Các thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ở thành phố Alameda,
California bên cạnh những gói cocain tịch thu ngoài khơi Panama. Ảnh: TIME
Kẻ thù xuyên biên giới
Theo Cơ quan Chiến lược Kiểm soát ma túy quốc tế của Mỹ, 90% cocain đã được đưa vào lãnh thổ Mỹ thông qua biên giới Mexico. Bạo động liên quan đến ma túy ở Mexico tràn sang nhiều bang nước Mỹ, chẳng hạn như ở Arizona đã xảy ra một loạt vụ bắt cóc và đòi tiền chuộc. Biên giới trải dài gần 600 km của Arizona với Mexico là con đường nhập lậu gần một nửa số cần sa vào Mỹ. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Dennis Blair từng tuyên bố Chính phủ Mexico đã mất quyền kiểm soát lãnh thổ của mình. Đáp lại, Tổng thống (TT) Mexico Felipe Calderon nói rằng đất nước ông chia sẻ biên giới với quốc gia tiêu thụ ma túy và nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới.
Chính phủ Mỹ đã đấu tranh chống ma túy nhiều thập kỷ. Năm 1954, TT Eisenhower đã thành lập một ủy ban gồm năm thành viên nội các nhằm dập tắt nạn lạm dụng ma túy. Mặc dù vậy, mãi đến khi TT Nixon hình thành cơ quan chống ma túy năm 1973 để tuyên bố cuộc chiến tranh toàn cầu trước hiểm họa ma túy, thuật ngữ “Chiến tranh ma túy” mới được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, Gil Kerlikowske, Giám đốc Cơ quan Chính sách Kiểm soát ma túy quốc gia, cho biết chính quyền TT Obama sẽ không sử dụng thuật ngữ nói trên nữa.
Trước năm 1975, đã có những báo cáo về việc sử dụng heroin lan rộng trong binh sĩ Mỹ ở Việt Nam nhưng sự chú ý đặc biệt lúc đó được dành cho ngành công nghiệp cocain của Colombia. Hồi đó, khi chính quyền Colombia tịch thu được 600 kg cocain giấu trong tất cả mọi thứ có thể, từ chiếc hộp đựng giày đến cái cũi chó, bọn buôn lậu ma túy đã trả thù bằng cách giết chết 40 người chỉ trong một dịp cuối tuần. Thành phố Medellin đã trở thành trung tâm buôn bán ma túy của Colombia. Bọn buôn lậu đã nhiều năm gây ra những cuộc cướp bóc, bắt cóc và mưu sát. Năm 1985, nạn nhân của băng đảng ở Medellin gồm cả những doanh nhân, thành viên sứ quán và nhà báo Mỹ.
Kết quả không bao nhiêu
Năm 1984, trong lần đệ nhất phu nhân Mỹ lúc đó là Nancy Reagan đến thăm một trường học ở Oakland, bang California, một học sinh 10 tuổi hỏi bà sẽ làm gì nếu như có ai đó đưa ma túy cho bà. Bà Reagan trả lời: “Just say no” (Tạm dịch: Nói không ngay). Và thế là, chỉ trong vòng một năm, 5.000 câu lạc bộ Just Say No đã hình thành khắp nước Mỹ. Ngoài ra, chương trình giáo dục chống lại nạn lạm dụng ma túy năm 1983 của Sở Cảnh sát Los Angeles đã trở thành một hiện tượng quốc gia. Thêm vào đó, cuộc vận động “Nước Mỹ không ma túy” đã được phát động năm 1987.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các khẩu hiệu và các chương trình ở Mỹ không đem lại những kết quả đáng kể. Năm 2003, chính quyền TT George Bush đã đặt mục tiêu giảm tỉ lệ lạm dụng ma túy khoảng 25% nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Chỉ có điều mục tiêu nói trên đã dẫn đến con số những vụ bắt bớ chưa từng có. Các xu hướng lạm dụng ma túy khi tăng khi giảm xảy ra và hiện tượng giảm ở một loại ma túy này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng ở một loại khác. Điều đó khiến các giới chức Mỹ phải chơi một trò chơi chống ma túy không bao giờ kết thúc.
Bên cạnh đó, trong khi người Mexico nỗ lực ngăn chặn nạn buôn lậu, TT Felipe Calderon đã tuyên bố mở rộng chiến dịch nhắm vào các băng đảng ma túy chỉ sau khi ông nhậm chức TT (2006) được vài ngày. Vị tân TT lúc đó cử 6.500 binh sĩ để trấn áp những cuộc thanh toán giữa hai băng đảng ma túy đối thủ của nhau. Năm sau, Bộ trưởng An ninh Công cộng Genaro Garcia Luna cách chức 284 cảnh sát trưởng trên toàn liên bang vì tình nghi tham nhũng. Những sĩ quan được bổ nhiệm thay thế là những người đã có thành tích bắt giam một số trùm ma túy. Các băng đảng phản ứng lại bằng cách tổ chức một loạt vụ bạo động tưởng chừng như vô tận. Hậu quả là 5.300 người bị giết chết trong các vụ liên quan đến ma túy trong năm 2008 và hơn 1.000 người đã chết trong năm 2009.
Năm 2008, TT Mỹ Bush đã ký Sáng kiến Mérida, theo đó sẽ cung cấp 1,4 tỉ USD cho Mexico và các nước khác trong hơn ba năm để hỗ trợ cuộc đấu tranh chống buôn lậu ma túy và bạo động. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ hiện nay chỉ mới phê chuẩn 456 triệu USD và TT Barack Obama vẫn chưa cho biết kế hoạch đối với cả tỉ USD còn lại.
Chiến công quan trọng nhất của Bolivia Ngày 6-7-2009, lực lượng chống ma túy ở Bolivia đã bố ráp một nơi họ gọi là phòng thí nghiệm cocain lớn nhất chưa từng phát hiện ở nước này, với khả năng cho ra lò đến 100 kg mỗi ngày. Chính phủ Bolivia gọi đây là thành công quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh với bọn buôn lậu ma túy trong suốt một thời gian dài. Oscar Nina, một viên chức cao cấp chống ma túy của Bolivia, cho biết có năm người Colombia bị bắt. Đồng thời, theo chính quyền Bolivia, đây là cơ sở lớn thứ tư loại này được phát hiện trong năm 2009. Trường hợp nào cũng đều có một số người Colombia bị bắt, bị buộc tội làm việc chung với các băng nhóm buôn lậu ma túy của Bolivia. Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Alfredo Rada lên tiếng trách các đặc vụ chống ma túy của Mỹ đã không dò tìm ra các cơ sở nói trên mặc dù chúng hoạt động khoảng một năm nay. Trước đó, tháng 11-2008, Bolivia đã nghi ngờ hoạt động của cơ quan chống ma túy của Mỹ ở biên giới nước này và TT Bolivia Evo Morales đã tuyên bố rút ra khỏi cuộc chiến tranh ma túy do Washington dẫn đầu. |
(Theo NGÔ SINH // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com