Những nhận định bi quan của FED, IMF đã làm thổi bùng những lo sợ rằng Mỹ sẽ sa chân vào thập kỷ mất mát kiểu Nhật. |
Hôm 21/9, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố sẽ tung ra một chương trình kích thích kinh tế mới mang tên "Operation Twist", hay còn gọi là QE 2.5, để giảm lãi suất dài hạn và kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Theo kế hoạch này, FED sẽ bán 400 tỷ USD trái phiếu ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 3 năm trở lại) để mua 400 tỷ USD trái phiếu dài hạn bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào tháng 6/2012. "Chương trình sẽ giúp giảm lãi suất dài hạn và cải thiện tình hình kinh tế nói chung", FED cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết tái đầu tư tiền thu được từ chứng khoán thế chấp vào nợ do các tổ chức cho vay thế chấp như Fannie Mae và Freddie Mac phát hành với trọng tâm vào mua trái phiếu Bộ Tài chính thời hạn 30 năm.
Trên thực tế, FED từng áp dụng chính sách tương tự vào thập kỷ 1960. Tổng giá trị của chương trình “Operation Twist” vào thời điểm đó là 8,8 tỷ USD, tương đương 1,7% tổng giá trị của nền kinh tế Mỹ. Còn chương trình lần này tương đương gần 2,7% GDP của Mỹ hiện tại.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, tác động từ chương trình nới lỏng định lượng mới này sẽ ảnh hưởng tới lãi suất cho vay trên thị trường, tương tự như kế hoạch lần hai trị giá 600 tỷ USD mà FED đã đưa ra thực hiện hồi năm ngoái. Ngay sau tuyên bố của FED, lãi suất trái phiếu thời hạn 30 năm của Mỹ đã giảm xuống 3%.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia Jim Kochan thuộc Wells Fargo Funds Management, mặc dù gói kích thích kinh tế mới có quy mô 400 tỷ USD đã đáp ứng được mong mỏi của nhà đầu tư, nhưng nó quá nhỏ, ít nhất thì cũng không áp đảo được những chương trình tương tự đưa ra trước đây, chưa đủ để thuyết phục nhà đầu tư vay mượn.
Cũng với quan điểm này, một số nhà kinh tế học khác cho rằng, FED còn có thể phải hứng chịu tình trang thua lỗ từ các trái phiếu dài hạn, vì tỷ lệ lạm phát có thể tăng cao hơn lãi suất trong thời gian tới, qua đó làm giảm lợi nhuận từ số trái phiếu này.
Thêm vào đó, đi kèm với việc công bố chương trình nới lỏng định lượng mới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ còn đưa ra tuyên bố rằng, hiện rõ ràng là có nhiều rủi ro đe dọa triển vọng kinh tế Mỹ, bao gồm cả sự căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Nhận định của FED được đưa ra đúng thời điểm nhà đầu tư đã quan ngại sẵn về kinh tế Mỹ sau việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vài ngày trước. Theo IMF, kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2011 và năm 2012, trong đó Mỹ sẽ tăng trưởng yếu, còn châu Âu vẫn vật lộn với bài toán nợ nần.
IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,5% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012. Trong khi, trong bản báo cáo hồi tháng 6/2011, dự báo do IMF đưa ra đối với kinh tế Mỹ là tăng trưởng 2,5% trong năm 2011 và 2,7% trong năm 2012. 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 9%.
Theo IMF, "ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ là phải cam kết có được một chương trình nghị sự tài chính- chính trị đáng tin cậy, trong đó đặt nợ công vào một quỹ đạo ổn định trong trung hạn đồng thời hỗ trợ cho phục hồi trong ngắn hạn".
Định chế tài chính quốc tế này cho rằng, do Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hòa vẫn còn đối đầu nhau về việc làm thế nào để giữ được ngân sách ổn định, ít nhất là trong trung hạn, thì nước Mỹ và cả kinh tế toàn cầu, đang rất cần một thỏa thuận chung và mạnh mẽ giữa hai bên.
Một thỏa thuận có thể dẫn tới các chính sách tài khóa ngắn hạn đúng đắn, hiệu quả, và phù hợp hơn với thực tiễn. Chẳng hạn như, thông qua các giải pháp kích thích kinh tế tạm thời để hỗ trợ thị trường việc làm và nhà đất, hỗ trợ các chính quyền địa phương và trung ương và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Chia sẻ quan điểm với IMF, chuyên gia Jason Schenker của Prestige Economics, cho rằng "ở nền kinh tế mà tăng trưởng dựa tới 60% vào tiêu dùng như Mỹ thì niềm tin có thể là điều kiện cấu thành cần thiết nhất cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện thị trường việc làm. Nếu không có niềm tin và chi tiêu, thì giảm phát và suy thoái là những nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế".
