Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đức với bài toán làm sao để tiền “đẻ” ra trẻ em?

 
Tỷ lệ sinh ở Đức giảm bất chấp các chính sách khuyến khích sinh đẻ. (Ảnh: nguồn Internet)

Ngót ba năm trước, chính phủ Đức đã tăng “đột biến” trợ cấp sinh con. Nhưng không vì thế mà tỷ lệ trẻ em được “xuất xưởng” ở nước này tăng lên đều đặn. Các chuyên gia cho rằng, điều cần thiết bây giờ là cải thiện thực sự chất lượng sống của những gia đình đông con, mà muốn như thế thì chỉ có tiền không thôi là chưa đủ.

Đức chiếm một trong những vị trí cuối cùng trên thế giới về mức sinh. Hệ số sinh sản ở nước này từ lâu đã giảm xuống còn 1,3 (tức trung bình mỗi phụ nữ chỉ có 1,3 con). Như vậy là quá ít để tái sản xuất dân số.

Số trẻ sơ sinh ít hơn khá nhiều so với số người mất đi (từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2009 có 675.000 đứa trẻ được sinh ra trong khi số người chết là 844.000). Nếu cứ theo đà này thì dân số của Đức sẽ giảm từ 82 triệu như hiện nay xuống còn 67 triệu vào năm 2050.

Chính quyền Đức cố chống lại tình trạng đó bằng cách từ lâu đã cấp trợ cấp sinh con, giúp đỡ các gia đình có con nhỏ. Nhưng các chuyên gia khẳng định rằng rất khó đánh giá hiệu quả của sự hỗ trợ này.

Nỗ lực của bà bộ trường đông con

Bộ trưởng Các vấn đề gia đình Đức từ năm 2005 đến nay là bà Ursula Von der Leyen, người mẹ của bảy đứa con. Bà đòi chính phủ áp dụng loại trợ cấp mới như là nỗ lực cuối cùng để hãm đà giảm sinh

Trợ cấp sinh đẻ mới, gọi là Elterngeld, được thực hiện kể từ đầu năm 2007. Mục đích của việc này là trợ giúp bằng tiền mặt cho những người bố, người mẹ trẻ có thu nhập trung bình để họ nuôi con “một cách bình thường”.

Phụ cấp được phát trong vòng một năm cho người bố hoặc mẹ phải nghỉ việc để trông con. Phụ cấp bằng 67% lương (nhưng không vượt quá 1.800 euro/tháng) và không bị đánh thuế. Sau một năm, nếu người bố hoặc mẹ đồng ý nghỉ thêm để nuôi con thì phụ cấp được gia hạn 2 tháng.

Năm 2007, khi chính sách về phụ cấp này bắt đầu được thực hiện số trẻ sơ sinh tăng gần 12.000 so với năm 2006. Đây là mức tăng sinh sản đáng kể nhất ở nước này trong vòng 18 năm qua.

Theo Bộ trưởng Von der Leyen, 50% số gia đình được nhậu phụ cấp cho biết mức thu nhập của họ không giảm, thậm chí còn tăng so với thời kỳ trước khi sinh con. Còn các chuyên gia phân tích kinh tế thì nói rằng nhờ phụ cấp sinh đẻ mà số gia đình xin trợ cấp xã hội giảm mạnh.

Hiệu quả không bền

Đến cuối năm 2008,  tỷ lệ sinh ở Đức lại giảm xuống mức của năm 2005. Một số chuyên gia cho rằng đây là hệ quả của khủng hoảng kinh tế, song theo Bộ trưởng Von der Leyen thì cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn.

Bà thừa nhận rằng trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu, các gia đình khó mà dám sinh thêm con vì họ thấy tương lai của trẻ mù mịt. Do đó, ngoài việc phát phụ cấp nuôi con, nhà nước cần chứng minh cho các ông bố, bà mẹ thấy rằng họ sẽ được giúp giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc nuôi dạy con cái.

Bà Von der Leyen nhấn mạnh: “Giúp đỡ không có nghĩa là chỉ trợ cấp tài chính cho người nuôi trẻ ở giai đoạn đầu, mà còn phải hỗ trợ tạo ra hạ tầng thiết để nuôi các đứa trẻ lớn lên và giáo dục chúng”.

Hiện tại đã nảy sinh vấn đề là những đứa trẻ được sinh ra năm ngoái nhờ chính sách phụ cấp nuôi con thì nay thiếu chỗ trong nhà trẻ. Nói một cách khác, nhà nước phải đảm bảo rằng các bậc cha mẹ được nhận phụ cấp trong thời gian nuôi con nhỏ, còn những đứa trẻ thì sẽ có đủ chỗ trong nhà trường.

Doanh nghiệp cũng cần phải vào cuộc

Bà Von der Leyen khẳng định rằng chính sách gia đình tốt là chính sách xóa nghèo trong mỗi mái nhà. Nếu chỉ riêng nhà nước cố gắng thì chưa đủ để đạt mục đích đó. Các doanh nghiệp có vai trò to lớn trong việc… tăng dân số. Họ phải tạo ra trong công ty, xí nghiệp của mình điều kiện thuận tiện để giúp người bố, người mẹ giải quyết những công việc liên quan đến nuôi dạy trẻ.

Các doanh nhân phải hỗ trợ chính sách dân số của Chính phủ nếu họ muốn giữ chân nhân viên và biết nghĩ đến tương lai đất nước.

Hội đồng Phụ nữ Đức, cơ quan liên kết hàng chục tổ chức phụ nữ, đang ráo riết vận động để không chỉ người mẹ mà cả người bố cũng được “nghỉ đẻ” có lương, và không chỉ nghỉ ba tháng mà ít nhất là nửa năm.

Bộ trưởng Von der Leyen đồng tình với sáng kiến này. Bà khuyên các doanh nghiệp nên nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước Bắc Âu, nơi từ lâu các ông bố đã được “nghỉ đẻ” dài hạn. Điều này đem lại kết quả là tỷ lệ sinh ở các nước này đã được cải thiện.

Có một công trình nghiên cứu mới đây ở Mỹ sau khi phân tích số liệu sinh sản ở 24 nước trong vòng 30 năm đã kết luận, nguyên tắc “nước càng giàu, dân càng ít đẻ” chỉ đúng cho đến một thời điểm nhất định. Khi chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức rất cao thì tỷ lệ sinh lại tăng. Điều này đã xảy ra ở Na Uy, Canada và Australia./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

 

  • Người Nhật đổi thói quen tiêu dùng vì khủng hoảng
  • Vì sao Trung - Ấn "khẩu chiến"?
  • Jose Mujica - Niềm hy vọng của phong trào cánh tả ở Uruguay
  • Mua dây buộc mình
  • Ngoại giao bóng đá !
  • Đồng minh nghi kỵ
  • Lòng tự trọng
  • "Đệ tử lưu linh" ngày càng tăng nhanh tại Australia