![]() |
Đèn đêm của Tokyo vẫn rực rỡ song tương lai của nước Nhật đang mờ dần. Ảnh: Wikipedia. |
Chỉ vài ngày nữa Nhật Bản sẽ tiến hành tổng tuyển cử mà theo thăm dò dư luận người dân Nhật Bản, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đương quyền có khả năng thất bại, một phần do không tìm được đường lối phát triển Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi trọng đại.
Nhật Bản bước vào cuộc bầu cử lịch sử trong tình trạng rơi tự do. Bị trì trệ từ những năm đầu thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản đã tụt dốc không phanh trong quí 1 năm nay, giảm 15,2%.
Các tập đoàn xe hơi như Toyota, Nissan và Honda - một thời là tâm điểm của phép lạ công nghiệp Nhật Bản - đã phải chứng kiến xuất khẩu giảm 70%, phải đóng cửa nhà máy để giảm hàng tồn kho. Bởi vì ví tiền quyết định lá phiếu nên người dân Nhật có vẻ như sẵn sàng chia tay đảng Dân chủ Tự do (LDP) đương quyền sau nửa thế kỷ gắn bó.
Cuộc thay bậc đổi ngôi
Trong lúc này, Trung Quốc đã bắt đầu thách thức vị trí của Nhật Bản như là nền kinh tế dẫn đầu châu Á. Bắc Kinh vừa khởi động một chương trình xây dựng ngành công nghiệp xe hơi sạch, một lĩnh vực mà Nhật Bản đang dẫn đầu.
Vài nhà phân tích Nhật Bản so sánh dự án xe hơi sạch của Trung Quốc với chương trình vệ tinh Sputnik của Liên Xô cũ, chương trình đã lật đổ sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật những năm 1950.
Cũng đáng lưu ý như vậy là việc Trung Quốc gần đây ồn ào đòi thay thế đồng đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ quốc tế duy nhất, bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch tài chính trong vùng, buộc các chính trị gia Nhật Bản phải nhìn thấy một mối đe dọa trực tiếp đối với đồng yen Nhật.
Nỗi lo ngại tăng lên trong tháng 7, khi các quan chức cấp cao của Trung Quốc đến thủ đô Washington DC của Mỹ để tiến hành cuộc “đối thoại chiến lược” cấp cao. “Sự kiện này tạo ra những mối nghi ngờ, vì người Nhật cảm thấy mình cần phải được tham dự vào mọi cuộc bàn bạc về an ninh khu vực”, ông Shinzo Kobori, thành viên Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế ở Tokyo, nói.
Vì thế Nhật Bản đang chuẩn bị một chính phủ mới có thể đối phó lại nỗi lo rằng đất nước này đã bị loại ra khỏi cuộc đua chính trị và kinh tế ở châu Á, sớm đứng thứ hai sau Trung Quốc. Mọi việc xảy ra thật nhanh. Hồi đầu thập niên này, kinh tế Nhật Bản vẫn lớn gấp bốn lần Trung Quốc, nhưng những năm gần đây, Trung Quốc có vẻ sẽ vượt qua Nhật trong năm 2010 hoặc sau đó ít lâu.
Bây giờ Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 8% mỗi năm còn Nhật Bản đang co lại. Các nhà bình luận ở Nhật Bản phải thừa nhận rằng sự thay bậc đổi ngôi có thể diễn ra sớm hơn nữa. “Thật chẳng có ý nghĩa gì khi cứ nói mãi chuyện cạnh tranh với Trung Quốc [để giành vị trí dẫn đầu duy nhất ở châu Á] khi mà nền kinh tế của họ sẽ vượt qua chúng tôi vào năm tới”, ông Kobori nói và nhắc lại ý kiến của các nhà văn, trí thức, học giả và kể cả các chính trị gia trẻ tuổi ở Nhật Bản.
