Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thái-lan hiện đại hóa quân đội

Ngân sách quốc phòng của Thái-lan trong năm tài chính 2010-2011 (bắt đầu từ ngày 1-4-2010, kết thúc ngày 31-3-2011) đạt khoảng từ 1,6% đến 1,7% GDP. Chính phủ yêu cầu các lực lượng vũ trang nhanh chóng đệ trình danh sách mua sắm vũ khí, trang thiết bị để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội nước này.

BỘ trưởng Quốc phòng Thái-lan, Tướng Pra-vít Vong-su-von thúc giục các tư lệnh lục quân, không quân và hải quân tập hợp danh sách vũ khí, thiết bị cần mua sắm trong năm tài chính này và các năm tiếp theo để Chính phủ phê duyệt với mục tiêu thực hiện kế hoạch chung hiện đại hóa Quân đội Hoàng gia Thái-lan trong mười năm tới.

Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Thái-lan 2011-2020 được chia thành hai giai đoạn. Từ năm 2011 đến 2015 và từ năm 2016 đến 2020. Chính phủ của Thủ tướng A-bi-xít đã hủy kế hoạch hiện đại hóa của chính phủ cũ (thời ông Thặc-xỉn) với số tiền đầu tư mua sắm vũ khí mới tới 500 tỷ bạt (khoảng hơn 15 tỷ USD) dựa trên nguyên tắc hàng nông sản-vũ khí. Thái-lan đã đổi hàng nông sản của nước này lấy vũ khí của các nhà sản xuất nước ngoài. Nay nguồn ngân sách mua sắm vũ khí được trích trực tiếp từ nguồn ngân sách quốc gia. Năm nay quân đội được cấp 170 tỷ bạt (khoảng 5,15 tỷ USD), tăng 20 tỷ bạt so với ngân sách mua sắm vũ khí  trong năm tài chính trước (150 tỷ bạt).

Quân đội Thái-lan đề xuất kế hoạch mua sắm các loại vũ khí, thiết bị quốc phòng trị giá khoảng 400 tỷ bạt. Trong đó đáng chú ý, hải quân nước này đã thành lập một ủy ban để tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án mua hai tàu ngầm cũ (khoảng 20 tỷ bạt) và mua một đội tàu tiến công mới để thay thế những tàu cũ đã có niên hạn sử dụng từ 15 đến 20 năm.

Tư lệnh Hải quân Thái-lan, Ðô đốc Cam-thon Pum-hi-run nhấn mạnh, việc Thái-lan mua thêm tàu ngầm nhằm tiến tới thành lập hạm đội tàu ngầm và thay thế tàu tiến công, phục vụ mục đích an ninh quân sự và kinh tế của đất nước. Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Thái-lan là tàu ngầm cũ được mua với giá gần một tỷ bạt, phục vụ việc huấn luyện thủy thủ đoàn. Ông Cam-thon lưu ý, việc mua tàu ngầm của Thái-lan nằm trong kế hoạch thực hiện chiến lược lâu dài, hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Thái-lan và Hải quân Hoàng gia nói riêng. Hiện Hải quân Thái-lan đang tích cực huấn luyện thủy thủ tàu ngầm để bảo đảm khi mua được tàu là có đội ngũ thủy thủ đủ trình độ sử dụng. Ông Cam-thon khẳng định, việc Thái-lan có kế hoạch phát triển đội tàu ngầm sẽ không dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Ông cho rằng, các nước có đội tàu ngầm sẽ có vị thế cao hơn trên trường quốc tế, vì vậy Thái-lan cần mua thêm từ ba đến bốn tàu ngầm hiện đại, nhưng hiện chỉ có đủ tiền mua hai chiếc.

Trước đây, việc phát triển đội tàu ngầm của Thái-lan bị hủy bỏ vì vùng biển nước này chủ yếu là vùng biển nông, rất khó khăn cho hoạt động của tàu ngầm. Việc trang bị tàu ngầm, sẽ giúp nước này củng cố an ninh, quốc phòng và nền kinh tế; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển, nguồn lợi thủy sản; thăm dò dầu khí; bảo vệ đội tàu chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu và du lịch. Hải quân Thái-lan là lực lượng hải quân đầu tiên của ASEAN có tàu sân bay (chở máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng), mua năm 1997 của Tây Ban Nha, đã qua sử dụng, mang tên Thái-lan là Sác-cri Na-ru-ê-bét.  Tàu này ít khi hoạt động vì tốn kém, riêng chi phí cho mỗi lần khởi động máy đã tốn 200 nghìn bạt.

Lục quân Thái-lan có kế hoạch đặt mua nhiều xe tăng hiện đại (trị giá khoảng 70 tỷ bạt), trang bị cho sư đoàn xe tăng thứ ba của quân đội Thái-lan (vừa được thành lập) có sở chỉ huy đóng tại tỉnh Khỏn-kèn. Ngoài ra, các loại vũ khí bộ binh, trang bị phòng, chống hóa học và chống nổi dậy như áo giáp, đạn cao-su, đạn hơi cay cũng được đặt mua.

HIỆN nay, số binh sĩ phục vụ trong ba quân chủng Lục quân, Không quân và Hải quân của Thái-lan khoảng hơn 200 nghìn người. Binh sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự có độ tuổi từ 21, binh sĩ tự nguyện từ 18 tuổi. Phụ cấp cho binh sĩ từ 120 đến 180 bạt/ngày (tùy theo binh chủng). Những người được điều động triển khai tham gia thực hiện Luật An ninh nội địa (ISA) được hưởng thêm phần phụ cấp 300 bạt/ngày. Thái-lan có bốn vùng chiến thuật, do bốn tư lệnh vùng chỉ huy. Khoảng gần một phần ba lực lượng quân đội được triển khai tại vùng 4 (miền nam Thái-lan) để đối phó với lực lượng nổi dậy.

(Theo Bùi Căn // Báo Nhân dân)

  • Cử nhân đốt bằng vì không tìm được việc
  • Vụ tổng thống Ba Lan tử nạn tại Nga: Phi công không theo lệnh kiểm soát không lưu
  • Tổng thống Ba Lan tử nạn vì máy bay rơi
  • Kỳ nghỉ kinh hoàng
  • Các giả thuyết về tai nạn máy bay Ba Lan
  • Thái Lan: Băng Cốc mất tết vì biểu tình
  • Ba Lan tổ chức quốc tang 1 tuần tưởng niệm cố Tổng thống L.Kaczynski
  • Kết cục tất yếu