Gia đình cậu bé Mohammed Abbas sống ở làng Faqua, Bờ Tây. Nơi đây không có hệ thống cấp nước, hệ thống nước thải và cũng chẳng có dự án nào về nước trong thời gian tới. Abbas đang bị bệnh, kèm theo tiêu chảy mãn tính và đây không phải lần đầu tiên bé bị bệnh.
Nước không sạch và đắt đỏ
Cậu bé nằm trên tấm nệm đặt ngay trên sàn nhà, đôi mắt nhắm nghiền, hai tay ôm chặt lấy bụng. Bà Sunna, mẹ cậu bé, nhìn con và nói bà chẳng còn hy vọng gì. Bà tâm sự: “Tôi rất buồn giận vì con trai tôi bị bệnh. Bác sĩ bảo đó là do nước gây ra. Chúng tôi mua nước từ bên ngoài nhưng không biết người ta lấy nước đó từ đâu. Tôi cho các con tôi dùng thứ nước này mặc dù biết rằng nó không sạch. Nhưng tôi có thể làm gì khác bây giờ chứ?”
Theo BBC, không chỉ một mình gia đình bà Sunna có hoàn cảnh đáng thương như vậy. Câu chuyện của bà hiện đang ngày càng trở nên phổ biến ở Bờ Tây. Tên làng của bà, Faqua, tiếng Ả Rập có nghĩa là bong bóng nước suối. Tuy nhiên, chuyện thiếu nước ở đây đã xảy ra từ lâu. Dân làng Faqua vẫn kêu than rằng họ phải bỏ ra nhiều tiền để mua nước để dùng.
Hội đồng làng cho biết hầu hết nguồn nước ngầm đều thuộc quyền sở hữu của phía Israel. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Israel chiếm hữu 80% nước khoan từ tầng ngậm nước trên núi cho công dân Israel sử dụng. Người Palestine hưởng phần còn lại nhưng như thế không đủ.
Ở làng Faqua có một xe bồn chở nước đến tận sân nhà nào có yêu cầu. Dòng nước trông đục ngầu được bơm vào bể nước ngầm ở các gia đình. WB cảnh báo thứ nước này kém chất lượng nhưng người Palestine vẫn phải mua nó với giá đắt đỏ.
Thiếu công bằng
Thứ nước không sạch đó khiến người dân mắc bệnh. Trong khi đó, tình trạng thiếu nước đẩy giá cả cao hơn. Từ đó, cuộc sống cư dân nơi đây đã khó khăn lại thêm gay go hơn. Theo truyền thống, các làng mạc của người Palestine sống dựa vào nghề nông. Các cánh đồng ở làng này cằn cỗi, khô hạn. Và để làm nông nghiệp, tất nhiên là họ cần có nước.
Đứng trên ngọn đồi ở làng Faqua, Ahmad Abu Salamah, một nông dân Palestine, chỉ cho thấy những cánh đồng tươi tốt của một người Israel bên cạnh. Ông nhấn mạnh: “Ở vùng đất này, nước cũng là tâm điểm của xung đột. Bất kỳ biện pháp giải quyết xung đột nào cũng phải bao gồm sự phân phối nước công bằng”.
Nước đã trở thành một thứ hàng hóa khan hiếm và đắt đỏ đối với người Palestine.
Ảnh: GETTY IMAGES
Tuy nhiên, trước tình hình đó, theo BBC, Israel quả quyết người Palestine mới là nguyên nhân. Theo đó, làng Faqua chưa bao giờ làm đơn tham gia vào hệ thống nước. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền nói khác. Ông Sarit Michaeli, làm việc cho tổ chức B’tselem, khẳng định: “Israel cung cấp nước theo nhu cầu cho bất cứ người Israel nào, kể cả các cư dân sống ở Bờ Tây.
Người Palestine có quyền sử dụng nước. Đó là quyền cơ bản theo luật quốc tế. Thế nhưng, họ thường bị phân biệt đối xử trong việc phân phối loại tài nguyên này. Toàn bộ khu vực này đều khan hiếm nước, nhưng lượng nước ít ỏi cần phải được chia đồng đều cho người Israel và người Palestine”.
Thiếu cả tiền
Munir Sallah, một người dân Palestine, bộc bạch: “Chúng tôi cần nhiều tiền để mua nước. Chúng tôi phải chi tiêu quá nhiều cho nước nên không còn tiền để chi cho các nhu cầu khác, chẳng hạn như thực phẩm. Vì thế, chúng tôi không thể ăn đủ chất, cũng như không sử dụng điện nhiều được”.
(Theo NGÔ SINH // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com