Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Paparazzi - sự thật sau hào quang và cái đẹp

Ai bị các siêu sao nhổ nước miếng? Paparazzi! Ai bị siêu sao coi là “kẻ thù” nhưng lại vẫn muốn “đội trời chung”? Kẻ oái oăm đó vẫn là Paparazzi!

 
Tượng một paparazzi ở Bratislava (Slovakia)
(Ảnh: Wikipedia)

Sản phẩm của các paparazzi có phải chỉ là những tấm hình “nóng chảy” mang tính chất bề nổi? Họ là đối tượng khai thác chuyện hậu trường của người khác, còn “hậu trường” đời sống của chính các Paparazzi, phải hình dung thế nào?

Chúng ta có thực sự cần đến paparazzi và các tay săn ảnh mang đến sự thật cần có hay chỉ để thỏa mãn cơn khát tò mò?

Những ngõ ngách và luận giải về các tay săn ảnh, phóng viên ảnh báo chí  – được gọi là paparazzi, các “shooter” – sẽ được phơi bày qua loạt bài của Tuần Việt Nam: Chân dung pararazzi với sự thật sau hào quang và cái đẹp.

Đặc biệt, khi ảnh báo chí đang ngày càng được quan tâm tại VN, các tờ báo có hơi hướng kiểu báo lá cải đang mọc lên ngày càng nhiều ở VN thì bàn đến câu chuyện paparazzi (và mở rộng hơn một chút đến các phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia) cũng là "zoom" vào môi trường hoạt động nghề nhiếp ảnh và showbiz Việt Nam, qua góc nhìn của những người trong cuộc.

------

Bài 1: Paparazzi – nửa cái bánh mì hay sự thật phù phiếm?

Paparazzi trước hết gắn với người nổi tiếng, nhưng không chỉ có vậy. Nếu hiểu rộng hơn, theo nghĩa paparazzi là các tay săn ảnh, người chụp hình lén, thì đối tượng này đang xâm nhập vào đời sống và góp phần lột tung sự riêng tư trong đời sống của con người.
 

Chuyện con gà - quả trứng

"Sao" và thợ săn ảnh khó có thể làm bạn (Ảnh: westword.com)


Nhu cầu công khai, phơi bày đời sống riêng tư của con người trên thế giới này có trước và cần đến các paparazzi để thực hiện điều đó; hay đội quân paparazzi hình thành để đưa những chuyện riêng tư, chuyện hậu trường ra ánh sáng? Đó như câu chuyện "con gà quả trứng", khó phân định đâu là "tiền", cái nào là "hậu".
 

Chỉ biết rằng, nơi nào có nhiều "sao", có nền showbiz phát triển mạnh và có hệ thống truyền thông đại chúng hoạt động với độ mở cao, nơi đó có các paparazzi. Tầng lớp "celebrity" (ngôi sao, người có danh tiếng) chính là đối tượng trực diện nhất được các "shooter" săn lùng.

Từ lâu, khi báo chí, truyền thông ở Việt Nam có sự chuyển động theo hướng cởi mở hơn, đặc biệt là sự phát triển của Internet thì độc giả, khán giả trong nước ngày càng quen thuộc với với những tấm ảnh "nóng", "độc và "hiếm" của "sao" nội, ngoại được công bố.

 

Paparazzi là số nhiều của từ paparazzo để chỉ những người chụp ảnh chuyên nghiệp, chuyên săn ảnh của những người nổi tiếng (các ca sĩ, diễn viên...), thường là chụp lén (không xin phép, không được sự đồng ý) khi họ đang có những hoạt động công cộng hoặc riêng tư.

Các hãng thông tấn thường dùng từ này với nghĩa rộng hơn để mô tả các nhiếp ảnh gia chụp ảnh những người nổi tiếng.

Các paparazzi đang chụp Beckenbauer


Từ paparazzi đã được du nhập từ bộ phim có tựa La dolce vita năm 1960 do Federico Fellini đạo diễn. Một trong những nhân vật trong phim này là một nhiếp ảnh gia có tên là Paparazzo (do Walter Santesso đóng), làm việc cho một hãng thông tấn.

