Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14-9 đã chính thức quyết định gia hạn thêm 1 năm nữa đối với “Đạo luật Giao dịch thương mại với kẻ thù”, một trong số những biện pháp trừng phạt bất công bị dư luận thế giới chỉ trích mà Washington áp dụng chống Cuba gần nửa thập kỷ qua.
Trong một thông báo phát đi từ Nhà Trắng, ông Obama nêu rõ: “Tôi quyết định gia hạn thêm một năm việc thực thi đạo luật nói trên đối với Cuba là vì lợi ích quốc gia của Mỹ”. Gần 9 tháng sau khi nhậm chức tổng thống, động thái trên của ông Obama dường như đi ngược lại với cương lĩnh về chính sách ngoại giao được nêu ra trong bài diễn văn đánh dấu ngày ông thực sự trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng: “không đi theo những chính sách ngoại giao cũ được chính phủ tiền nhiệm áp dụng”. Trong các bài diễn văn liên tiếp sau đó, ông cam kết tham gia cùng những người bạn cũ và cả những kẻ thù trước đây hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và nhân văn hơn. Nhưng với quyết định mới này, vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ đã tiếp bước con đường thù địch chống Cuba mà một số nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Mỹ đã làm.
Thời gian gần đây, Washington đã đưa ra một loạt biện pháp nới lỏng cấm vận đối với La Habana, như cho phép bán các mặt hàng nông sản và thuốc men sang Cuba, không hạn chế số lần về thăm thân nhân đối với những người gốc Cuba sinh sống tại Mỹ, cũng như lượng kiều hối hàng năm gửi về. Tuy nhiên, với động thái mới này, nhiều người sẽ không tránh khỏi cảm giác ngờ vực, đặt một dấu chấm hỏi với những cam kết của Mỹ vừa qua.
Ngày Tổng thống Obama đặt chân vào Nhà Trắng là ngày mà hàng tỷ người trên toàn cầu đã hy vọng, cầu nguyện cho một sự khởi đầu mới hòa dịu hơn sau những năm ảm đạm, nhiều xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế trong nhiệm kỳ của Tổng thống George W.Bush. Nhưng hôm nay, chính phủ Brazil đã bày tỏ thất vọng về quyết định tiếp tục duy trì lệnh bao vây, cấm vận chống Cuba. Ông Marco Aurelio Garcia, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Brazil Lula da Silva, tuyên bố đây là một quyết định tiêu cực liên quan tới quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latin, đồng thời khẳng định tất cả những kỳ vọng về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực đã tiêu tan. Theo ông Garcia, Tổng thống Obama đã mất đi một cơ hội tuyệt vời để thể hiện ông có thể mang lại sự đổi thay. Bắt đầu từ năm 1991, Đại hội đồng LHQ liên tục ra nghị quyết yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận chống Cuba với số phiếu ủng hộ tăng dần qua từng năm. Năm 2008, có 185 nước trong tổng số 192 nước ủng hộ.
Lên cầm quyền, vừa phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế, ông Obama phải đối diện với hàng loạt vấn đề quốc tế mà Mỹ can dự: cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, vấn đề CHDCND Triều Tiên và Iran, tiến trình hòa bình tại Trung Đông… Ông Obama đã cam kết sẽ giải quyết tất cả các vấn đề này cùng một lúc nhưng đến nay ông gặp rất nhiều khó khăn trên tất cả các mặt trận, kể cả khả năng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Đứng trước những khó khăn nước Mỹ hiện đang gặp phải, việc giữ cam kết giải quyết các vấn đề mà ông Obama tuyên bố rằng “Mỹ phải tiên phong giải quyết” liệu có khả thi? Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để hành động phải chứng minh được lời nói!
(Theo Anh Văn // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com