Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thêm thách thức cho chính quyền Nigeria

Hàng trăm thanh niên Hồi giáo bị bắt giữ do bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ bạo lực vừa qua tại các tỉnh miền Bắc Nigeria.

Cùng với việc đối phó lực lượng vũ trang Phong trào Giải phóng Đồng bằng Niger (MEND) thuộc khu vực miền Đông và miền Trung giàu dầu mỏ, chính quyền của Tổng thống Nigeria Umur Yar’Adua còn đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của nhóm Hồi giáo cấp tiến tự xưng là Taliban Nigeria hoạt động tại các tỉnh miền Bắc. Trong hai ngày 26 và 27-7 vừa qua, các tay súng Taliban Nigeria đã tổ chức tấn công đốt cháy một nhà tù, hai đồn cảnh sát, một số nhà thờ Cơ đốc giáo, một trường tiểu học và một văn phòng giới thiệu việc làm của chính phủ ở miền Bắc nước này. Cảnh sát và quân đội lập tức được điều tới đây và các cuộc đọ súng ác liệt đã diễn ra. Tờ Times của Anh dẫn các nguồn tin quốc tế cho biết đã có hơn 150 thiệt mạng, phần lớn là các tay súng nổi loạn.

Miền Bắc Nigeria có 12 tỉnh, người Hồi giáo chiếm đa số và đã áp dụng luật Sharia cho cộng đồng này kể từ năm 1999 sau khi chính quyền dân sự được tái lập. Tuy nhiên, người Cơ đốc giáo lại chiếm đa số tại các thành phố lớn và giữa hai bên thường xảy ra xung đột. Đáng chú ý nhất là vụ xung đột đẫm máu làm hơn 700 người thiệt mạng sau cuộc bầu cử địa phương gây tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái tại thủ phủ Jos của tỉnh Plateau. Cuộc ẩu đả hỗn loạn hồi tháng 2-2009 tại tỉnh Bauchi cũng đã làm 14 chết. Taliban Nigeria được thành lập năm 2004 nhằm đòi quyền áp đặt toàn diện luật Sharia hà khắc cho 12 tỉnh phía Bắc. Kể từ đó, bọn chúng thường tấn công các mục tiêu biểu tượng là các cơ quan chính phủ, trụ sở cảnh sát. Mỗi năm có hàng ngàn người bỏ mạng vì bạo lực tôn giáo. Đáng quan ngại nhất là tỉnh Plateau, nơi các tổ chức nhân quyền cho rằng có gần 60.000 người Hồi giáo và Cơ đốc giáo thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong 6 năm qua.

Người ta chưa biết Taliban Nigeria có phải do các phần tử Taliban tại Afghanistan, hay do các thân tín của “trùm” khủng bố Osama bin Laden giúp thiết lập và đứng ra bảo trợ hay không, nhưng xung đột đẫm máu do các tay súng Hồi giáo quá khích nói trên tiến hành tại quốc gia 140 triệu dân mà phân nửa là người Hồi giáo này có thể dẫn đến một hậu quả khó lường.

(Theo Báo Cần Thơ)

  • "Ô phòng thủ" Trung Đông của Mỹ
  • Trung Quốc: Tân Cương kiện toàn luật pháp chống chủ nghĩa li khai
  • Tranh cãi về kiến nghị ân xá cho ông Thaksin
  • Thị trường điện thoại toàn cầu đang ổn định
  • Công bố bản đồ địa hình Trái đất mới
  • Thêm nhiều giả thuyết mới
  • Tỉ phú Nga mua du thuyền lớn nhất thế giới
  • Máy bay mất tích tại Indonesia