Đó là bà Ingrid Betancourt, 47 tuổi, nguyên ứng cử viên tổng thống Colombia, bị Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) bắt cóc năm 2002. Sáng 2-7, bà đã được quân đội Colombia giải thoát sau 2.321 ngày bị giam cầm cùng với 14 người khác trong một cuộc giải cứu con tin được mô tả là như phim Hollywood. Nhưng đằng sau phi vụ ngoạn mục này đã có những ngờ vực
Nữ chính khách Ingrid Betancourt sinh vào Giáng sinh năm 1961, là con của bà Yolanda Pulecio - cựu hoa hậu Colombia - và ông Gabriel Betancourt, cựu đại sứ Colombia tại Pháp. Gia đình bà là một trong những dòng họ quý tộc gốc Pháp định cư ở Colombia cách đây 300 năm.
Đường tình lận đận
Sau khi học trường tư ở Paris, trường nội trú ở Anh và trường trung học Pháp ở Bogota, thủ đô Colombia, bà vào Học viện Chính trị Paris danh giá và tốt nghiệp tại đây. Học hành giỏi giang như vậy nhưng con đường tình duyên của bà khá gập ghềnh. Năm 1983, bà lấy chồng là một cán bộ ngoại giao Pháp, sinh hai đứa con, một trai, một gái rồi ly dị. Năm 1997, bà đi bước nữa với Juan Carlos Lecompte, một nhà quản lý cấp cao ngành quảng cáo ở Colombia.
Bà tham gia chính trường Colombia từ năm 1990 với một chiến dịch chống tham nhũng độc đáo: phát bao cao su với ý nghĩa bà giống như bao cao su chống lại virus tham nhũng. Sau khi trở thành hạ nghị sĩ năm 1994, bà thành lập Đảng Ôxy xanh.
Năm 1998, bà đắc cử thượng nghị sĩ với số phiếu cao nhất nhờ nổi tiếng chống tham nhũng. Chính trong thời gian này bà nhận được nhiều lời đe dọa tính mạng. Sợ con bị họa lây, bà nhờ người chồng cũ đem hai con về New Zealand. Ngày 20-5-2001, bà mở cuộc vận động tranh cử tổng thống Colombia năm 2002. Bà đến cả khu phi quân sự ở làng San Vicente del Caguán gặp các nhà lãnh đạo FARC trong một nỗ lực thuyết phục họ từ bỏ cuộc chiến chống chính phủ kéo dài hơn 40 năm, bất chấp những lời cảnh báo của chính quyền Tổng thống Patrana về sự nguy hiểm khi đối mặt với FARC.
Ngày 23-2-2002, trên đường vào làng, bà bị du kích quân FARC bắt cóc trong thế “tự mình vào hang cọp bị cọp bắt” chứ lúc đó FARC chưa có ý định bắt cóc bà mặc dù FARC khét tiếng về khoản bắt cóc tống tiền, gây áp lực chính trị. Kể từ đó, mẹ của bà, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ Colombia, Pháp và Thụy Sĩ, kể cả Tổng thống Venezuela Hugo Chavez liên tục tiếp xúc với đại diện FARC để đàm phán về việc trả tự do cho bà Betancourt và những con tin khác, trong đó có 3 người Mỹ làm việc cho nhà thầu quân sự Mỹ Northrup Crumman.
Ngôi sao sáng mới
Ngày 30-11-2002, chính quyền Colombia thông báo bắt được ba tên FARC, tịch thu được nhiều băng video và thư từ của những con tin, trong đó có Betancourt. Băng video cho thấy bà Betancourt bị trói vào gốc cây, thân hình tiều tụy, mặt mày hốc hác. Bà cho biết lúc đó chỉ nghĩ đến việc tự tử cho rồi. Bà kể lại: “Thần chết là bạn đồng hành chung thủy nhất của chúng tôi. Cái chết luôn luôn quyến rũ chúng tôi”.
Cuộn băng video đã biến bà Betancourt thành một biểu tượng của con tin trong tay FARC. Uy tín của bà tại Colombia tăng lên vùn vụt trong những cuộc thăm dò dư luận với 71%, chỉ kém đương kim Tổng thống Alvaro Uribe (81%) nhưng vượt xa những chính khách khác ôm mộng làm tổng thống như Bộ trưởng Quốc phòng Juan Manuel Santos.
William Pérez, y tá quân y từng bị FARC bắt cóc và bị giam chung với bà Betancourt, cho biết thêm có lúc tinh thần bà Betancourt xuống thấp đến mức bà tuyệt thực hai tuần lễ liền. Bà kể: “Tôi phải mớm cho bà từng muỗng thức ăn, vừa mớm vừa nói muỗng này cho Melanie (con gái bà), muỗng này cho Lorenzo (con trai bà). Nhờ vậy bà mới chịu ăn”.