Nhận định đầy bi quan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và trước đó là IMF đã làm thổi bùng thêm lo ngại rằng Mỹ đang chuẩn bị bước vào một 'thập kỷ mất mát" kiểu Nhật Bản, làm đổ sụp niềm tin của giới đầu cơ trên khắp các thị trường hàng hóa, khiến giá vàng, xăng, dầu và chứng khoán đồng thời trượt dốc mạnh, nằm ngoài dự tính của các chuyên gia phân tích kinh tế.
Cụ thể, trên thị trường vàng, chốt ngày 21/9, giá vàng giao ngay giảm sâu 16,8 USD/ounce, xuống còn 1.788,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm tới 17,5 USD/ounce, xuống 1.791,5 USD/ounce, đưa mức tăng từ đầu năm tới nay xuống còn 27%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt 283,82 điểm, tương ứng 2,49%, xuống còn 11.124,84 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 35,33 điểm, tương ứng 2,94%, xuống còn 1.166,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,05 điểm, tương ứng 2,01%, xuống 2.538,19 điểm.
Diễn biến cùng chiều với thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu giảm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt 1,4% xuống mức 5.288,41 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,62% xuống còn 2.935,82 điểm và chỉ số DAX của Đức trượt tới 2,47% xuống chốt ở 5.433,80 điểm.
Trên thị trường vàng đen, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 1 USD, tương ứng 1,2%, xuống 85,92 USD/thùng. Giá xăng hợp đồng tháng 10 giảm 3 xu Mỹ, tương ứng 1,3%, xuống 2,67 USD/gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn giảm 3 xu Mỹ, tương ứng 0,9%, xuống 2,93 USD/gallon.
Kế hoạch 400 tỷ USD cũng có vẻ như "đấu không lại" với quyết định đầy bất ngờ của tổ chức định mức tín nhiệm Moody's khi hạ bậc tín dụng của ba ngân hàng Bank of America, Wells Fargo và Citigroup, do mức độ nhanh chóng cứu trợ của chính phủ đối với các nhà băng này ngày càng giảm, trong khi lại sẵn sàng để các ngân hàng đó phá sản nếu gặp rắc rối về tài chính.
Trong số ba ngân hàng bị hạ bậc, Bank of America chịu thua thiệt nhất, khi bị hạ xếp hạng cả nợ ngắn hạn và dài hạn cũng như tiền gửi dài hạn tại đơn vị ngân hàng chính. Ngân hàng này đang phải vật lộn với khoản thua lỗ thế chấp lên tới hàng tỷ USD, phải đối mặt với những vụ kiện tụng đồng thời phải giải quyết áp lực tăng vốn để đáp ứng quy định mới.
Người phát ngôn của Bank of America cho biết, “dù chúng tôi không đồng ý với kết luận của Moody’s và tin tưởng chúng tôi sẽ có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn nhưng để giảm thiểu tác động của quyết định trên đối với hoạt động kinh doanh, chúng tôi đã và đang quản lý thanh khoản cẩn cận cũng như lên kế hoạch tài trợ cho các nhu cầu vay mượn trong năm nay”.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cho biết rằng, nguy cơ hạ cấp của các ngân hàng khác, do hiệu ứng dây chuyền là rất thấp vì bộ luật tài chính Dodd-Frank của nước Mỹ, ban hành năm 2010 đã hạn chế mối quan hệ giữa các tổ chức tài chính, nhằm đảm bảo không xảy ra những tình trạng khủng hoảng lây lan như năm 2008.
Trong một động thái khác, cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, hôm qua, dự luật cấp tiền cho Chính phủ Mỹ sau ngày 30/9 đã bất ngờ không được thông qua tại Hạ viện vì hàng chục nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã không thuận theo các nhà lãnh đạo của đảng này để đòi cắt giảm chi tiêu sâu hơn.
Dự luật này sẽ cho phép chính phủ được cấp thêm 1.043 tỷ USD/năm, phù hợp với một thỏa thuận lưỡng đảng đạt được hồi tháng 8. Theo kết quả kiểm phiếu tại Hạ viện hôm qua, dự luật trên đã bị bác bỏ với tỷ lệ 195 phiếu thuận và 230 phiếu chống, kết quả làm ngay chính các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cũng cảm thấy bất ngờ.
Trước đó, hôm 20/9, các nghị sỹ Mỹ đã tuyên bố, Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động nếu Quốc hội không đạt được một thỏa thuận vào cuối tài khóa hiện nay, kết thúc vào ngày 30/9 tới. Các nghị sỹ Cộng hòa nêu rõ bất cứ một khoản kinh phí mới nào dành cho việc này sẽ phải đổi bằng việc cắt giảm ngân sách trong các dịch vụ khác.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com