Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ tư liệu: Hiệp định Mekong năm 1995

Ngày 5-4-1995, tại Chiềng Rai, Thailand, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ra đời với việc bốn quốc gia thành viên MRC là Campuchia, Lào, Thailand và Việt Nam ký Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công).

Hiệp định gồm sáu chương, 42 điều. Trong đó, Chương I: Mở đầu; Chương II: Ðịnh nghĩa và các thuật ngữ; Chương III: Mục tiêu và các nguyên tắc hợp tác, gồm mười điều quy định lĩnh vực, đối tượng, phạm vi và các nguyên tắc hợp tác; Chương IV: Khuôn khổ về thể chế, gồm 23 điều quy định cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của tổ chức hợp tác (MRC); Chương V: Giải quyết khác biệt và bất đồng, gồm hai điều hướng dẫn về cơ chế giải quyết bất đồng nảy sinh giữa các nước khi thực hiện và Chương VI: Ðiều khoản cuối cùng.

Theo Hiệp định, nguyên tắc cơ bản trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên MRC là đồng thuận, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Các vấn đề liên quan hợp tác Mekong luôn được xem xét và giải quyết bằng các quá trình tư vấn rộng rãi ở nhiều cấp. Nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý của quốc tế cũng được áp dụng.

Hiệp định Mekong 1995 và sự ra đời của MRC đã ghi nhận những nhận thức mới của cả bốn quốc gia thành viên trước những biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội trong khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác mới, MRC đã đưa các quốc gia ven sông nói chung và Việt Nam nói riêng vào một trang mới trong hợp tác khai thác, phát triển, quản lý và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong khu vực sông Mekong. Hiệp định là căn cứ pháp lý quan trọng, quy định các nguyên tắc cơ bản và khung hợp tác chung cho các quốc gia thành viên trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong vùng hạ lưu sông Mekong, nhằm đạt được phát triển bền vững, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế và các chương trình trọng điểm các quốc gia thành viên trong vùng hạ lưu sông Mekong, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ và thực hiện các Công ước quốc tế khác liên quan quản lý, khai thác, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong các khuôn khổ hợp tác vùng hiện nay trong lưu vực sông Mekong, MRC là tổ chức có lịch sử hợp tác lâu dài nhất, có mạng lưới giám sát, hỗ trợ kỹ thuật ổn định, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, đồng thời là tổ chức có chức năng xây dựng các khung pháp lý vùng, bao gồm những quy chế có tính ràng buộc cao đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Trong 15 năm qua, MRC đã đạt được những thành quả nổi bật: Xây dựng khung pháp lý sử dụng tài nguyên nước và tăng cường đối thoại về phát triển tài nguyên nước trong vùng, đặc biệt thúc đẩy quá trình quy hoạch toàn lưu vực có tính điều phối thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nghiên cứu thủy sản và đa dạng sinh học thủy sinh, đưa ra hỗ trợ quyết định môi trường; mở rộng và tăng cường mạng giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy quản lý và giảm nhẹ tác động của lũ lụt và hạn hán; giúp các quốc gia thành viên mở rộng các cơ hội thương mại quốc tế thông qua phương tiện giao thông thủy an toàn, hiệu quả hơn và các khuôn khổ pháp lý cho giao thông thủy xuyên biên giới, xác định sự cân bằng giữa các cơ hội và nguy cơ của các dự án thủy điện đang được kiến nghị, khởi động quá trình giúp đỡ người dân trong lưu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác giữa MRC với các đối tác khu vực, vùng và quốc tế, bao gồm, các đối tác đối thoại (Trung Quốc và Mianma) và các đối tác phát triển khác. MRC đang bước vào năm cuối cùng của Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2006 - 2010 và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn năm năm tiếp theo, từ 2011 đến 2015.

Ðối với Việt Nam, Hiệp định Mekong 1995 là cơ sở pháp lý quan trọng  (và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong) để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Việt Nam luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mê Công, tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong Ủy hội, đóng góp tích cực nhất cho các chương trình hoạt động của Ủy hội cả về kinh phí, chuyên gia và thông tin số liệu.

Hiệp định Mê Công 1995 còn có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công và các quốc gia khác trong khu vực.

 

(Theo Báo Nhân dân)

  • WikiLeaks công bố đoạn băng lính Mỹ thảm sát dân thường Iraq
  • Thánh địa Mecca có đồng hồ lớn gấp 6 lần Big Ben
  • Cuộc rượt đuổi con tàu triệu đô
  • Nàng Mona Lisa cũng phải... cười!
  • Chuyện bảo vệ chính khách: Vệ sĩ Bắc Kinh
  • Sa bẫy?
  • Nhà khoa học hạt nhân Iran làm gián điệp cho CIA
  • 3 tỷ đồng cho một quan tài mạ vàng!