![]() |
Tàu chiến Mỹ tại cảng Ba-tu-mi (Gru-di-a). |
Cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ trong không gian "hậu Xô-viết" khó có thể chấm dứt cho dù chuyến đi của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đến Nga vừa qua đã dấy lên hy vọng tan băng trong quan hệ hai bên.
Từ ngày 20 đến 24-7, Phó Tổng thống Mỹ Giâu Bin-đen tới Gru-di-a và U-crai-na nhằm củng cố quan hệ đồng minh với hai nước vốn một thời là láng giềng thân thiết của Nga. Trước đó, một sự kiện hy hữu cũng đã xảy ra khi Mỹ gửi tàu chiến tham gia tập trận quân sự chung với Gru-di-a tại Biển Đen. Còn các máy bay chiến đấu Nga liên tục nã đạn vào các mục tiêu giả định trong một cuộc tập trận khác gần đó. Đây là lần đầu tiên cả Nga và Mỹ tiến hành tập trận riêng rẽ trên cùng một vùng biển vào cùng một thời điểm.
Sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ vào đầu những năm 1990, phong trào "cách mạng nhung" do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn đã giúp Oa-sinh-tơn thiết lập được một số tiền đồn quan trọng trong dự án "Đông tiến" trong đó có U-crai-na và đặc biệt là Gru-di-a - một quốc gia tuy nhỏ nhưng có vị trí chiến lược trong tạo lập ảnh hưởng Mỹ và phương Tây ở Cáp-ca-dơ. Đây là một cánh cửa then chốt mở vào tam giác Trung Á vừa giàu tài nguyên vừa có vị trí ngã ba đắc địa giữa Nam Á, Bắc Á và Trung Đông. Mặc dù, gần một thập kỷ qua, cùng với sự phục hồi về kinh tế, Nga cũng đã lấy lại được vị thế của mình trên các diễn đàn quốc tế.
Qua đó, ảnh hưởng của Mát-xcơ-va tại khu vực "không gian truyền thống" cũng dần được tái thiết lập. Và cuộc chiến tranh giữa Nga và Gru-di-a tại Nam Ô-xê-ti-a hồi tháng 8 năm ngoái được coi như một dấu mốc cho giai đoạn phát triển mới về “chất” trên lãnh thổ Liên Xô (cũ). Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Mát-xcơ-va khẳng định sẵn sàng và có khả năng sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích ngoài lãnh thổ của mình. Tóm lại, hành động quyết liệt của Nga đã đảo ngược thế cờ mà Mỹ đã dày công xây dựng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị nhằm giành lại "di sản" của Xô-viết. Tuy nhiên, không vì thế mà Oa-sinh-tơn dễ dàng từ bỏ sự hậu thuẫn dành cho một số nước thuộc Liên Xô (cũ) trong thời gian qua.
Điều này vừa nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ, vừa thọc sâu vào khu vực lợi ích truyền thống của Mát-xcơ-va trong chiến lược bao vây, cô lập nước Nga từ mọi phía mà Mỹ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ngoài ra, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này sẽ phục vụ đắc lực cho giải pháp dài hạn của phương Tây nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm sự lệ thuộc vào Trung Đông. Cuộc chạy đua sở hữu và khai thác các nguồn năng lượng cũng như việc đưa các nguồn năng lượng này đến với những thị trường tiêu thụ sẽ càng làm cho cạnh tranh chiến lược ở khu vực "sân sau" của Nga trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Mặc dù Nga, Mỹ đều đã tuyên bố "khởi động lại" mối quan hệ song phương, nhưng những thỏa thuận hợp tác vừa ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống B.Ô-ba-ma chỉ được xem như những hoạt động bề nổi. Còn quá trình giải quyết những mâu thuẫn, nghi ngờ cố hữu về lá chắn tên lửa, mở rộng NATO... - những khối băng chìm - giữa hai bên hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, dù kêu gọi nhà lãnh đạo Nga cải thiện quan hệ để tránh lặp lại thời Chiến tranh lạnh, song ngay tại buổi nói chuyện ở Mát-xcơ-va, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã cảnh báo Nga phải tôn trọng tính toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a và bác bỏ khái niệm về việc "bảo trợ" cho vùng ly khai của nước này (là Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a). Còn Tổng thống Nga Đmi-tri Mét-vê-đép, tuy tán dương nỗ lực thay đổi hình ảnh về nước Mỹ của ông B.Ô-ba-ma, song người đứng đầu điện Crem-lin vẫn không hề đưa ra một sự nhượng bộ nào trong vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi với phương Tây xung quanh vai trò của Nga tại khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Rõ ràng, trong con mắt của người Nga, Mỹ vẫn ôm ấp mộng bá chủ, bằng cách thu hẹp ảnh hưởng của Nga tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Còn quá trình phục hưng của Nga trong con mắt của phương Tây bị coi là sự hồi sinh tham vọng của "đế chế Nga".
Theo một số nhà phân tích chính trị thế giới, chính sách của Tổng thống B.Ô-ba-ma với Nga thực chất vẫn là sự tiếp nối chính sách của chính quyền tiền nhiệm G.Bu-sơ. Tuy tổng thống mới áp dụng các biện pháp mềm mỏng, tranh thủ sự hợp tác của Mát-xcơ-va trong những vấn đề mang tính chiến lược toàn cầu nhưng vẫn không từ bỏ các lợi ích và chính sách kiềm chế Nga. Đây là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng, sau chuyến thăm này, những cạnh tranh quyền lợi Nga - Mỹ sẽ bớt "ồn ào" hơn dù vẫn không kém phần khốc liệt. Việc chạy đua thiết lập các căn cứ quân sự tại Cư-rơ-gư-xtan vừa qua có thể được ví như một bức ảnh thu nhỏ cho cuộc chiến thầm lặng giữa Mỹ và Nga trong thời gian tới.
(Theo Lâm Phương // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com