Trên đài truyền hình Pháp France 2 hôm 3-7, bà Betancourt nói bà bị đối xử còn tệ hơn con thú. Khi những kẻ bắt cóc nổi quạu, họ siết chặt dây xích trên cổ làm bà ngạt thở. Bà mắc nhiều chứng bệnh do ở lâu trong rừng sâu nước độc, thường xuyên di chuyển, ăn uống thiếu thốn. Bà thường ói ra những gì vừa ăn vào. Khi tắm sông bà buộc phải mặc nguyên quần áo vì sợ những gã du kích nhìn trộm. Tuy nhiên, khi được hỏi bà có bị làm nhục không thì bà từ chối: “Tôi không muốn đề cập đến chuyện ấy trong khi tôi đang hạnh phúc”.
Hôm 4-7, báo chí Colombia đồng thanh ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của bà và tiên đoán bà sẽ trở thành một ngôi sao sáng mới trên chính trường Colombia. Tờ El Spectator cho biết vấn đề là bà sẽ trở về với quốc hội hay tiếp tục ra ứng cử tổng thống như hồi năm 2002. Tuy nhiên, bà sẽ không chống lại Tổng thống Uribe, hiện nay là ân nhân của bà, người có nhiều hy vọng tái đắc cử trong hai năm tới.
Một cuộc dàn cảnh hoàn hảo? Theo thông báo của chính quyền Colombia, chiến dịch giải cứu con tin mang tên Jaque (Chiếu bí) đã diễn ra trơn tru hôm 2-7 sau khi một người của tình báo Colombia dùng số máy điện thoại vệ tinh của Alfonso Cano, tân thủ lĩnh của FARC, giả giọng một trợ lý thân cận của Cano ra lệnh cho Gerardo Aguilar (bí danh Cesar) phụ trách các con tin gom 15 con tin lên một chiếc máy bay trực thăng của chính phủ cải trang thành trực thăng của một tổ chức nhân đạo quốc tế chở đến chỗ thủ lĩnh Cano. Máy bay vừa cất cánh, Cesar bị lột quần áo và trói gô lại. Lính biệt kích Colombia giả dạng nhân viên tổ chức nhân đạo quốc tế và du kích FARC trên chiếc trực thăng hô to với các con tin: “Chúng tôi là lính quốc gia, quý vị đã được tự do”. Việc giải cứu 15 con tin FARC, trong đó có bà Betancourt, diễn ra như trong mơ vì quá dễ dàng khiến dư luận nghi ngờ. Phải chăng các nhà lãnh đạo FARC khờ khạo đến mức bị xí gạt gom hết những con tin cao giá nhất biếu không cho chính quyền Colombia ? Dominique Moisi, cựu giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, phát biểu trên đài truyền hình Pháp rằng có thể tiền bạc đã được sử dụng trong trường hợp này. Ngày 4-7, đài phát thanh Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, dẫn một “nguồn Colombia đáng tin cậy” khẳng định rằng Cesar thật ra đã đào ngũ và hợp tác với chính quyền Colombia sau khi được Mỹ trả thưởng 20 triệu USD để đổi lấy các con tin trong đó có 3 nhân viên của cơ quan chống ma túy Mỹ đội lốt nhân viên nhà thầu quân sự Mỹ. Người đứng ra làm trung gian vụ đào thoát này dường như là vợ của Cesar bị bắt hồi tháng 2 năm nay. Ngoài tiền thưởng, Cesar được bảo đảm không bị truy tố và được chọn một trong ba nước bạn của Colombia là Pháp, Thụy Sĩ hoặc Tây Ban Nha để sống an nhàn. Nguồn tin trên đã được nữ thượng nghị sĩ Piedad Cardoba của Colombia ủng hộ. Bà Cardoba từng làm trung gian giúp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đàm phán với FARC về chuyện thả con tin. Trả lời phỏng vấn của nhật báo Venezuela Clarin, bà tuyên bố: “Đó không phải là một cuộc giải cứu mà là một cuộc trao trả con tin sau khi trả tiền chuộc”. Chính phủ Colombia, Mỹ dĩ nhiên đã bác bỏ những nguồn tin nói trên: “Hoàn toàn nói láo”. Trong khi đó, báo chí Israel nói Mossad, cơ quan tình báo Israel, đã giúp Colombia lên kế hoạch giải cứu con tin nói trên. |
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com