Có một sự đồng thuận miễn cưỡng rằng Nhật Bản phải tìm ra một vai trò mới. Từ cuộc cải cách của Minh Trị Thiên Hoàng thập niên 1860 cho đến nay, Nhật Bản “có một mục tiêu duy nhất là đuổi kịp các nước phương Tây và được chấp nhận là một cường quốc. Họ đã đạt được điều này trong những năm 1980 nhưng đã không nghĩ ra cách gì để thực hiện lại điều đó. Nhật Bản bây giờ là một đất nước mệt mỏi”, Giáo sư Gerald Curtis, trường Đại học Columbia và cũng là một nhà Nhật Bản học, nhận xét.
Mô hình kinh tế cũ: làm việc cật lực, tiết kiệm tối đa để xuất khẩu ra các nước phương Tây, đã hoàn toàn sụp đổ. (Các nước xuất khẩu hàng đầu khác như Đức cũng bị tác động mạnh bởi cuộc suy thoái toàn cầu, khi tất cả các nước tiêu dùng giàu có ở phương Tây bắt đầu đi vào một thời kỳ dài phát triển chậm lại và giảm bớt nhu cầu tiêu thụ.) Khi châu Á nổi lên là “trung tâm kinh tế toàn cầu, guồng máy tăng trưởng mới của khu vực thì Nhật Bản phải nghĩ ra cách đặt mình vào trung tâm của trung tâm kinh tế đó,” ông Curtis nói.
Mô hình nào cho Nhật Bản?
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập chủ trương Nhật Bản là cường quốc khu vực châu Á, và không còn là quốc gia chỉ gắn bó với phương Tây nữa. Nhà lãnh đạo DPJ, ông Yuko Hatoyama, là người phản đối thị trường tự do toàn cầu trong đó Nhật Bản có thời là một thành viên viên mãn. Ông đổ lỗi cho “chủ nghĩa toàn cầu” và “những nguyên tắc cơ bản của thị trường tự do do Mỹ dẫn đầu” là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại.
Tầm nhìn của ông đầy sự hướng nội, tăng sức mạnh đoàn kết trong nước bằng các chương trình phúc lợi xã hội tốt hơn, nhiều lương hưu và tiền nuôi con hơn, trong khi tái tập trung các chiến lược thương mại và đầu tư của Nhật Bản vào khu vực Đông Á. Tuy nhiên, đáng chú ý là cương lĩnh của DPJ không nói gì đến “tăng trưởng” cho tới khi họ bị đảng LDP cầm quyền chỉ trích, vì cho rằng duy trì mức sống thoải mái ở Nhật Bản là điều không thể thực hiện nếu kinh tế không tăng trưởng.
Trí thức Mỹ và Nhật đã so sánh vị trí mới của Nhật Bản với Canada hay Thụy Sỹ - tức là các nước giàu, có quyền lực song đã học được cách phát triển bên cạnh các láng giềng to lớn. Vấn đề là ở chỗ Nhật Bản sẽ rất đau đớn nếu đi theo cách của Canada, đất nước có nền kinh tế nhỏ hơn ba lần, và có các mối quan hệ với Mỹ phẳng lặng hơn là quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Các cường quốc châu Á có lịch sử cay đắng từ thời Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc trong Thế chiến thứ 2 và thường xung đột quyền lợi về kinh doanh và phòng thủ.
Những người khác gợi ý rằng hình mẫu kiểu Pháp có vẻ phù hợp hơn - Pháp và Đức là hai nước giàu, cùng lãnh đạo một liên minh khu vực hùng mạnh. Nhật Bản và Trung Quốc có thể cùng đóng vai trò này ở châu Á. Đảng DPJ thậm chí còn đề nghị áp dụng cách trợ cấp cho trẻ em kiểu Pháp để tăng mức sinh sản của người Nhật, khôi phục một số động lực kinh tế mà Nhật bị mất đi khi trở thành đất nước có tỷ lệ người già trong dân số cao nhất thế giới.
