Sau bao nhiêu năm chờ đợi và ao ước, rốt cuộc giáo sư Robert Edwards – cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – đã được Ủy ban Nobel tưởng thưởng
![]() |
Giáo sư Robert Edwards, Louise Brown và con trai của cô. Ảnh: PressTV |
“Quá chậm” - đó là ý kiến chung của giới y khoa thế giới. Nó lại đến vào một thời điểm không thuận lợi cho giáo sư Robert Edwards, nhà nghiên cứu sinh vật học lỗi lạc của Anh.
Bởi ở tuổi 85, ông không có nhiều hy vọng đến Stockholm, thủ đô Thụy Điển, vào cuối năm nay để nhận huy chương vàng và tấm ngân phiếu 10 triệu kronor (30 tỉ đồng) vì lý do sức khỏe.
Người đi trước thời đại
Bác sĩ Patrick Steptoe, đồng tác giả công trình này, cũng không hưởng được vinh quang vì ông đã qua đời năm 1988. Theo quy định của ủy ban, người chết không được trao giải.
Bảy năm trước, Robert Edwards, giáo sư danh dự khoa sinh sản Trường Đại học Cambridge danh giá, có nói vui với đồng nghiệp rằng ông không áy náy nếu không được phong tước Hiệp sĩ Hoàng gia Anh nhưng “Nếu quý vị có thể tổ chức trao giải Nobel thì hãy làm ngay bây giờ”.
Ngày 4-10 vừa qua, mong ước cuối đời của giáo sư đã được toại nguyện. Nhưng giáo sư quá yếu để có thể tổ chức ăn mừng, tận hưởng niềm vui với những người thân và đồng nghiệp. Thậm chí ông không thể trả lời phỏng vấn báo chí.
Sự nghiệp khoa học của giáo sư Robert Edwards là một bi kịch kéo dài mấy chục năm, một cuộc đấu tranh bền bỉ chống lại những định kiến trong xã hội, giới y khoa và nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Ông Martin Johnson, giáo sư khoa sinh sản Trường Đại học Cambridge, nhận xét rằng sở dĩ giáo sư vất vả với công trình khoa học đầy nhân văn đem lại niềm vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn vì ông là “người đi trước thời đại”.
Trước khi giáo sư Edwards nghiên cứu và thực hành thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, viết tắt theo tiếng Anh là IVF, trên thế giới có 10% cặp vợ chồng mắc bệnh vô sinh mà y học lúc bấy giờ bó tay.
Khi bắt tay nghiên cứu bí ẩn của sự thụ tinh ở con người từ cuối thập niên 1950, giáo sư Edwards rất quan tâm đến vấn đề vô sinh. Ông ước mơ làm thế nào để giúp những người đang tuyệt vọng có con nhờ sự trợ giúp của y khoa.
Làm công tác nghiên cứu ở Trường Đại học Cambridge, sau hàng trăm lần thất bại, năm 1969, giáo sư Edwards mới có thể chính thức báo cáo lần đầu rằng đã thực hiện được việc cho trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh bên ngoài cơ thể.
Để thực hành, ông cần một bác sĩ giải phẫu khoa sinh sản. Năm 1968, ông gặp người cần gặp là bác sĩ Patrick Steptoe - người đi tiên phong về giải phẫu nội soi - trong một hội nghị của Hiệp hội Sinh sản.
Hai tư tưởng lớn gặp nhau đã phát triển kỹ thuật IVF trong 10 năm trời với hàng trăm lần thất bại mà không có sự trợ giúp của chính phủ. Trái lại, hai ông phải đối phó với những chỉ trích kịch liệt.
Năm 1971, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Chính phủ Anh nhận định rằng công trình nghiên cứu của giáo sư Edwards có thể dẫn đến tăng quá đông dân số toàn cầu cho nên đã quyết định từ chối hỗ trợ tài chính.
Bản thân hai ông cũng bị vùi dập liên tục. Trong chuyên san Nature Medecine năm 2001, giáo sư Edwards kể lại: “Chúng tôi bị các nhà đạo đức gièm pha. Họ dự báo chúng tôi tạo ra những đứa bé quái dị. Riêng bác sĩ Steptoe bị chỉ trích kịch liệt về giải phẫu nội soi. Thậm chí ông bị cô lập trong những hội nghị chuyên đề”.
Sau 40 lần chuyển phôi vào buồng tử cung của người mẹ nhưng thai không đậu, năm 1976, ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới thành công, thai đậu, phát triển bình thường và được hai ông chính thức báo cáo. Tuy nhiên, ca đặc biệt này lại thất bại vì thai đậu ngoài tử cung.
Mãi một năm sau, vào lúc 23 giờ 47 phút ngày 25-7-1978, Louise Brown, “em bé ống nghiệm” đầu tiên chào đời tại Bệnh viện Đa khoa Oldham, tạo nên một kỳ tích trong lịch sử y văn thế giới.
Louise Brown, hiện nay vẫn sống mạnh khỏe và đã sinh một con trai cũng không mang bệnh tật gì. IVF không tạo ra những quái thú Frankenstein và cũng không làm gia tăng dân số quá nhanh như người ta lo sợ.
Chậm trễ bất bình thường
Ngay cả sau khi phương pháp IVF đã được chứng minh với bằng chứng “em bé ống nghiệm” Louise Brown, hai ông Edwards và Steptoe vẫn gặp khó khăn.
Chính phủ Anh tiếp tục từ chối hỗ trợ. Công trình nghiên cứu đình trệ. Mãi hai năm rưỡi sau, hai ông mới có thể tiếp tục công trình nhờ tài trợ của các quỹ tư nhân. Có thời điểm, hai ông đã tính đến chuyện định cư ở Mỹ để tiếp tục sự nghiệp.
Chính những chuyện rắc rối kể trên đã khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển không dám phiêu lưu. Kể từ năm thành lập giải (1901), Ủy ban Nobel luôn ngấm ngầm tránh né những vấn đề và nhân vật gây tranh cãi.
Phương pháp IVF hiện nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới với kết quả 4,3 triệu người sinh theo phương pháp này. Nó cũng là bệ phóng cho những phát minh sau này như kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) và những công trình đột phá về tế bào trứng.
Tuy nhiên, do chưa hết bị chỉ trích về mặt đạo đức nên Ủy ban Nobel chậm trễ trong việc tôn vinh cha đẻ IVF. Cũng có một lý do khác tuy không được nói ra là quan điểm chính trị khuynh tả của giáo sư Edwards.
Theo nhận xét của nhật báo Mỹ The New York Times, việc Ủy ban Nobel chậm trễ vì cho đến bây giờ phương pháp IVF và những kỹ thuật liên quan vẫn còn gây tranh cãi là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, chậm đến hơn 40 năm là điều “bất bình thường”.
(Theo THẢO HƯƠNG // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com