Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bé hạt tiêu

Một trong những điều có thể để ý thấy được từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế trên thế giới thời gian qua là các tập đoàn càng lớn chịu tác động càng mạnh và những tập đoàn hoặc công ty gia đình có sức đề kháng tốt hơn. Kết quả nghiên cứu và thăm dò dư luận ở nước Đức cho thấy nguyên nhân chính không phải ở quy mô tập đoàn, mà ở tỷ lệ vốn được coi là tài sản của tập đoàn và ở cơ cấu sở hữu tập đoàn.

tinkinhte.com
 
Thông thường, khi xin vay tiền để kinh doanh, các DN đều phải cung cấp cho ngân hàng tất cả các thông tin cần thiết, trong đó đặc biệt có thông tin về tỷ lệ vốn được coi là tài sản của DN. Tỷ lệ đó càng cao có nghĩa là phần vốn phải đi vay càng nhỏ. Tỷ lệ phần vốn đi vay càng nhỏ thì cơ hội được vay vốn càng cao và cái giá mà DN phải trả cho ngân hàng để được vay tín dụng mới càng thấp. Hay cũng có thể nói sự phụ thuộc của các DN hay tập đoàn gia đình vào nguồn vốn từ các ngân hàng, thậm chí cả từ nhà nước không lớn và không có tác động quyết định đến sự tồn vong của họ như đối với các tập đoàn lớn.
 
Ngoài ra, các tập đoàn và DN gia đình cũng thường có bộ máy quản lý và hành chính điều hành gọn nhẹ. Các vị trí chủ chốt đều do thành viên gia đình nắm giữ. Sự gắn bó lợi ích của cá nhân với lợi ích chung của tập đoàn rất chặt chẽ và rất hiếm khi thấy có kiểu "ung tay quá trán " hay tư duy tiêu tiền chùa” trong các quyết định của họ như đã từng thấy ở nhiều CEO của các tập đoàn lớn khác. Vì thế, cả về chủ quan lẫn khách quan, các doanh nghiệp hay tập đoàn gia đình không đến nỗi dễ bị tổn thương trong điều kiện và tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Quy mô nhỏ và không lừng danh có cái khó của chúng, nhưng cũng có cái trở thành thế mạnh. Như ớt hạt tiêu ấy. Nó nhỏ nhưng ai dám bảo nó không cay nào.

(Theo Hoàng Mai // Diễn đàn doanh nghiệp)