Trong tiếng Anh, từ “protection” (bảo hộ, che chở) có một ý nghĩa ấm áp và nhân đạo. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, từ ngữ mang ý nghĩa cao đẹp này đang trở thành một khái niệm chứa đựng những mưu đồ nham hiểm và ích kỷ.
Đây là từ đang ngày càng được nhắc nhiều trên các diễn đàn thế giới. Bảo hộ mậu dịch (protectionism) hiện nay là việc một nước áp đặt thuế suất nhập khẩu cao đối với hàng nhập khẩu nào đó để bảo vệ ngành sản xuất các mặt hàng tương tự trong nước. Ngoài áp dụng quota, thuế chống phá giá, nâng cao một số tiêu chuẩn như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ, “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” vừa biến đổi sang một hình thái khác biệt hoàn toàn dưới một vỏ bọc mới – thuế carbon.
Thuế carbon được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ những nước từ chối hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ý tưởng này vừa được Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua và Liên minh châu Âu (EU) hưởng ứng. Tuy nhiên, trong cuộc suy thoái kinh tế hiện nay, công cụ này đang tỏ ra cực kỳ hiểm độc bởi vì các nước công nghiệp đã đưa ra áp lực bất bình đẳng đối với các nước đang phát triển. “Thuế carbon” được các nước phát triển dùng để “đập” vào hàng hóa nhập khẩu từ những nước nghèo hay từ những nền kinh tế có mức lương lao động thấp hơn như Trung Quốc và Ấn Độ. Đánh thuế cao hơn vào hàng nhập khẩu của những nước nghèo sẽ dẫn đến hệ lụy trực tiếp là nghèo đói và thất nghiệp. Việc làm này góp phần trì hoãn cái ngày “thoát cơn bỉ cực” của những nền kinh tế nghèo hơn.
Đây là ví dụ điển hình của “những mục tiêu tốt đẹp nhưng sẽ dẫn đến những hậu quả tồi tệ”. Bởi vì công cụ này liên kết những đồng minh lại với nhau, không chỉ là những “nhà vận động xanh” mà còn là những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, những người theo chủ nghĩa độc quyền, những nhà sản xuất không có năng lực nhưng lại đang cố giấu những yếu kém của mình.
Cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, lãnh đạo nhiều nước đang phát triển khác đã và đang tiếp tục phản đối biện pháp “thuế carbon” vì cho rằng “rào cản” này sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại. Biến cuộc chiến chống thay đổi khí hậu thành cuộc chiến thương mại toàn cầu là cực kỳ nguy hiểm. Những bài học của cuộc đại khủng hoảng thời kỳ 1930 đã dạy cho mọi người rằng, nâng cao hàng rào bảo hộ bằng cách tăng thuế suất sẽ làm hỏng mọi thành tựu trên thị trường thương mại thế giới. Bởi thế, từ đó, hàng loạt các thể chế quốc tế đã được thành lập để duy trì cơ chế thương mại tự do, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Vẫn biết rằng, chống thay đổi khí hậu là vấn đề cấp bách. Nhưng khi mà các cuộc thảo luận về thay đổi khí hậu gần đây chủ yếu chỉ đề cập tới vấn đề chính trị và quyền làm giàu, hơn là vấn đề môi trường, đã khiến cho mục tiêu của cuộc chiến chống thay đổi khí mậu bị bóp méo, bị lợi dụng một cách lộ liễu. Đã đến lúc, không chỉ các diễn đàn kinh tế, mà các diễn đàn môi trường nên cần đặt ra vấn đề chống lại những ý đồ đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch núp dưới danh nghĩa “chống biến đổi khí hậu”.
(Theo XUÂN HẠNH // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com