![]() |
Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama |
Số phận của căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Okinawa đang ngày càng trở thành vấn đề lớn, không chỉ là trở ngại trong quan hệ giữa 2 đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật, mà còn đẩy Thủ tướng Yukio Hatoyama vào thế khó khăn, vừa mất uy tín trong dân chúng Nhật Bản, vừa bị đồng minh Mỹ phiền lòng. Ông Hatoyama mong muốn giải quyết vấn đề một cách êm thấm, đảm bảo quyền lợi của cả đôi bên, nhưng mọi chuyện không đơn giản.
Vấn đề di chuyển hay đóng cửa căn cứ thủy quân lục chiến Futenma trên đảo Okinawa đã được xới lại khi ông Hatoyama và đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông giành được thắng lợi ngoạn mục trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 8/2009, nhờ đó ông lên làm Thủ tướng.
Với quan điểm xích lại gần hơn với châu Á, hạn chế phụ thuộc vào đồng minh Mỹ, ông Hatoyama đã tuyên bố sẽ "xét lại" một thỏa thuận giữa chính phủ tiền nhiệm với Washington vào năm 2006, đồng thời đánh giá lại toàn bộ sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa theo hướng thu hẹp quy mô hơn nữa. Theo thỏa thuận 2006, căn cứ Futenma sẽ được di dời đến một địa điểm ít dân cư hơn ở miền Bắc đảo Okinawa, đồng thời 8.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ cũng sẽ được thuyên chuyển bớt về căn cứ ở Guam. Chính phủ Nhật sẽ chịu 60% chi phí cho việc di dời này. Trong thời gian chờ xây dựng căn cứ mới, để hạn chế bớt ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh, căn cứ Futenma hiện tại cũng chỉ được phép sử dụng 1 đường băng cất, hạ cánh cho máy bay, thay vì 2 như trước đây. Thế nhưng, thỏa thuận đó đã gặp phải sự phản đối gay gắt của cư dân trên đảo Okinawa, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của hoạt động căn cứ Futenma, những sự cố, tai nạn xuất phát từ căn cứ đó và cả những tệ nạn do binh lính Mỹ gây ra. Công chúng trên toàn nước Nhật - vốn từ lâu đã chán ghét sự lệ thuộc của chính phủ nước mình vào người Mỹ, cũng không muốn căn cứ này tiếp tục tồn tại trên đất Nhật. Một làn sóng bài xích, phản đối căn cứ Futenma cũng xuất hiện suốt từ khi chính phủ 2 nước Mỹ - Nhật đàm phán về tương lai của căn cứ này cách nay hơn một thập niên. Người dân đảo Okinawa muốn căn cứ Futenma phải đóng cửa; còn giới chính khách cấp tiến, trong đó có đảng cầm quyền DPJ và các đồng minh, thì muốn Mỹ rút toàn bộ nhân sự và khí tài của căn cứ Futenma ra khỏi đảo Okinawa, càng xa càng tốt! Okinawa thế là đã trở thành gút mắc lớn trong quan hệ Mỹ - Nhật. Đến thăm Nhật hồi tháng 10/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhấn mạnh rằng: "Xem xét lại (thỏa thuận Okinawa) chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và gây hậu quả xấu". Trong chuyến công du của Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Tokyo hồi tháng 1/2010, Okinawa lại là đề tài nóng, là trọng tâm các cuộc hội đàm giữa bà Clinton với Thủ tướng Hatoyama và Ngoại trưởng Katsuya Okada. Căn cứ thủy quân lục chiến Futenma trên đảo Okinawa là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trên đất Nhật. Nó chứa đến 47.000 trên tổng số 50.000 quân Mỹ trú đóng tại đất nước Mặt trời mọc. Căn cứ này ra đời từ sau Chiến tranh thế giới lần II, sau khi Chính phủ Nhật ký với Washington một hiệp ước an ninh, theo đó Mỹ đứng ra "bảo hộ an ninh" cho Nhật, đổi lại, Nhật cho phép Mỹ sử dụng đất đai trên hòn đảo Okinawa để xây dựng căn cứ trú đóng quân đội. Căn cứ Futenma trên đảo Okinawa.
Buộc người Mỹ dời quân khỏi đảo Okinawa chẳng khác nào bảo họ từ bỏ châu Á: Thái Bình Dương, vì vị trí đặc biệt quan trọng của đảo Okinawa trong chiến lược an ninh của Mỹ đối với khu vực này. Những biến động liên tiếp trong thập niên 50 thế kỷ XX càng khiến Mỹ xem Okinawa là hòn đảo không thể thiếu trong chiến lược kiểm soát khu vực Đông Bắc Á và làm bàn đạp can thiệp vào các chiến trường Việt Nam và Triều Tiên.
Ngay cả sau khi Okinawa được chuyển giao về tay Chính phủ Nhật vào năm 1972, căn cứ quân sự Futenma vẫn là "của nợ" bất khả xâm phạm của người Mỹ trên đất Nhật, đơn giản vì Chiến tranh lạnh vẫn còn, và những tham vọng của người Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng chưa dứt. Thế nhưng khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, mọi chuyện vẫn không thay đổi...
Vấn đề căn cứ Futenma đang khiến cho Thủ tướng Hatoyama phải chịu sức ép lớn từ cả hai phía. Đầu tháng 3/2010, ông Hatoyama đã tự ra một thời hạn chót là vào tháng 5/2010 sẽ đưa ra hướng giải quyết dứt điểm vấn đề "di chuyển" hay "đóng cửa" căn cứ Futenma.
Cũng vì vấn đề căn cứ Futenma mà uy tín của ông Hatoyama hiện đã xuống thấp hơn nữa. Hiện nay, tỉ lệ ủng hộ chính phủ của ông Hatoyama đã giảm thêm vài điểm so với cách đây 2 tháng, chỉ còn khoảng 36%. Tuy chưa phải là mức thấp kỷ lục, song tỉ lệ này cũng đủ nói lên một điều rằng dân chúng Nhật đang rất thất vọng và hoài nghi vềkhả năng lãnh đạo của ông Hatoyama.
Không chỉ làm lung lay chiếc ghế Thủ tướng của ông Hatoyama, sự thất vọng này còn đang đe dọa cả khả năng giành chiến thắng của đảng DPJ tại cuộc bầu cử Thượng viện Nhật dự kiến vào tháng 7/2010.
Nếu ông Hatoyama không thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng cho căn cứ Futenma vào hạn chót tháng 5 tới, rất có thể không chỉ ông buộc phải từ chức (như đã tuyên bố trước báo giới), mà còn ảnh hưởng làm cho DPJ khó kiếm được ưu thế trước đảng đối lập LDP tại cuộc bầu cử Thượng viện sau đó 2 tháng
(Theo An Châu // Báo Công an nhân dân Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com