Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rút quân khỏi IRAQ: Hồi kết đơn độc

Tròn một tháng kể từ "Ngày chủ quyền quốc gia I-rắc" - khi quân đội của quốc gia vùng Vịnh này chính thức tiếp quản việc bảo đảm an ninh các thành phố và thị trấn của chính họ từ quân đội Mỹ - có hiệu lực, theo hiệp định an ninh giữa hai bên (30-6) - Oa-sinh-tơn đang chịu thêm gánh nặng mới. Đó là quân đội Anh, Ô-xtrây-li-a, 2 đồng minh chủ chốt trong liên quân do Mỹ đứng đầu, ngày 31-7, chính thức rút khỏi "Xứ sở nghìn lẻ một đêm" sau 6 năm tham chiến.

 

Như vậy, từ nay tới ngày 31-12-2011, theo thỏa thuận an ninh giữa Bát-đa và Oa-sinh-tơn (cuối năm 2008), sẽ chỉ còn sự hiện diện lực lượng nước ngoài duy nhất là quân đội Mỹ tại I-rắc. Lần đầu tiên sau gần 7 năm tham chiến tại chiến trường I-rắc, giờ đây, quân đội Mỹ phải "đơn thương, độc mã" tại đây. Gần 7 năm trước, khi Đô-nan Ram-xphen Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, "kiến trúc sư trưởng chiến tranh" thông báo quyết định của Oa-sinh-tơn phát động cuộc chiến tại I-rắc (tháng 11-2002), nước Mỹ đã tập hợp được gần 300.000 binh sĩ từ 38 quốc gia. Đáng ra, cuộc chiến dưới chiêu bài đem lại "hòa bình và dân chủ" cho I-rắc phải có lời giải chính xác ngay sau khi Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ từ ngoài khơi bang Ca-li-phoóc-ni-a, trên boong tàu sân bay USS A-bra-ham Lin-côn, hoan hỷ tuyên bố: "Chiến dịch tổng tấn công I-rắc kết thúc" (1-5-2003). Nhưng đến hôm nay, sự rút lui dần của liên quân do Mỹ đứng đầu đã cho thấy nỗi thất vọng của lực lượng đồng minh trong một cuộc chiến đã trở thành thảm họa này. Thực tế, chính tại Hoa Kỳ, Trung tâm Phân tích tác chiến của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, mới đây, sau khi nghiên cứu 600 nghìn tài liệu lấy được ở thủ đô Bát-đa, cuối cùng đã rút ra kết luận, không có mối liên hệ nào giữa cựu Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen và lực lượng khủng bố Al Qaeda. I-rắc không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng chẳng liên quan gì đến trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen...

 

Rõ ràng, tại "vũng lầy" I-rắc, Oa-sinh-tơn đã thất bại. Thất bại ấy khẳng định một thực tế: chiến tranh và bạo lực không bao giờ đem đến những lợi ích đích thực. Cuộc chiến I-rắc cùng những tổn thất, đổ máu còn kéo theo vô số hệ lụy. Nhiều người Mỹ tin rằng, cuộc chiến tranh I-rắc là một trong số ít thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng và suy thoái của nền kinh tế Mỹ hiện nay. Theo tính toán, với cuộc chiến vùng Vịnh, người dân Mỹ đã mất đi hơn 600 tỷ USD vì những mục tiêu không có thực. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ, người vợ Mỹ đã phải chịu đựng nỗi đau mất người thân, khi hơn 4.300 binh sĩ Mỹ bỏ xác tại chiến trường khốc liệt này. Chắc chắn nỗi ám ảnh I-rắc sẽ còn đeo bám suốt đời những cựu binh Mỹ trở về với niềm day dứt rằng, họ đã chiến đấu chỉ vì những mục tiêu vô hình cho lợi ích của các nhà hoạch định chính sách ở bên kia bờ đại dương mà thôi.

 

Trong khi đó, với người dân I-rắc, hơn 6 năm được sống trong chế độ "hòa bình và dân chủ", dưới sự bảo trợ của binh lính Mỹ họ được gì? Chừng ấy năm trôi qua, bom đạn, xung đột, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 nghìn thường dân, khoảng 5 triệu người mất nhà cửa. Bạo lực vẫn là nỗi ám ảnh hằng giờ, hằng ngày trên xứ sở "Nghìn lẻ một đêm". Theo thống kê, số vụ bạo lực trên thực tế ở quốc gia vùng Vịnh này có chiều hướng tăng trở lại kể từ khi Mỹ thực hiện kế hoạch rút quân. Tháng 6 vừa qua đã trở thành tháng có số thương vong lớn nhất ở I-rắc trong gần một năm trở lại đây với 437 người thiệt mạng. Trong một động thái mới, đúng thời điểm binh sĩ Anh, Ô-xtrây-li-a rút quân khỏi I-rắc, ngày 31-7 xảy ra một loạt vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ Hồi giáo của người Xi-ai ở thủ đô Bát-đa làm gần 30 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương, trở thành ngày thương vong đẫm máu nhất kể từ Ngày chủ quyền quốc gia (30-6 vừa qua). Sự non kém của quân đội nước sở tại đã bị lực lượng khủng bố Al Qaeda ở I-rắc cùng các nhóm vũ trang người Hồi giáo dòng Xăn-ni lợi dụng. Trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử đang tới gần (tháng 1-2010), chúng đang cố khơi lại cuộc xung đột tôn giáo giữa người Xăn-ni và người Xi-ai, từng đẩy quốc gia này tới bờ vực một cuộc nội chiến toàn diện trong những năm 2006, 2007 và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng...

 

Trong bối cảnh hiện nay, sự bình ổn ở I-rắc là chưa thể được khẳng định. Đây chắc chắn sẽ là gánh nặng cho quân đội Mỹ khi họ phải đơn độc gánh chịu. Và, gánh nặng ấy càng tăng thêm khi người dân ở quốc gia vùng Vịnh này đã chán ngấy sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài. Cách biểu lộ vui mừng của người dân Vịnh Péc-xích khi binh sĩ Mỹ chuyển giao chủ quyền các thành phố và thị trấn chính cho chính quyền Bát-đa, đã chứng minh cho thực tế ấy. Trong chuyến công du chớp nhoáng gần đây nhất tới I-rắc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết đã không úp mở thông báo rằng, Mỹ có thể tăng tốc tiến trình rút quân khỏi I-rắc. Rõ ràng, Nhà Trắng đã cảm nhận rõ hồi kết đơn độc đầy khó khăn tại một chiến trường sau cuộc chiến do họ phát động. Đó hẳn là một bài học thấm thía về luật nhân - quả.

(Theo Trung Hiếu // Hanoimoi Online)

  • Chính trường Philippines: Xin hòa giải
  • Khôi phục truyền thống
  • Đằng sau sứ mạng giải cứu tù nhân của cựu tổng thống Bill Clinton
  • Như một tín hiệu
  • Hậu trường vụ Triều Tiên phóng thích hai nhà báo Mỹ
  • Giây phút đoàn tụ nghẹn ngào của 2 nữ phóng viên Mỹ
  • Đằng sau việc Ấn Độ chạy đua chinh phục mặt trăng
  • Làng có 230 cặp song sinh