![]() |
Thủ tướng Taro Aso (đảng LDP) bỏ phiếu sớm vào ngày 25-8-2009. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu sinh ra từ Cộng đồng than đá và thép châu Âu, một sự hợp tác Pháp - Đức sau chiến tranh để chia sẻ nguồn nguyên liệu; còn Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn đang tranh giành quyền khai thác dầu hỏa ngoài biển và tranh cãi về những hành động tàn bạo trong Thế chiến thứ 2. Cách biệt lớn về thu nhập hàng năm - 34.080 đô la Mỹ của một người Nhật và 2.000 đô la Mỹ của một người Trung Quốc - cũng làm cho hai nước khó hợp tác để lãnh đạo khu vực như là Pháp và Đức.
Cho dù vậy, lợi ích từ một chiến lược khu vực năng động là rõ ràng - nước Pháp chẳng hạn, đã tăng thu nhập bình quân lên 42% từ khi Liên minh châu Âu hình thành năm 1993, và không ai hoài nghi họ đã có nhiều lợi lộc từ việc đẩy mạnh thị trường chung. Nhật Bản cũng có thể làm như vậy.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán tổng sản lượng GDP của các thị trường mới nổi, dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ vượt qua khối G7 trong năm 2027, sớn hơn một thập kỷ so với dự đoán trước đây. Năm 2010, Trung Quốc sẽ đóng góp 30% mức tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu, gần gấp đôi của Mỹ. Người Nhật, từ trước đến nay vẫn tập trung vào mối quan hệ kinh tế với Mỹ và châu Âu, đang dần nhận ra rằng tốt hơn hết họ nên đi cùng chuyến tàu này.
Hội nhập khu vực là lời giải
Tăng trưởng là mệnh lệnh, cho dù đảng DPJ có thừa nhận hay không. Các nhà kinh tế thường nói, người Nhật phải làm sao đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, vốn không hề thay đổi trong nhiều thập kỷ qua, để bù vào chỗ xuất khẩu sụt giảm. Nhưng thị trường nội địa Nhật đang co lại. Dân số Nhật lên đến đỉnh vào năm 2004 với 128 triệu người nhưng dự báo sẽ giảm xuống 90 triệu người vào năm 2055. Tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động với người già ở Nhật đã giảm từ 8/1 năm 1975 xuống mức 3/1 năm 2005, và sẽ xuống 1,3/1 trong năm 2055.
Điều này có nghĩa là “sẽ không có hình mẫu khả thi để tăng lượng tiêu thụ nội địa”, ông Kobori nói. Nhật đã chi 5% GDP vào gói kích cầu nhưng vẫn chưa có gì xảy ra; Mỹ chỉ bỏ 2% và kinh tế Mỹ đang phục hồi. Theo ông Kobori, “Điều mà chúng tôi cần là một mô hình mới dựa trên sự hội nhập khu vực. Nếu như chúng tôi không tìm ra mô hình đó, chúng tôi sẽ gặp khó khăn lớn.”
Doanh nhân Nhật Bản cũng đang tìm một mô hình. Trong các cuộc viếng thăm gần đây đến các công ty lớn ở Nhật, Giáo sư Curtis nhận ra rằng các nhà quản lý ít nhắc đến naiju (nhu cầu nội địa) hơn là jun-naiju - một từ ngữ mới có nghĩa là nhu cầu ở khu vực nội địa châu Á. “Ý tưởng là, để hòa nhập Nhật Bản vào thị trường “nội địa” mới và đang phát triển của châu Á, họ không chỉ cần bán hàng cho giới trung lưu Trung Quốc và Đông Nam Á mà còn phải tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào các công ty châu Á; tự do hóa các thị trường nhập khẩu và xuất khẩu, đặc biệt là ở các lĩnh vực khép kín như nông nghiệp, hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và các nước kém phát triển hơn trong các lĩnh vực như môi trường, công nghệ và năng lượng”, ông Curtis nói.
Trong những năm gần đây, buôn bán của Nhật với Trung Quốc đã tăng nhanh; năm 2000, xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ nhiều gấp năm lần sang Trung Quốc, bây giờ thì hai con số gần như bằng nhau (mặc dù cần phải chú ý rằng phần lớn hàng xuất khẩu từ Nhật vào Trung Quốc là linh kiện kỹ thuật cao để lắp ráp chứ không phải là sản phẩm hoàn chỉnh). Dòng chảy thương mại có thể tăng lên nữa nếu Nhật Bản bãi bỏ các rào cản thương mại và khuyến khích xuất khẩu nhiều hơn. Các nhà sản xuất Nhật Bản đã bắt đầu dồn tiền cho nghiên cứu và tiếp thị sản phẩm tới khách hàng châu Á hơn là khách hàng phương Tây để thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường khu vực xe hơi Nhật Bản và hàng hóa tiêu thụ cao cấp.
Cương lĩnh của đảng DPJ kêu gọi gia tăng viện trợ để phát triển châu Á như là một phương cách để thúc đẩy người tiêu dùng trung lưu.
Châu Á không chỉ có Trung Quốc
Ở những phương diện khác, Nhật Bản chủ yếu vẫn hướng tới phương Tây. Nhật là một trong bốn nhà đầu tư hàng đầu ở Trung Quốc, nhưng vẫn đổ số vốn đầu tư lớn gấp ba lần vào các nhà máy ở Mỹ. Các chuyên gia nói rằng Nhật có xu hướng coi Trung Quốc chỉ là nơi gia công các sản phẩm cấp thấp, và rất sợ bị đánh cắp tài sản trí tuệ ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ mất tất cả nếu ý tưởng của họ bị đánh cắp.
Mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc cũng cần chút ít tin tưởng. Đã có vài dấu hiệu tốt. Các nhà lãnh đạo đảng DJP nói rằng họ sẽ không tiếp tục viếng thăm đền Yasukuni, nơi các tội phạm chiến tranh được thờ cùng với binh lính chết trong Thế chiến thứ 2. Và hai nước này mới đây đã ký thỏa thuận tăng cường sức mạnh đồng tiền dự trữ châu Á - đưa một lượng bằng nhau tiền yen Nhật và nhân dân tệ Trung Quốc vào rổ dự trữ, cho thấy nỗ lực hợp tác ở châu Á.
Đối với Nhật Bản, sự phát triển châu Á có ý nghĩa nhiều hơn việc thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Các quan chức và doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với Úc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Mới đây Công ty Daiichi Sankyo của Nhật đã mua lại Công ty Dược Ranbaxy của Ấn Độ - vụ sáp nhập có tiếng nhất của Nhật Bản ở khu vực châu Á. Ấn Độ cũng đã thay thế Trung Quốc ở vị trí nước được nhận nhiều viện trợ từ Nhật Bản nhất. Viện trợ của Nhật Bản cho các nước ASEAN cũng tăng lên.
“Người Nhật đầu tư ngày càng nhiều vào Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia để cân bằng sự phát triển của Trung Quốc” ông Michael Green, Chủ tịch Nhật Bản tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói. Ông còn cho biết Nhật Bản đã tích cực vận động để mời thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand vào Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, tổ chức lần đầu vào năm 2005, để “cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Sự chú trọng mới của Tokyo vào châu Á có thể giúp tạo dựng lại hình ảnh của Nhật như là một cường quốc. Trở thành “trung tâm của trung tâm phát triển toàn cầu” như ông Curtis nói, có thể làm cho Nhật có vai trò quan trọng hơn trong ngoại giao và chính trị toàn cầu. Quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc có thể biến Nhật Bản thành tấm đệm giữa Mỹ và Trung Quốc và giảm bớt sự bảo hộ của Mỹ.
Nhưng Nhật Bản luôn là một cường quốc chỉ đơn thuần trong lĩnh vực kinh tế; để lấy lại ảnh hưởng toàn cầu, họ cần trở lại với mức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu trong thế giới thật. Đó không phải là điều mà các nhà lãnh đạo kế tiếp của Nhật - cho dù thuộc đảng LDP hay đảng DPJ - nói đến. Họ chỉ mơ đến các mô hình cường quốc bậc trung.
(Theo Phương Huỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Newsweek)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com