Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tình hình an ninh, chính trị ở Iraq tiếp tục bất ổn

Cuối tháng 6 vừa qua, thực hiện thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Iraq ký năm 2008, quân đội Iraq đã rút khỏi các thị trấn và thành phố của Iraq. Ðối với Mỹ, hành động này thể hiện việc thực hiện lời cam kết của Washington.

Ðối với chính phủ của Thủ tướng Iraq Al-Maliki, việc rút quân chứng tỏ lực lượng an ninh Iraq có khả năng bảo đảm được an ninh ở nước này. Thế nhưng hơn hai tháng qua, bạo lực lại bùng nổ ở Iraq và tình hình chính trị tại nước này tiếp tục bất ổn.

Hàng loạt vụ đánh bom bằng xe và tiến công bằng đạn cối tại Thủ đô Baghdad làm 95 người chết và gần 1.000 người bị thương, khiến "Ngày thứ tư (19-8) đen tối" trở thành ngày bạo lực đẫm máu nhất trong năm nay tại Iraq. Bất chấp an ninh được tăng cường, ngày 20-8 lại xảy ra vụ đánh bom tại khu phố thương mại An Ra-sít ở Thủ đô Baghdad, làm hai người chết và mười người bị thương. Ngày hôm sau, 21-8, hai chiếc xe cài bom đã phát nổ tại một chợ ở phía nam Baghdad và một trạm kiểm soát của quân đội Iraq, làm gần 30 người bị thương. Hai vụ đánh bom nhằm vào xe buýt ngày 24-8 ở TP Cớt thuộc tỉnh Oa-xít, cách phía nam Thủ đô Baghdad 180 km, làm ít nhất mười người chết và 19 người bị thương. Ðây là vụ đánh bom khủng bố đầu tiên tại tỉnh Oa-xít, nơi vốn được coi là khá bình yên này. Và ngày 29-8, tại miền bắc Iraq xảy ra hai vụ đánh bom liều chết. Vụ thứ nhất nhằm vào đồn cảnh sát tại thị trấn An Sa-quát  làm ít nhất ba cảnh sát chết và mười người bị thương và vụ thứ hai xảy ra tại tỉnh Xa-la-hu-đin làm ít nhất sáu người chết và 40 người bị thương. Vậy là, sau hơn hai tháng kể từ khi quân đội  Mỹ rút khỏi các thị trấn và thành phố ở Iraq, bạo lực lại gia tăng tại nước này. Ðáng chú ý, một loạt vụ tiến công nhằm vào Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Iraq tại "Vùng Xanh", nơi được coi là an toàn nhất ở Thủ đô Baghdad. Nhiều nhà phân tích cho rằng, các lực lượng Iraq không thể bảo đảm an ninh đất nước. Bạo lực gia tăng làm giảm uy tín của Thủ tướng Maliki và làm tăng sự căng thẳng giữa các phe phái chính trị ở Iraq trước thềm cuộc bầu cử QH Iraq, dự kiến diễn ra vào tháng 1-2010. Các phe phái chính trị ở Iraq đã cáo buộc lẫn nhau về việc để xảy ra một loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Thủ đô Baghdad. Bộ trưởng Ngoại giao Zebari lo ngại rằng một khi đã có sự tiếp tay của lực lượng an ninh Iraq, thì bạo lực tại nước này nói chung  và ở Baghdad nói riêng, sẽ tồi tệ hơn. Trước tình hình này, các quan chức cấp cao và nghị sĩ Iraq, trong cuộc họp với giới chức an ninh đã đề nghị cải tổ cơ quan an ninh Iraq nhằm tạo điều kiện hợp tác tốt hơn trong lĩnh vực tình báo. Phó Chủ tịch QH Iraq, ông Kh.al-Attiyah, thừa nhận rằng "có những lỗ hổng  trong hệ thống an ninh" Iraq. Thủ tướng Maliki cho biết, một cuộc điều tra đang được tiến hành và chính phủ sẽ nghiêm khắc trừng phạt những ai vi phạm và nếu phát hiện có sự thông  đồng giữa lực lượng an ninh và lực lượng tiến hành các vụ đánh bom. Iraq đã bắt giữ các sĩ quan cảnh sát, quân đội và tình báo để thẩm vấn về những thất bại trong bảo đảm an ninh. Thủ tướng Maliki từng hy vọng rằng, việc dỡ bỏ các bức tường bê-tông an ninh (hình chữ T, cao khoảng ba mét, được liên kết với nhau bằng cáp kim loại để chống các vụ nổ) ở Thủ đô Baghdad, sẽ là dấu hiệu chứng tỏ tình trạng an ninh của đất nước đang được cải thiện. Thế nhưng sau các vụ bạo lực gia tăng, Chính phủ Iraq đã quyết định ngừng dỡ bỏ các bức tường này.

