Với mong muốn đi qua trọn vẹn miền Phật tích để thực hiện một bộ phim ký sự truyền hình nhiều tập về những thánh tích Phật giáo ngàn năm tuổi, những câu chuyện kỳ bí của các đền đài cổ nằm trải dài qua hai quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Nepal, những người làm phim của SGTT Film đã chọn cách thử nghiệm mới trong việc thực hiện thiên ký sự truyền hình…
Như một mẫu số chung, trước khi các đoàn làm phim ký sự truyền hình thực hiện các tập phim dài tập mang chất khám phá, ngoài việc hoàn tất kịch bản phác thảo, dự trù kinh phí và định điểm đến, công đoạn tiếp theo vẫn là kết nối với các công ty du lịch lữ hành quốc tế để nhờ các đơn vị này thiết kế “tour”, lên lịch từng điểm đến quay phim của từng ngày cho quốc gia sắp đến.
Với sự hỗ trợ về vận chuyển giữa Việt Nam và hai quốc gia Ấn Độ, Nepal của hãng hàng không Thai Airways, đoàn làm phim ký sự Đi qua miền Phật tích của SGTT Film đã lên đường mà không đưa ra bất cứ lịch trình quay phim cụ thể ở thành phố nào, địa danh nào, với sự tự lực cánh sinh, những người làm phim trẻ muốn thu vào ống kính những hình ảnh chân thật và đầy kịch tính nhất trên chặng đường ngàn dặm đi qua “Con đường Phật tích”. Phương tiện di chuyển là xe đò và rất nhiều chặng phải ngồi trên nóc xe lửa, cùng sống cùng chia sẻ những khó khăn nhọc nhằn trong cái nóng 40 – 500C với những người hành hương trong căn nhà trọ tồi tàn hay mái hiên chùa trong suốt hành trình đi qua đất Phật. Những người làm phim đã có một hành trình kỳ lạ nhưng vô cùng sống động không chỉ với những đền đài, di tích Phật giáo, mà còn với cuộc sống đời thường của người dân ở các vùng đất xa xôi Gaya, Rajgir, Varanasi, Gorakhpur, Lumbini…
Nếu như ở Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) để cảm nhận cận cảnh giáo lý Phật giáo “chư hành là khổ”, đoàn làm phim đã có nhiều câu chuyện thú vị trên lưng ngựa như người xưa ngàn năm đã hành hương viếng ngôi đền có tên Mahabodhi trong tiếng Pali có nghĩa là Giác Ngộ Tự; thì ở Varanasi, ngôi cổ thành có đến 3.500 năm tuổi – thành phố linh thiêng bậc nhất của người Hindu, những người làm phim đã có những thước phim cận cảnh nghi thức hoả táng ở hai ghat (bến nước) Harishchandra và Manikarnika. Nơi mà người Ấn tin rằng ngọn lửa hoả táng của ghat Manikarnika chưa bao giờ tắt từ suốt hơn 2.000 năm qua, vì người Hindu giáo tin đây chính là ghat linh thiêng nhất trong tất cả các ghat ở sông Hằng.
Hai mươi tập phim của ký sự truyền hình Đi qua miền Phật tích do SGTT sản xuất sẽ được trình chiếu vào đầu tháng 10 trong chuyên mục Vietnam Discovery của tạp chí truyền hình Việt Nam ngày nay phát sóng lúc 18 giờ hàng ngày trên kênh VTV4 (phát lại lúc 12 giờ ngày hôm sau). |
Nói theo biên tập viên Lam Phong, người chịu trách nhiệm chính về nội dung và kịch bản của thiên ký sự Đi qua miền Phật tích: “Hành trình đi qua miền thánh tích Phật giáo của hai quốc gia Ấn Độ và Nepal với chúng tôi là cuộc vượt qua ngàn nẻo khổ ải nhất trong cuộc sống thường nhật nơi đây, nhưng với chúng tôi đó là con đường hạnh phúc. Phật đã từng dạy “Đời là bể khổ” đó sao?”
Trên đường đến Lâm Tì Ni – một trong bốn “Tứ động tâm” của miền đất Phật bằng chuyến xe buýt ọp ẹp mà tuổi của xe người bản xứ gọi đùa là “bằng tuổi ông ngoại”, để rồi cuối cùng phải vượt biên giới Nepal trên những chiếc xe rickshaws – một dạng xe lôi ba bánh, những người làm phim đã vượt qua không chỉ cái đói, cái khát và cả sự cô đơn không một mái nhà ẩn trú trong đêm để rồi được ngả mình trong ngôi chùa Hàn Quốc trong sự giúp đỡ tận tình của khách hành hương. Một hành trình làm phim đi qua đủ mùi vị của cuộc đời “hỉ – nộ – ái – ố”...
( Theo BINH NGUYÊN // Báo Sài gòn tiếp thị Online )
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com