Trong cuốn sách Word and Phrase Origins, Robert Hendrickson đã viết rằng Fellini lấy tên này từ một phương ngữ tiếng Ý mô tả một tiếng động đặc biệt khó chịu của một con muỗi đang vo ve.

Trong thời gian học phổ thông, Fellini đã nhớ đến một cậu bé có biệt danh là "Paparazzo" (con muỗi) do cậu bé này nói nhanh và cử động không ngớt, một tên gọi sau này Fellini đã đặt cho nhân vật hư cấu trong La dolce vita. (Theo Wikipedia)

Khi phần "nhìn" được chú trọng hơn phần "nghe", các tờ báo giật gân, câu khách ngày càng nhiều thì các paparazzi càng nhiều cơ hội "nặng túi". Nhiều chuyện dở khóc dở cười cũng theo đó mà xuất hiện nhan nhản, mua vui cho cuộc sống mỗi ngày một nhiều áp lực.

Ở nhiều nước có nền báo chí mang tính tự do cao, công nghệ giải trí phát triển mạnh, doanh thu từ thị trường phim ảnh, ca nhạc, thời trang... đóng góp lớn vào tổng thu nhập quốc dân... thì paparazzi càng có đất sống.

Có công nghệ tạo "sao", đời sống showbiz nở rộ, các chính khách cũng được công chúng soi mói như người mẫu, diễn viên, ca sĩ thì paparazzi cũng sẵn sàng "giỡn mặt" họ và đó được coi là một nghề mà nhiều người ưa cảm giác mạnh theo đuổi.

Paparazzi - ai cần, vì sao có?

Nếu có ai hỏi giá trị của một tay săn ảnh là gì các paparazzi vốn rất cá tính sẽ không ngần ngại mà nói một câu rất "phủi": Kiềm tiền!

Thực tế, các tay sẵn ảnh, chụp hình lén luôn chạy đua với ngôi sao để kiếm tiền từ họ và càng có nhiều bức ảnh hay đoạn phim "độc", trung thực thì càng thể hiện "đẳng cấp" của paparazzi.

Làm paparazzi mà nói không phải để thỏa mãn máu phiêu lưu, mạo hiểm và kiếm tiền là nói xạo. Nhưng thực tế, giá trị - tạm gọi là thế - của paparazzi không chỉ có vậy.

Người nổi tiếng cần họ, công chúng cần họ và báo chí cần họ - 3 đối tượng thể hiện vai trò của paparazzi quá rõ. Vấn đề ở đây chỉ là "sao" dạng nào, công chúng kiểu gì và báo chí cho đối tượng nào?

Người ta nghe hàng loạt ngôi sao, nhất là "sao" Hollywood tuyên bố căm thù paparazzi, không đội trời chung với các tay săn ảnh, nhưng chớ vội tin ngay lời họ! Có thể trong lúc các paparazzi "phơi bày" góc khác của con người mà họ muốn giấu, họ phát ngôn như vậy; nhưng trong nhiều tình huống, họ sẽ cố tình "mời paparazzi xơi"!
 

Thử hỏi nếu người có danh không được công chúng quan tâm thì paparazzi đâu mặn mà với việc dõi theo độ "hot" của anh/ chị?! Có khi, chính nhờ paparazzi mà các "sao" đang hoặc sắp "chìm" bỗng trở nên nóng trở lại.
 

Briney Spears trong tầm ngắm (Ảnh: socialitelife)

 "Sao" giải trí như Madonna, Britney Spears, Chistina Aguilera, Linsay Lohan, Paris Hilton... luôn cần đến paparazzi hơn nhiều sao khác và cũng là đối tượng phải khóc dở mếu dở trong nhiều tình huống trớ trêu với paparazzi hơn cả.
 

Ví dụ, khi làm đám cưới, họ sẽ phải canh chừng cẩn mật để các tay săn ảnh không mời không có chỗ mà tới; vì nếu không, đám cưới của họ sẽ là miếng mồi ngon cho paparazzi và bộ hình cưới mà họ định bán độc quyền sẽ trở nên giảm giá trị!

