Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng tiền, tăng quyền

Với đợt tăng vốn cuối tháng 4 vừa qua, vai trò của các nước đang phát triển sẽ tăng lên trong việc điều hành của ngân hàng Thế giới (World Bank).

Các nước nghèo giờ đây có tiếng nói lớn hơn ở ngân hàng Thế giới, do nâng mức đóng góp ở trong định chế tài chính này. Ảnh: AFP

Nhân dịp này, chủ tịch World Bank, ông Robert Zoellick kêu gọi các nước phát triển trao quyền cho các nền kinh tế mới nổi nhiều hơn trong những quyết định liên quan đến toàn cầu, vì cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã xoá tan mọi nghi ngờ về sự trỗi dậy của một hệ thống “đa cực”.

Ông Zoellick nói cuộc khủng hoảng chứng minh tầm quan trọng của các thị trường đang phát triển ở châu Á. Những thị trường này hồi phục nhanh hơn các thị trường phát triển phương Tây.

Góp vốn nhiều, quyền gia tăng

Các thành viên góp vốn của World Bank đồng ý tăng thêm 5,1 tỉ USD vốn lưu động, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1988 đến nay. Với khoản bổ sung này, tổng số vốn lưu động của WB sẽ đạt 40 tỉ USD. Cũng trong lần tăng vốn này, WB đã huy động thêm khoản vốn điều lệ 86,2 tỉ USD giúp tổng vốn điều lệ của World Bank đạt 276,1 tỉ USD, chưa kể khoản 26 tỉ USD dự trữ. Nhưng tất nhiên, ngoại trừ số vốn lưu động là tiền mặt có thể sử dụng ngay thì phần vốn còn lại vẫn chỉ được xem là “lời cam kết” góp vốn. Trong lần tăng vốn này, bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner nói rằng ông Robert Zoellick có “sự ủng hộ mạnh mẽ và hấp dẫn” để được thông qua các khoản tiền đóng góp.

Trong số 5,1 tỉ USD vốn lưu động tăng thêm, các quốc gia đang phát triển đóng góp 1,6 tỉ USD. Nhờ đó, vai trò của các nước mới nổi dần lớn hơn trong định chế tài chính toàn cầu này. Cụ thể, quyền biểu quyết của các nước nghèo tăng từ 44,06% lên 47,19%. Vào năm 2008, các nước nghèo cũng đã tăng được quyền biểu quyết thêm 1,46% và vùng hạ Sahara thuộc châu Phi được thêm một ghế để có tổng cộng ba ghế trong ban điều hành của WB.

Sau lần đóng góp mới này, Trung Quốc vượt Đức trở thành quốc gia đóng góp lớn thứ ba trong World Bank, sau Mỹ và Nhật Bản. Theo đó, tỷ lệ quyền biểu quyết cao nhất lần lượt cho ba thành viên dẫn đầu Hoa Kỳ, Nhật và Trung Quốc là 15,85%, 6,34% và 4,42%. Các nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam cũng tăng phần đóng góp của mình nhiều hơn.

Giúp giải quyết đói nghèo

186 thành viên của World Bank cũng đạt được thỏa thuận hỗ trợ cho gói kế hoạch cải cách nhằm kêu gọi cởi mở và minh bạch thông tin hơn, cũng như nâng cấp khả năng quản lý rủi ro và đo lường hiệu quả hoạt động. Kể từ tháng 7.2008 đến nay, World Bank đã cam kết tài chính lên đến 105 tỉ USD để đối phó cuộc khủng hoảng tài chính. Cho nên, nguồn vốn mới bổ sung sẽ giúp World Bank có thể tiếp tục thực hiện các chương trình của mình như trước khủng hoảng. Phần đóng góp đó đối với World Bank là khá quan trọng, bởi theo ông Zoellick: “Thậm chí khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng, chúng ta sẽ phải quay về vị trí thấp hơn cả trước khủng hoảng”.

Theo báo cáo Giám sát toàn cầu mới, được công bố vào cuối tuần qua, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm chậm tốc độ giảm nghèo của các nước đang phát triển. Theo báo cáo này, cuộc khủng hoảng đã làm tăng thêm 53 triệu người sống dưới mức đói nghèo (mức sống dưới 1,25USD mỗi ngày) tính đến năm 2015 nếu không xảy ra khủng hoảng. Tuy vậy, báo cáo cũng ghi nhận số người sống dưới mức đói nghèo vào năm 2015 sẽ còn 920 triệu người, giảm đáng kể so với con số 1,8 tỉ người vào năm 1990.

( Theo Ngô Minh Trí (theo NYT) // SGTT Online)

  • Săn… thiên thạch
  • Bức ảnh hiếm
  • Ảnh Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trên Quảng trường Đỏ
  • Cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng các loài chim di cư
  • Bức họa người tình của Picasso đắt nhất mọi thời đại
  • Kẻ sát hại 30.000 người Do thái đang sống tại Đức?
  • Quảng trường Thời Đại “quay lại với thời đại”
  • Mềm mại nhan sắc nữ chiến binh