Trong khi đang phải đối phó với tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, Chính phủ của Thủ tướng Maliki lại đứng trước sự chia rẽ trong nội bộ  liên minh cầm quyền. Ngày 24-8 vừa qua, các nhóm người Hồi giáo dòng Si-ít thông báo thành lập liên minh mới thay thế Liên minh thống nhất Iraq. Liên minh mới này bao gồm Hội đồng Hồi giáo Iraq tối cao (SIIC), một trong những nhóm người Hồi giáo dòng Si-ít mạnh nhất ở Iraq, khối chống Mỹ của Giáo sĩ M.Al -Sadr  cùng một số nhân vật độc lập thuộc người Hồi giáo dòng Xun-nít và thế tục. Ðảng Ða-oa (Dawa) của Thủ tướng Al-Maliki không tham gia liên minh do bất đồng về việc ai sẽ lãnh đạo liên minh này. Liên minh  mới được thành lập trong bối cảnh các chính đảng Hồi giáo dòng Si-ít đang nỗ lực củng cố sức mạnh trước thềm cuộc bầu cử QH.  Liên minh thống nhất Iraq đã giành được quyền kiểm soát QH trong cuộc bầu cử QH tháng 12-2005, nhưng đã bắt đầu phân rã sau khi hai phái quan trọng rút khỏi liên minh, trong khi Thủ tướng Al-Maliki mâu thuẫn gay gắt với SIIC. Việc thành lập liên minh mới nói trên là một sự thay đổi quan trọng  trong đời sống chính trị của người Hồi giáo dòng Si-ít lâu nay vẫn do SIIC và đảng Ða-oa của Thủ tướng  Maliki chi phối. Ðây cũng là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của  Thủ tướng  Maliki đang tìm cách thành lập một liên minh dân tộc rộng rãi mà ông hy vọng có thể đứng đầu trong  cuộc bầu cử QH Iraq sắp tới. Vài ngày sau khi các nhóm người Hồi giáo dòng Si-ít chủ  chốt ở Iraq thông báo thành lập một liên minh mới, ông Abdul al-Hakim, thủ lĩnh SIIC, đã qua đời tại Tehran (Iran) vì bệnh ung thư phổi. Thủ tướng Maliki nêu rõ, ông Al-Hakim  qua đời vào thời điểm nhạy cảm của đất nước hiện nay là "một tổn thất lớn". Theo một số nhà phân tích chính trị, việc ông Al-Hakim, thủ lĩnh SIIC và là một đối tác chủ chốt trong chính phủ liên minh do người Hồi giáo dòng Si-ít đứng đầu, qua đời tạo thêm những bất đồng mới đối với liên minh người Hồi giáo dòng Si-ít đang cầm quyền ở Iraq nói chung và đối với SIIC nói riêng.

Từ nay đến ngày bầu cử QH Iraq còn hơn một năm nữa. Nhưng ngay từ bây giờ, các đảng phái chính trị ở Iraq đang tập hợp lực lượng, sắp xếp lại liên minh để tranh giành ảnh hưởng chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Hơn hai tháng kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố và thị trấn của Iraq, tình hình an ninh ở nước này tiếp tục xấu đi và sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền đang đẩy nước này đứng trước nguy cơ  khủng hoảng chính trị.

(Theo VĂN LỤC // Báo Nhân dân điện tử)

  • Bão Jimena khiến ít nhất 8.000 người Mexico mất nhà cửa
  • Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân
  • Lãnh đạo châu Âu không quên bài học Thế chiến II
  • Mỹ sẽ nối lại các cuộc hòa đàm Trung Đông
  • Gần 150 nước phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân
  • Chăm sóc y tế cho thiếu nhi ở Mỹ kém nhất
  • Trung Quốc sản xuất vắc-xin ngừa cúm A/H1N1
  • G20 cẩn trọng với tuyên bố "thắng" khủng hoảng