Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chung quanh việc di chuyển căn cứ Phư-ten-ma của Mỹ ở Nhật Bản

Người dân Nhật Bản biểu tình đòi di chuyểncăn cứ Phu-Ten-Ma khỏi Ô-Ki-Na-Oa

Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản đang trải qua thử thách trước sức nóng của vấn đề di chuyển căn cứ không quân Phư-ten-ma của Mỹ trên đảo Ô-ki-na-oa (Nhật Bản), nơi có hơn một nửa trong số gần 50 nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân.Trong cuộc họp Chính phủ ngày 10-5 vừa qua để thảo luận vấn đề trên, Thủ tướng Nhật Bản Y.Ha-tô-y-a-ma đã thừa nhận không thể đạt được cam kết di chuyển căn cứ không quân Phư-ten-ma của Mỹ khỏi đảo Ô-ki-na-oa và ông có thể phải lùi thời hạn chót vào ngày 31-5 tới do chính ông đặt ra cách đây vài tháng để giải quyết vấn đề này.

Năm 2010 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản. Theo hiệp ước này, Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản - nước thực thi Hiến pháp hòa bình - bằng sự hiện diện quân sự lâu dài tại đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, sau 50 năm ký Hiệp ước, quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản đang trải qua sóng gió và căng thẳng do những bất đồng chung quanh kế hoạch di dời căn cứ không quân Phư-ten-ma của Mỹ trên đảo Ô-ki-na-oa của Nhật Bản.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Y.Ha-tô-y-a-ma đã cam kết sẽ di dời toàn bộ căn cứ không quân Phư-ten-ma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ra khỏi đảo Ô-ki-na-oa. Lời hứa này đã giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân Nhật Bản nói chung cũng như người dân Ô-ki-na-oa nói riêng, do căn cứ không quân này không những gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, mà còn là nơi phát sinh các vụ tội phạm của binh sĩ Mỹ làm người dân địa phương tức giận và phản đối. Người dân Nhật Bản lại càng bất bình hơn khi nước này hằng năm phải chi khoảng hai tỷ USD cho các căn cứ Mỹ.

Ngay sau khi lên nắm quyền (tháng 9-2009), Thủ tướng Nhật Bản Y.Ha-tô-y-a-ma đã xúc tiến việc thực hiện cam kết di dời căn cứ không quân Phư-ten-ma ra khỏi đảo Ô-ki-na-oa, theo cách mà Mỹ có thể chấp nhận được và vừa giảm gánh nặng cho người dân địa phương. Tuy nhiên, Oa-sinh-tơn và Tô-ki-ô không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Những bất đồng giữa hai bên về việc di chuyển căn cứ Phư-ten-ma thậm chí có nguy cơ gây căng thẳng và phủ bóng đen lên mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản được xây dựng suốt năm thập kỷ qua. Ðối với Mỹ, đảo Ô-ki-na-oa có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ không chỉ đối với khu vực Ðông-Bắc Á mà còn cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, người dân Nhật Bản và ngay cả nhiều chính khách thuộc đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền cho rằng, chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu và việc căn cứ Phư-ten-ma vẫn tồn tại trên đảo Ô-ki-na-oa là không cần thiết, thậm chí căn cứ này cần di chuyển khỏi lãnh thổ Nhật Bản.

Ðể giải quyết bất đồng, trong những tháng gần đây, cả Oa-sinh-tơn lẫn Tô-ki-ô đã cử nhiều đoàn cấp cao thăm lẫn nhau để thảo luận và tìm biện pháp khả thi mà hai bên có thể chấp nhận được. Trong đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ đều lần lượt thăm Tô-ki-ô để bàn thảo về vấn đề này. Phía Mỹ cho biết, Lầu năm góc coi căn cứ Phư-ten-ma có tính chất quyết định đối với chiến lược của mình trong việc bảo vệ không chỉ Nhật Bản mà còn củng cố lực lượng đồng minh cũng như bảo đảm an ninh ở khu vực Ðông-Bắc Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Ghết khi đến thăm Tô-ki-ô đã thuyết phục phía Nhật Bản thực hiện kế hoạch di chuyển căn cứ Phư-ten-ma mà Mỹ đã đạt thỏa thuận với Chính phủ tiền nhiệm của ông Y.Ha-tô-y-a-ma hồi năm 2006. Ông Ghết nhấn mạnh rằng: "Xem xét lại (thỏa thuận Ô-ki-na-oa 2006) chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và gây hậu quả xấu". Theo kế hoạch này, căn cứ Phư-ten-ma sẽ được di dời đến một địa điểm ít dân cư hơn ở miền bắc đảo Ô-ki-na-oa, đồng thời 8.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ cũng sẽ được chuyển về căn cứ ở Gu-am. Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu 60% chi phí cho việc di dời này. Trong thời gian chờ xây dựng căn cứ mới, để hạn chế bớt ảnh hưởng đến khu vực dân cư chung quanh, căn cứ Phư-ten-ma hiện tại cũng chỉ được phép sử dụng một đường băng cất, hạ cánh cho máy bay, thay vì hai như trước đây. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị người dân trên đảo Ô-ki-na-oa phản đối gay gắt. Nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm nghìn người trong đó có cả sự tham gia của cả tỉnh trưởng Ô-ki-na-oa đã nổ ra liên tiếp đòi di chuyển toàn bộ căn cứ Phư-ten-ma ra khỏi đảo Ô-ki-na-oa. 

Trước sự phản đối của người dân Ô-ki-na-oa, Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma đã phải xem xét việc chuyển căn cứ Phư-ten-ma đến một số đảo khác ở Nhật Bản. Tuy nhiên, những kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương do lo ngại sự hiện diện của căn cứ quân sự của Mỹ sẽ hủy hoại cuộc sống của họ. Trong tình thế này, mới đây, Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma đã đến thăm đảo Ô-ki-na-oa và tại cuộc gặp Tỉnh trưởng Ô-ki-na-oa H.Na-cai-ma, ông Y.Ha-tô-y-a-ma đã đề nghị Ô-ki-na-oa tiếp tục để căn cứ Phư-ten-ma đóng trên đảo này, vì hiện nay Nhật Bản cần duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ để bảo đảm khả năng răn đe về an ninh. Ông xin lỗi người dân trên đảo về "gánh nặng" này và hứa đến cuối tháng 5 này sẽ giải quyết những vấn đề tiếng ồn, ô nhiễm và các nguy cơ do các máy bay của căn cứ không quân này gây ra. Thư ký Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản H.Hi-ra-nô thừa nhận, Chính phủ đang vấp phải khó khăn trong vấn đề này song hiện vẫn nỗ lực thuyết phục người dân địa phương về một giải pháp trong đó xác định rõ ràng địa điểm di dời căn cứ Phư-ten-ma trong tương lai.

Bế tắc trong việc di chuyển căn cứ Phư-ten-ma đã ảnh hưởng mạnh uy tín của Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma. Theo kết quả thăm dò mới nhất, mức độ tín nhiệm đối với Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma hiện giảm xuống mức thấp kỷ lục với hơn 67% số người được hỏi không ủng hộ chính phủ hiện nay và có tới 70% cho rằng Thủ tướng vi phạm cam kết của mình nếu hầu hết các bộ phận của Phư-ten-ma vẫn tồn tại ở Ô-ki-na-oa.

(Theo Anh Ðức // Nhandan Online)