Không có hộ khẩu thành phố, không đủ tiền để mua nhà bởi giá đắt cắt cổ, nhiều trí thức trẻ Trung Quốc đang tìm đường về quê, sau thời gian dài đeo bám các đô thị lớn.
![]() |
Cạnh tranh việc làm, giá nhà cắt cổ và chế độ hộ khẩu không công bằng là những yếu tố khiến trí thức trẻ Trung Quốc rời bỏ những thành phố lớn như Bắc Kinh. Ảnh: China Daily. |
Tờ China Daily có bài phân tích về xu hướng này, dưới đây.
Ma Xin, nữ trợ lý báo chí 27 tuổi của một hãng tin Nhật ở Bắc Kinh, chăm chú lắng nghe điện thoại. Đôi lông mày cô cau lại, nụ cười tắt ngấm, mặt lộ rõ vẻ thất vọng. Cô vừa bị từ chối một công việc ở trường đại học ở Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, phía bắc Trung Quốc.
Ma đang tìm việc để chuyển về Trường Xuân, thành phố nhỏ ở quê nhà, sau 8 năm ở Bắc Kinh.
"Tôi chỉ muốn thoát khỏi Bắc Kinh càng nhanh càng tốt", Ma nói.
Không chỉ một mình Ma muốn vậy. Trí thức Trung Quốc đang rời bỏ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và Thâm Quyến. Theo một thăm dò ý kiến của tờ Henan Business Daily và mạng sina.com, hơn 57% lao động trí thức ở các thành phố này đang nghĩ đến chuyện đi tìm kiếm cơ hội ở những thành phố nhỏ hơn, những nơi được gọi là đô thị hạng hai, hạng ba.
Trong khảo sát của 51job.com, một trang săn việc hàng đầu, khi được hỏi liệu có dự định tìm việc ở những thành phố lớn trong tháng này hay không, khoảng 50% câu trả lời là "không", so với 31% vào cuối và 24% vào giữa năm ngoái.
"Vì giá nhà ở các thành phố lớn tăng lên, mọi người chắc chắn sẽ bỏ đi", Zhang Yi, nhà nghiên cứu về kinh tế lao động và dân cư thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết.
Giá mỗi mét vuông nhà tập thể cũ ở Bắc Kinh là 20.000 tệ (gần 3.000 USD), trong khi đó mức giá ở Trường Xuân rẻ chỉ bằng một phần ba. Lương trợ lý báo chí của Ma là hơn 5.000 tệ mỗi tháng.
"Với mức giá hiện nay và với điều kiện không tiêu một xu nào, tôi sẽ phải tiết kiệm trong 50 năm nếu muốn một căn hộ 90 mét vuông xa trung tâm thành phố lớn", Xin nói.
Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc cũng là một vấn đề với lao động nhập cư. Nếu người lao động tại thành phố mà có hộ khẩu ở tỉnh khác, họ sẽ có ít điều kiện tiếp cận các phúc lợi xã hội và bị hạn chế sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nhà cửa và việc làm.
"Tôi không được tiêm vacxin chống virus H1N1", Ma nói đến việc năm ngoái chỉ những người có hộ khẩu Bắc Kinh mới được tiêm chủng. "Tôi có thể chịu được mức chi phí sinh hoạt cao, thỉnh thoảng lại bị phân biệt đối xử. Nhưng còn con tôi? Chúng cũng sẽ không có hộ khẩu Bắc Kinh".
Ma cho biết cô bắt đầu suy nghĩ về việc trở về Trường Xuân khi gặp lại bạn bè phổ thông vào dịp Tết vừa rồi. "Họ hoặc là kết hôn hoặc đã có nhà và công việc ổn định", Ma nói. "Còn tôi? Ngót nghét 30 tuổi rồi, chưa có gia đình, thuê nhà mất một phần tư tiền lương tháng. Tôi tự hỏi mình 'Mình đã, đang làm cái quái gì trong suốt những năm tháng học tập, làm việc ở Bắc Kinh?'".
"Ở đây, tôi cảm thấy mình giống như một kẻ trôi dạt, không có cảm giác gắn bó. Ở Trường Xuân, ít nhất tôi còn có cha mẹ. Hai cụ ủng hộ quyết định của tôi". Ma thậm chí còn xin ý kiến của một thầy bói, tìm trên chỉ tay những dấu hiệu cho thấy là cô nên rời khỏi thành phố. ...
Ngoài những bất lợi ở các thành phố lớn, sự phát triển ở các thành phố nhỏ hơn cũng là lực hút người trẻ.
"Một mặt, giá đất cao buộc các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài dịch chuyển về các thành phố nhỏ hơn", nhà nghiên cứu Zhang phân tích. "Mặt khác, chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh phát triển cân bằng vùng miền, ngày càng nhiều vốn được phân bổ về những thành phố này".
Theo báo cáo gần đây của tờ Sichuan Economic Daily, 139 trong số 500 công ty hàng đầu của Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn đã đặt văn phòng ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên và con số này còn tăng lên. Tập đoàn IBM hôm 23/3 tuyên bố thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển mới, phòng nghiên cứu phân tích phần mềm và trung tâm phát triển phần mềm khu vực ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây.
Ở Trường Xuân, một đặc khu kinh tế vừa được thành lập với mục đích liên kết với Nga, Nhật, Hàn Quốc và Triều Tiên.
"Việc nhân tài đổ về các thành phố nhỏ và sự phát triển của bản thân những thành phố này đang hứa hẹn một tương lai tốt đẹp", Zhang nói.
Theo báo cáo của trang 51job.com, Trùng Khánh, Thành Đô, Hàng Châu và các thành phố hạng hai khác dọc theo đồng bằng sông Dương Tử là những địa điểm ưa thích của trí thức từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Tuy vậy, không phải tất cả đều nghĩ rằng những thành phố lớn không còn là một sự lựa chọn khả dĩ. Liu Tuo, người từ Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, nói rằng anh dự định sẽ ở lại Bắc Kinh lâu dài.
"Thứ nhất là tôi đã học 6 năm ở Bắc Kinh. Tôi có những tình cảm sâu sắc với thành phố", chàng thanh niên 27 tuổi nói. "Thêm nữa, hầu hết bạn bè và các mối quan hệ của tôi là ở đây. Sẽ rất khó để bắt đầu lại từ đầu ở một môi trường mới".
Liu cũng cho biết ở Bắc Kinh có lợi cho anh trong việc phát triển sự nghiệp. "Nói gì thì nói, Bắc Kinh vẫn có nhiều cơ hội hơn".
Mặc dù không có hộ khẩu thành phố và trong tương lai gần vẫn không có nhà, Liu cho biết anh không nản lòng. "Bạn phải có tầm nhìn dài hạn", Liu nói.
Một số chuyên gia cũng nghĩ như Liu. "Hoàn cảnh mỗi người khác nhau. Nói chung, đây là một quá trình thanh lọc tự nhiên", Zhang Ming, giáo sư chính trị của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, phát biểu. "Ai có thể tìm cơ hội tốt hơn ngoài những thành phố lớn thì đi. Ai không thể thì ở lại".
"Quan trọng nhất là sự lựa chọn của cá nhân bạn", Zhou Xiaozheng, một nhà xã hội học ở đại học Nhân dân, nói. "Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh thì đầy thứ bất trắc. Vấn đề quan trọng là khả năng đối phó với rủi ro. Bắc Kinh đưa đến rất nhiều cơ hội, nhưng nó cũng có thể đẩy bạn đi".
(Theo Hải Minh // VnExpress)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com