Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Sóng ngầm” trong quan hệ Nhật - Mỹ

 
Căn cứ quân sự của Mỹ tại Ô-ki-na-oa

Chuyến thăm Nhật Bản hai ngày giữa tuần qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết đã kết thúc không như mong đợi của Oa-sinh-tơn. Là thành viên nội các đầu tiên của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tới thăm Nhật Bản kể từ khi Chính phủ mới của Thủ tướng Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma nhậm chức, ông Rô-bớt Ghết mang theo "sứ mệnh" hối thúc Nhật Bản thực thi hiệp ước song phương về bố trí lại căn cứ Phư-tem-ma của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ trên đảo Ô-ki-na-oa (Nhật Bản).

Theo thỏa thuận hai bên đạt được năm 2006, căn cứ không quân Phư-tem-ma sẽ được chuyển từ thị trấn Gi-nô-oan thuộc tỉnh Ô-ki-na-oa tới một khu vực thưa dân cư hơn ở Na-gô cũng thuộc tỉnh này vào năm 2014. Tuy nhiên, trong cuộc gặp Bộ trưởng Rô-bớt Ghết, Thủ tướng Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma không ngần ngại khi gợi ý Mỹ nên chuyển hẳn căn cứ Phư-tem-ma ra khỏi Ô-ki-na-oa. Thêm vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ki-ta-da-oa còn khẳng định, Chính phủ Nhật Bản muốn xem xét lại toàn bộ quá trình đã dẫn tới việc hai bên ký kết thỏa thuận năm 2006, với hy vọng Oa-sinh-tơn hiểu quan điểm của Tô-ki-ô.

Động thái trên của Nhật Bản ngay lập tức bị Bộ trưởng Rô-bớt Ghết bác bỏ với khẳng định rằng, "việc điều chỉnh trên sẽ làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận an ninh lớn hơn giữa Mỹ và Nhật Bản vốn có hiệu lực từ nhiều thập kỷ qua". Đặc biệt trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ki-ta-da-oa sau hội đàm, ông Rô-bớt Ghết cảnh báo, căn cứ Phư-tem-ma vẫn phải nằm trong địa bàn tỉnh Ô-ki-na-oa, nếu không Mỹ sẽ không tái bố trí lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ từ Ô-ki-na-oa tới Gu-am.

Gợi ý trên của Thủ tướng Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma cũng là mong muốn của nhiều người dân Nhật Bản. Bởi từ lâu sự hiện diện của khoảng 47.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, trong đó 2/3 là ở Ô-ki-na-oa bị người dân nước này, đặc biệt là cư dân Ô-ki-na-oa phản đối kịch liệt do tiếng ồn động cơ máy bay và những mâu thuẫn giữa người dân với lính Mỹ. Người dân Nhật Bản lại càng bất bình hơn khi hằng năm phải đóng thuế để Chính phủ chi tới 2 tỉ USD cho các căn cứ Mỹ hoạt động. Vì thế, việc quân Mỹ đồn trú tại Ô-ki-na-oa từ lâu đã là một vấn đề gai góc trong quan hệ Tô-ki-ô - Oa-sinh-tơn. Tuy nhiên, chưa bao giờ Chính phủ Nhật Bản tỏ thái độ quyết liệt với Mỹ về vấn đề này như hiện nay.

 Chuyến thăm Nhật Bản của ông Rô-bớt Ghết diễn ra trong bối cảnh Tô-ki-ô vừa thông báo với Oa-sinh-tơn về việc ngừng sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến phục vụ cuộc chiến chống khủng bố của liên quân Mỹ và đồng minh ở Ấn Độ Dương, khi thời hạn kết thúc vào tháng 1-2010. Quyết định của Nhật Bản khiến dư luận lo ngại sẽ ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, đặc biệt chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vào trung tuần tháng 11 đang đến gần. Chắc chắn rằng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có nhiều việc phải làm trong chuyến công du này để định vị tương lai của mối quan hệ từng khăng khít suốt 60 năm qua này.

Những bước đi của Chính phủ Nhật Bản vừa qua có thể gây "sốc" với Oa-sinh-tơn, song không làm dư luận thế giới quá ngạc nhiên. Bởi dường như ai cũng nhận thấy rằng, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật luôn được xem là trụ cột trong chiến lược vươn tầm ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn tại khu vực châu Á nhiều yếu tố địa - chiến lược này. Vì thế, Oa-sinh-tơn không dễ dàng để những căng thẳng trên ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh này.

Ngược lại, mặc dù chính quyền mới của Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma đang hướng tới những bước đi "bình đẳng" hơn với Mỹ, song điều đó không có nghĩa Tô-ki-ô sẽ "lạnh nhạt" với Oa-sinh-tơn, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Những gì diễn ra cho thấy, bất đồng giữa Oa-sinh-tơn và Tô-ki-ô không phải là mâu thuẫn đơn lẻ. Xét ở một khía cạnh nào đó, những động thái trên của Nhật Bản chứng tỏ Tô-ki-ô đang hành động để "bớt phụ thuộc vào Mỹ". Song, điều dư luận thế giớiquan tâm hơn, đó là những "cơn sóng ngầm" đã xuất hiện trong mối quan hệ đồng minh xuyên Thái Bình Dương và những hệ lụy của nó trong tương lai.

 

(Theo HNM)

  • Hàn Quốc nối lại viện trợ cho CHDCND Triều Tiên
  • Trung Quốc - Ấn Độ: Nhất trí thu hẹp bất đồng trong vấn đề biên giới
  • Bình luận: Vị thế mới, động lực mới
  • Người đàn ông Việt trong tân Chính phủ Đức
  • Lebanon bắn rocket, Israel đáp trả bằng pháo
  • NASA phóng thành công tên lửa mặt trăng mới
  • Văn bản pháp lý đầu tiên về vỡ nợ xuyên biên giới
  • Tăng vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế