Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama đã "treo" kế hoạch đưa thêm quân tới Afghanistan. Ông Obama cho rằng, cần xem xét lại chiến lược tại Afghanistan trước khi đưa ra quyết định tăng quân. Ðề nghị tăng quân của các chỉ huy quân đội Mỹ đã đặt Tổng thống Obama vào thế bí, giữa một bên là mong muốn chiến thắng quân sự và một bên là ý dân. Cuộc chiến tranh kéo dài tám năm qua ở Afghanistan là một thách thức lớn đối với ông Obama. Lòng tin của dư luận Mỹ cũng như đảng Dân chủ của ông Obama đã bị xói mòn trước sự trỗi dậy của lực lượng Ta-li-ban và những hoài nghi về ban lãnh đạo Afghanistan cũng như sự can dự ngày càng lớn của Mỹ tại nước này. Theo thăm dò dư luận cuối tháng 9 của Gallup, 50% số người Mỹ phản đối tăng quân cho chiến trường Afghanistan. Trước đó, theo thăm dò của truyền hình CNN, số người phản đối cuộc chiến tại Afghanistan đã tăng lên mức kỷ lục 58%. Trong tháng 9, các cố vấn của ông Obama đã phải liên tục giải trình trước QH Mỹ về các mục tiêu của Mỹ tại Afghanistan, trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ muốn quay lưng lại với cuộc chiến tại Afghanistan và đòi rút quân Mỹ khỏi chiến trường này. Nhiều nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang yêu cầu Nhà trắng có đánh giá rõ ràng về hiệu quả của chiến lược mới của Tổng thống Obama được thực hiện sáu tháng qua tại Afghanistan. Tổng thống Obama cho biết, ông hiểu rõ sự chán nản của người dân Mỹ đối với cuộc chiến tại Afghanistan và thừa nhận cuộc chiến này không đơn giản. Ông khẳng định, sẽ không đặt thời hạn chót cho việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan, song sẽ không chiếm đóng vô thời hạn ở chiến trường này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates cũng khẳng định, sẽ là sai lầm nếu Nhà trắng đặt ra thời hạn chót kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan và điều đó sẽ tạo ra một kết cục thảm hại cho Washington tại nước Nam Á này. Ông Gates cũng phủ nhận việc có bất đồng giữa giới tướng lĩnh quân sự nước này với Nhà trắng trong quyết sách đối với cuộc chiến tại Afghanistan, đồng thời cho rằng, ít có khả năng diễn ra thay đổi lớn về chiến lược tại đây. Tuy nhiên, theo tờ Ðiện tín (Anh), sau khi đổ số lượng lớn lính thủy đánh bộ xuống miền nam Afghanistan mấy tháng qua nhưng hiệu quả thấp, Nhà trắng đang xem xét chuyển trọng tâm từ duy trì số lượng binh sĩ lớn trên mặt đất sang sử dụng các cuộc tiến công từ trên không ở Afghanistan. Cách đánh này từng được sử dụng, nhằm hạn chế thương vong cho binh sĩ Mỹ, nhưng lại gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho dân thường Afghanistan, làm tăng căng thẳng giữa Mỹ với chính quyền của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.
Washington cũng đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đồng minh trong NATO giữ cam kết ủng hộ cuộc chiến tại Afghanistan. Tại cuộc họp không chính thức ở Thụy Ðiển cuối tháng 9, bộ trưởng quốc phòng các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc phái thêm quân tới Afghanistan. Họ cho rằng, thay vào đó, EU nên tập trung nỗ lực vào việc huấn luyện cho lực lượng quân sự và cảnh sát Afghanistan. Canada cũng khẳng định sẽ không gia hạn sứ mệnh của lực lượng quân sự nước này tại Afghanistan. Mặc dù Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, NATO sẽ tiếp tục sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng ông Rasmussen cũng không cam kết đưa thêm quân tới chiến trường Afghanistan. Tổng Thư ký NATO cũng nghi ngờ về khả năng Mỹ và NATO sẽ thành công trong việc ngăn chặn Ta-li-ban và các nhóm nổi dậy khác biến Afghanistan thành nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố.
Một vấn đề nữa đang làm Tổng thống Mỹ Obama đau đầu là cuộc bầu cử tổng thống tại Afghanistan diễn ra không suôn sẻ. Ông Obama cho rằng, nếu cuộc bầu cử tổng thống tại Afghanistan không đủ độ tin cậy sẽ khiến nhiệm vụ của Mỹ tại đây trở nên khó khăn hơn nhiều. Trước đó, trên truyền hình NBC, Tổng thống Obama thừa nhận, "cuộc bầu cử ở Afghanistan đã không diễn ra suôn sẻ như mong đợi, có một số vấn đề nghiêm trọng về cách thức tổ chức cuộc bầu cử này tại một số nơi". Giới chuyên gia nhận định các cáo buộc gian lận bầu cử tại Afghanistan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng cố gắng của Mỹ. Nếu đương kim Tổng thống Karzai thắng cử, người dân Afghanistan sẽ coi thắng lợi đó là "sản phẩm do Mỹ đạo diễn" nhằm dựng lên một chính phủ bất hợp pháp. Trái lại, nếu ông Karzai thất cử, điều này sẽ "gạt ra rìa" tộc người Pa-stun, nhóm sắc tộc lớn nhất ở Afghanistan mà ông có quan hệ chặt chẽ. Mục tiêu của Mỹ có thể khó đạt được nếu Chính phủ Afghanistan bị coi là bất hợp pháp. Một số nghị sĩ Mỹ đã bóng gió rằng, có thể giảm ngân sách chi cho cuộc chiến ở Afghanistan nếu không có tiến triển gì rõ rệt.