Tóm lại, "sao" vừa cần vừa ngán paparazzi, còn công chúng thì cần paparazzi hơn "sao". Và công chúng ở đây là những người thích đọc tin, xem hình tò mò, giật gân, muốn thấy "nửa sự thật còn lại", tức là thấy phía khác hào quang của một ngôi sao, của những người mà họ quan tâm, chú ý - như có người nói, "nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, còn nửa sự thật không phải là sự thật".

Rõ ràng khi "sao" xuất hiện trên màn bạc, trên sân khấu hay chính khách diễn thuyết trước công chúng, họ luôn được được chuẩn bị để xuất hiện chau chuốt, lung linh nhất, đáng ngưỡng vọng nhất. Nhiều khi người ta quên mất các "sao" cũng là... người, cho đến khi "dòm" vào những hình ảnh mà paparazzi ghi lại được...

Có những tấm hình có khả năng gây sốc hay gây sốt, lẽ dĩ nhiên, các tờ báo được độc quyền in chúng sẽ bán chạy như tôm tươi. Khi báo chí đứng trước sức ép phải tạo ra lợi nhuận thì tờ nào cũng phải tranh giành độc giả quyết liệt.

Các báo chuyên khai thác người nổi tiếng đó chính là mối ruột của các tay săn ảnh (dù làm việc tự do hay lãnh lương hàng tháng). Một hệ thống mà người ta gọi là "báo lá cải" (tabloid) hình thành.

Với nhiều nước, chuyện phân định giữa báo lá cải và báo chính thống, chính luận, nghiêm túc là hết sức rạch ròi. Và sự thật là làm báo lá cải cho ra lá cải cũng khó chẳng kém làm bất kỳ loại báo nào. Vấn đề là mỗi loại báo, tạp chí có giá trị khác nhau, là "món ăn tinh thần" của những đối tượng khác nhau.

***

Những trang báo trở nên bóng bỏng với những tấm hình paparazzi chụp được

Để khai thác phía sau của hào quang và cái đẹp - rõ ràng đó là công việc mà các paparazzi đang làm. Qua họ, người ta sẽ thấy chiều khác của vấn đề, mặt khác của con người. Nhưng cũng vì họ mà nhiều thứ đảo lộn, cuộc sống của người nổi tiếng trở nên điêu đứng, đã không yên bình càng không bình yên hơn.

Paparazzi vốn là những con người sống tự do, ưa tháo cũi xổ lồng thì đến nay cũng không có quy tắc (pháp lý hay đạo đức) nào cho nghề nghiệp của họ cả!

Một chính khách có những hành động xấu, một ngôi sao thượng thặng thích cặp bồ... hay một công nương vì chạy trốn ống kính săn tìm mà tử nạn... - paparazzi đều có thể tạo nên những điều đó. Và như vậy, paparazzi đem tới cho công chúng nửa cái bánh mì còn lại hay chỉ là một nửa sự thật phù phiếm mà thôi? Câu hỏi thật khó trả lời.
 

Dưới góc nhìn về truyền thông, về quyền tự do và riêng tư của con người thì có cái gọi là "sự thật phù phiếm" không, khi mà thực tế cuộc sống luôn luôn ẩn chứa hai mặt được và mất? Và kẻ săn mồi hay người có danh phận, ai cũng muốn mình được nhiều hơn...

Paparazzi, rút cuộc cũng như bất cứ nghề nào khác, chân dung của anh ta chính là những gì mà anh ta chụp!

 

(Theo báo VietNamNet)

  • "Mất bò đền trâu"
  • Con gái Osama Bin Laden tị nạn ở đại sứ quán Saudi Arabia tại Iran
  • Nhiều nơi trên thế giới bị chìm trong tuyết
  • Phi hành đoàn máy bay chở vũ khí có thể bị tử hình
  • Vụ máy bay bị giữ ở Bangkok: Càng điều tra càng rối
  • Osama bin Laden suýt ám sát Bill Clinton
  • Năm 2009, lính quốc tế thiệt mạng tăng gần gấp đôi
  • Bạo lực gia tăng tại miền Nam Philíppin: Thách thức an ninh nghiêm trọng