cũng khá nặng nề: “Vắng anh ấy trong một thời gian dài như vậy cũng rất khó cho tôi. Nhưng điều quan trọng nhất là anh ấy thực hiện được ước vọng của mình”.

Chị rất cảm động khi Sitev quyết định cưới chị trước khi thực hiện chương trình thử nghiệm. Anh coi đó là một sự cam kết ăn đời ở kiếp với chị.

Thử thách đáng sợ

Sống cô lập trong sự tù túng cùng cực từ ngày này sang tháng nọ là thử thách đáng sợ nhất đối với “các nhà du hành sao Hỏa trên mặt đất”. Chuyến đi này cũng không có sự vinh quang hay cảm giác bay thật của một chuyến bay thực tế. Đó cũng là một thử thách đáng sợ về mặt tâm lý.

Để giải tỏa tâm lý ngột ngạt đó, các nhà tổ chức chuyến bay giả lập cho phép các tình nguyện viên đánh cờ với huyền thoại cờ vua Nga Anatoly Karpov vào một số thời điểm của chuyến bay. Ngoài ra, họ có thể mang theo DVD phim, nhạc, sách, cờ vua và các trò chơi điện tử. Họ cũng được phép lên mạng. Riêng kỹ sư Romain Charles mang theo một cây guitar để “khuấy động không khí”.

Bà Jennifer Ngô Anh hy vọng “sẽ không có đánh nhau hay xì-căng-đan”.

(Theo VĂN ANH // Nguoilaodong Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl