McChrystal bị thất sủng một phần do con người và học thuyết COIN bộc lộ nhiều điểm yếu
Trong giới quan chức Nhà Trắng, có hai người McChrystal không ưa ra mặt. Đó là Richard Holbrooke, đặc sứ Mỹ và Karl Eikenberry, đại sứ Mỹ tại Afghanistan.
Lính đại đội Alpha Mỹ đấu súng với Taliban tại huyện Arghandab, Kandahar, ngày 8-7.
Chiến dịch quân sự ở thành phố này được coi là một phần thất bại của COIN. Ảnh: REUTERS
Bị “phản bội”
McChrystal đặc biệt nghi ngờ Holbrooke, so sánh ông này với một “con thú bị thương”. Một phụ tá của McChrystal giải thích: “Holbrooke nghe tin đồn sắp bị bãi chức cho nên lồng lộn, vô cùng nguy hiểm. Ông ta là một người thông minh, cố bám vào bất cứ thứ gì để tồn tại”.
McChrystal không chỉ coi khinh Holbrooke. Ông còn bộc lộ điều đó trước ba quân. Tuy vậy, trong mắt McChrystal, Kolbrooke chưa phải là kẻ đáng ghét nhất.
Tháng giêng năm nay, mối quan hệ giữa ông và Eikenberry căng thẳng tột đỉnh khi nội dung một bức điện tín mật của Eikenberry rò rỉ trên nhật báo The New York Times.
Eikenberry chỉ trích gay gắt chiến lược chống nổi dậy (COIN) của McChrystal, chỉ trích Tổng thống Hamid Karzai “không xứng là đối tác chiến lược” và nghi ngờ hiệu quả COIN đối với Taliban. Eikenberry cảnh báo: “Chúng ta sẽ tiếp tục sa lầy ở đây và không thấy lối ra. Đất nước này rồi sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn”.
McChrystal và bộ sậu có cảm giác như rơi từ trên trời sau khi đọc báo. McChrystal cảm thấy bị “phản bội” khi đưa ra nhận xét: “Tôi thích Karl. Tôi biết ông ấy từ nhiều năm nay. Nhưng cho tới nay, chưa có ai đối xử như vậy đối với chúng tôi”.
Tài hoa và vênh váo
Tác giả bài “Tướng bỏ chạy” - Michael Hastings - đã bỏ ra cả tháng bám sát tướng McChrystal để viết bài phóng sự chân dung theo yêu cầu của tạp chí Rolling Stone.
Sơ yếu lý lịch của McChrystal được ông tóm tắt như sau: McChrystal là một người tài hoa và tự phụ. Hai thứ này đeo đuổi ông suốt cuộc đời binh nghiệp. Cha ông từng chiến đấu ở Triều Tiên và Việt Nam, về hưu với quân hàm tướng hai sao. Ông có 4 người con đều theo binh nghiệp.
Là con của một vị tướng, McChrystal cũng là đầu sỏ nhóm sinh viên nổi loạn trường võ bị West Point. Vai trò đầu dạy cho ông cách trưởng thành từ một môi trường khắc nghiệt, còn với vai trò thứ hai, ông thích chõ mũi vào cấp cầm quyền mỗi khi có cơ hội. Thành tích đen của ông bao gồm hơn 100 giờ kỷ luật về tội say xỉn, kết bè kéo cánh và bất phục tùng. (...)
McChrystal tốt nghiệp hạng 298/855, một thành tích thấp kém đối với một người được coi là tài hoa. Ra trường, thiếu úy Stanley McChrystal gia nhập quân đội trong giai đoạn rệu rã sau chiến tranh Việt Nam.
Là người thích hành động, McChrystal đăng ký vào trường biệt kích và trở thành đại đội trưởng tiểu đoàn 3 Ranger (biệt kích) năm 1986. Đây là một hướng đi bất thường bởi những người muốn lên tướng không bao giờ chọn binh chủng này. (...)
McChrystal không bằng lòng với chương trình huấn luyện biệt kích mà ông cho là lỗi thời. Ông bắt lính học thêm võ thuật, tập chiến đấu với súng gắn ống ngắm hồng ngoại và hành quân nhiều tuần lễ với ba lô thật nặng.
“Bản thân McChrystal là một tấm gương rèn luyện. Bây giờ ông vẫn chạy mỗi buổi sáng 12 km, ngủ 4 giờ,một ngày chỉ ăn một bữa.
Cuối thập kỷ 1990, McChrystal học một năm Trường Harvard khoa tổ chức chính quyền và quan hệ đối ngoại. Ông cũng là đồng tác giả một luận án về ưu và khuyết điểm của chủ nghĩa can thiệp nhân đạo.
Trong quá trình trèo lên cấp bậc cao nhất, McChrystal vận dụng kỹ năng học được từ thời sinh viên quậy phá ở West Point: Biết rõ mình có thể luồn lách tới đâu trong hệ thống quân giai mà không bị tống cổ.
Những kẽ hở của COIN
Giữa tháng 5 vừa qua, McChrystal về Nhà Trắng để dự cuộc gặp cấp cao Obama-Karzai. Đó là một khoảnh khắc vinh quang đối với tướng McChrystal. Cái khoảnh khắc chứng tỏ ông ta kiểm soát tốt tình hình ở Kabul cũng như ở Washington.
Tại cuộc gặp ở phòng phía Đông, trước mặt đông đảo nhà báo và nhân vật nổi tiếng, Tổng thống Mỹ ca ngợi tổng thống Hamid Karzai. Chưa đầy một giờ, hai nhà lãnh đạo đã dùng từ “tiến bộ” đến 16 lần. Sự kiện này là dấu hiệu Obama ủng hộ mạnh nhất chiến lược (COIN) của tướng McChrystal kể từ mấy tháng qua. (...)
Trở về Afghanistan chưa đầy một tháng sau cuộc gặp Karzai tại Nhà Trắng, McChrystal hứng chịu một thất bại nặng nề nhất về tầm nhìn chiến lược chống nổi dậy của ông ta.
Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch mở một chiến dịch quân sự quan trọng ở Kandahar, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, vào mùa hè năm nay. Kandahar là cứ điểm chính của Taliban. Với mong muốn tạo ra một bước ngoặt, chiến dịch này là cái cớ để McChrystal thuyết phục thành công Obama gửi thêm viện quân hồi cuối năm ngoái.
Thế nhưng, ngày 10-6 vừa qua, sau khi thừa nhận quân đội chưa chuẩn bị xong, tướng McChrystal tuyên bố dời chiến dịch sang mùa thu. Và thay vì một chiến dịch đại quy mô như ở Fallujah hay Ramadi, quân đội Mỹ được triển khai - theo kiểu nói của McChrystal - như “một đợt thủy triều an ninh”.
Cảnh sát và quân đội Afghanistan tiến vào Kandahar để kiểm soát các quận, trong khi người Mỹ đổ vào thành phố 90 triệu USD tiền viện trợ với hy vọng lấy lòng dân chúng tại đây.
Tuy nhiên, bất kể thực chất kế hoạch mới là gì, động thái nói trên cho thấy một điểm yếu cơ bản của học thuyết chống nổi dậy.
Sau chín năm chinh chiến, Taliban vẫn bám quá chặt (Kandahar) để quân đội Mỹ liều mở một trận đánh vỗ mặt. Những người mà COIN cố gắng chiêu hồi (nghĩa là nhân dân Kandahar) không muốn quân đội Mỹ có mặt tại đây.
Cho đến bây giờ, COIN chỉ thành công trong việc tạo ra một sản phẩm chính của quân đội Mỹ: Một cuộc chiến triền miên. Đó là lý do chủ yếu để Tổng thống Obama tránh dùng từ “thắng lợi” khi đề cập tới Afghanistan. Có vẻ như chiến thắng ở đây là một điều không thể.
(Theo VĂN ANH // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com