Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Củng cố quan hệ đồng minh

I-ran là chặng dừng chân thứ tư trong khuôn khổ chuyến công du 11 ngày (từ  ngày 31-8 đến 11-9) của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết tới 4 nước vùng Trung Đông và Bắc Phi gồm Li-bi, An-giê-ri, Xi-ri, I-ran cùng ba nước châu Âu gồm Bê-la-rút, Nga và Tây Ban Nha.

 Tổng thống Cha-vết cho biết, mục đích của chuyến công du là nhằm thắt chặt mối quan hệ chính trị, năng lượng và quân sự giữa Vê-nê-xu-ê-la và các nước trên. Nhưng chặng dừng chân mới nhất của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết tại I-ran cuối tuần qua được xem là điểm đến đáng chú ý nhất tại vùng Vịnh trong 48 giờ qua.

 Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Ma-mút A-ma-đi-nê-giát, Tổng thống Cha-vết khẳng định, I-ran là "một đối tác chiến lược thực sự và đáng tin cậy"; đồng thời tuyên bố ủng hộ quyền sở hữu năng lượng hạt nhân của I-ran. Hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường quan hệ hợp tác song phương và tiếp tục đàm phán về chiến lược phát triển trong 10 năm tới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, Tổng thống Cha-vết cho biết, Vê-nê-xu-ê-la sẽ xuất cho I-ran 20.000 thùng xăng/ngày kể từ tháng 10 tới. Thỏa thuận này trị giá 800 triệu USD và số tiền thu từ bán xăng sẽ được Vê-nê-xu-ê-la mua sắm thiết bị và công nghệ của I-ran. Đây là dấu hiệu mới nhất về mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.

 Kể từ khi Tổng thống Cha-vết lên nắm quyền năm 1999, ông đã thực hiện 7 chuyến thăm đến I-ran. Đáp lại, Tổng thống A-ma-đi-nê-giát cũng đã 2 lần đến Vê-nê-xu-ê-la trong cùng thời gian đó. Khoảng 10 năm qua, giữa 2 nước đã mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Kể từ năm 2001, I-ran và Vê-nê-xu-ê-la đã kí kết hơn 180 thỏa thuận thương mại với tổng số vốn ước tính lên tới 20 tỉ USD. I-ran hiện là đối tác của Vê-nê-xu-ê-la trong nhiều dự án công nghiệp, kể cả sản xuất ô tô, máy kéo và các sản phẩm làm từ nhựa.

 Tháng 4-2009, Ngân hàng Phát triển I-ran - Vê-nê-xu-ê-la, một ngân hàng liên doanh giúp hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển ở hai nước đã chính thức khai trương. Hai bên cam kết sẽ đầu tư 200 triệu USD cho nỗ lực này. Năm 2007, I-ran và Vê-nê-xu-ê-la đã mở kênh du lịch với các chuyến bay hằng tuần giữa Tê-hê-ran và Ca-ra-cát. Bên cạnh đó, I-ran và Vê-nê-xu-ê-la còn thiết lập mối quan hệ hợp tác quân sự đặc biệt. Nhiều binh sĩ Vê-nê-xu-ê-la đã được I-ran đào tạo và Tê-hê-ran còn cam kết ủng hộ tích cực và giúp đỡ quân đội Vê-nê-xu-ê-la tăng cường khả năng phòng vệ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc phòng chung giữa hai nước..

.  Trên phương diện quốc tế, I-ran và Vê-nê-xu-ê-la đã nhiều lần ủng hộ lợi ích của nhau. Trên một bình diện khác, Vê-nê-xu-ê-la là nước Nam Mỹ duy nhất ủng hộ chương trình hạt nhân của I-ran trong cuộc bỏ phiếu năm 2006 tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Dưới cái nhìn của phương Tây, Ca-ra-cát và Tê-hê-ran được xem là cặp "đối thủ" của Oa-sinh-tơn trên bàn cờ thế giới. "Xích mích" mới nhất giữa Mỹ và Vê-nê-xu-ê-la là việc Mỹ ký hiệp định thuê 7 căn cứ của Cô-lôm-bi-a - nước láng giềng của Vê-nê-xu-ê-la - khiến Ca-ra-cát ngay lập tức có phản ứng và xem đây là mối đe dọa lớn... Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và I-ran còn sóng gió hơn khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với I-ran trong suốt một thời gian dài (từ 1979); đồng thời luôn phản đối và nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran.

 Vì vậy, quan hệ đồng minh Tê-hê-ran và Ca-ra-cát qua chuyến thăm là vấn đề Oa-sinh-tơn quan tâm. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, chuyến đi dài ngày tới 3 lục địa đang diễn ra của người đứng đầu Vê-nê-xu-ê-la cho thấy, ngoài củng cố quan hệ đồng minh, Ca-ra-cát đang hướng đến một vị thế mới, có vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.

(Theo Thùy Dương // Hanoimoi Online)

  • Mỹ: Tuần hành lớn phản đối TT Obama
  • Hé lộ bí mật nhà tù CIA
  • Khi lính cứu hỏa chăm sóc y tế
  • Tỷ lệ thất nghiệp cao ảnh hưởng phục hồi kinh tế Mỹ
  • Thiếu niềm tin
  • Bước tiến mới trong nỗ lực phát triển vắc-xin AIDS
  • Nhà chống bão lũ tại Mexico
  • Phụ nữ Hồi giáo tiếp tục đấu tranh đòi bình quyền