Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt - Trung - Mỹ -Nhật - Hàn - Nga: Quan hệ hợp tung - liên hoành ?

Mỹ công bố báo cáo về quân sự Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua đưa ra một bản báo cáo nói rằng Trung Quốc đang âm thầm xây dựng lực lượng quân sự để vươn tầm ảnh hưởng. Ngay lập tức các chuyên gia Trung Quốc bác bỏ điều này.

Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng quân đội Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng phạm vi và khả năng quân sự vượt qua khu vực địa lý của họ.

Theo báo cáo, Trung Quốc đang phát triển tên lửa đầu đạn có khả năng tấn công tàu sân bay ở cách xa 1.500 km, tức là có thể vươn tới khu vực hoạt động của hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng đang chuẩn bị chế tạo tàu sân bay đầu tiên trong năm nay, và đã bắt đầu đào tạo phi công để vận hành cỗ máy này. Cũng theo tài liệu của Mỹ, hải quân Trung Quốc cũng được tăng cường bởi các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Một căn cứ hải quân đã gần như được hoàn thành ở đảo Hải Nam, có "tiếp cận trực tiếp với đường biển quốc tế trọng điểm", tài liệu có đoạn.

Bản báo cáo được trình Hạ viện Mỹ hằng năm cũng chỉ ra một số tiến bộ mang tính tích cực, như phát triển quân sự nhằm mục đích nhân đạo hay chống khủng bố.

Theo CNN, Lầu Năm Góc cho rằng quân đội Trung Quốc đã có "những cải tiến khiêm tốn về sự minh bạch quân sự và các vấn đề an ninh" trong năm 2009, nhưng "sự minh bạch hạn chế đó làm tăng thêm sự bất ổn và nguy cơ hiểu lầm".

Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về báo cáo của Mỹ. Tuy nhiên các báo lớn của nước này đăng nhiều bình luận phản bác từ các học giả và chuyên gia Trung Quốc.

Shi Yinhong - một học giả lâu năm về quan hệ đối ngoại tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - tuyên bố: "Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để tăng cường sự minh bạch về quân sự, và sẽ tiếp tục làm điều này. Nhưng quyết định này sẽ chỉ do Trung Quốc thực hiện, sau khi xem xét đến sự an toàn quốc gia".

Ni Feng, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định bản báo cáo mới nói về cảm giác của Lầu Năm Góc nhiều hơn là sự thật. "Phần lớn những người làm nên bản báo cáo này là những quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ, rất ít là chuyên gia Trung Quốc", China Daily dẫn lời Feng nói. "Bản báo cáo không hề chuyên nghiệp. Nó sử dụng các thuật ngữ mập mờ mà không có bằng chứng xác thực".

Tờ Global Times dẫn lời Zheng Yongmian, giám đốc viện Đông Á thuộc đại học quốc gia Singapore nói rằng báo cáo của Mỹ có "giọng điệu khiêu khích", trong khi một số chuyên gia khác bình luận là tài liệu này đã "được làm dịu đi".

Theo Xinhua, bản báo cáo được thực hiện trước khi Bắc Kinh cắt liên lạc quân sự với Mỹ vì việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng lại trì hoãn đến 5 tháng sau mới công bố.

Dean Cheng, nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Hiệp hội di sản ở Washington, Mỹ, cho rằng điều ngạc nhiên nhất của bản báo cáo dài 83 trang chính là có quá ít bất ngờ trong nội dung. "Có vẻ câu hỏi trong văn bản này đã chuyển từ 'Trung Quốc sẽ làm gì' sang 'nước Mỹ sẽ làm gì'", ông nói.

Song Minh // VnExpress
---------------------

Trung Quốc đề nghị lập đường dây nóng với Nhật

Bắc Kinh vừa đề nghị lập đường dây nóng về hàng hải với Nhật để tránh các cuộc đụng độ quân sự và dân sự trên biển Hoa Đông.

Ngoài ra trong đề xuất còn có cuộc gặp gỡ thường niên để trao đổi về các tình huống khẩn cấp, chia sẻ dấu hiệu và tần số liên lạc của tàu thuyền và máy bay trong các tình huống khẩn cấp, Kyodo cho biết hôm 15/8.

Trước đó, Bắc Kinh thiết lập đường dây nóng với Seoul và Washington.

Các cuộc đụng độ trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc tồn tại từ lâu. Hồi tháng 4, một trực thăng của hải quân Trung Quốc lượn phía trên khu trục hạm của Nhật Bản tại vùng biển này.

Qua các kênh ngoại giao, Bắc Kinh cũng phản đối các chuyến bay do thám của Nhật phía trên giếng dầu Chunxiao ở biển Đông.

Nhật đang cân nhắc đề xuất của Trung Quốc về đường dây nóng này và hai bên có thể đạt thỏa thuận vào cuối năm. Tuy nhiên, bất đồng vẫn còn bởi Tokyo muốn hệ thống liên lạc khẩn cấp này ở cấp Bộ Quốc phòng trong khi Bắc Kinh cho rằng đường dây nóng ở cấp quá cao có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả.

Thiếu tướng Yin Zhuo của hải quân Trung Quốc nói rằng hệ thống này sẽ giúp ngăn các cuộc đụng độ cả quân sự và dân sự giữa hai nước ở biển Hoa Đông, theo China Daily.

Yin nói rằng hoạt động tuần tra trên biển dày đặc của Nhật làm giảm sự tin tưởng giữa hai quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, Kyodo nói rằng Nhật Bản không có ý định giảm hoạt động do thám và tranh cãi có thể tiếp diễn thêm một thời gian nữa.

Ngọc Sơn//VnExpress
-------------------------------------------------------------
Việt - Mỹ đối thoại chiến lược quốc phòng

Việt Nam và Mỹ đã nhất trí cùng hợp tác trong một loạt các vấn đề an ninh tại cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng lần đầu tiên diễn ra ở Hà Nội hôm nay.

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Cher dẫn đầu đoàn đại biểu hai nước tham gia cuộc đối thoại. Hai bên tập trung trao đổi chính sách quốc phòng của hai nước, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và bàn về hợp tác Việt Nam - Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng.

Thứ trưởng Vịnh cho biết hai bên đã vạch ra được những nội dung cơ bản trong chương trình hợp tác sắp tới như khắc phục hậu quả chiến tranh bao gồm rà phá bom mìn và tẩy độc, tìm kiếm quân nhân Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh đồng thời bàn tới hợp tác về cứu hộ, cứu nạn ứng phó trên biển và trên đất liền.

Ngoài ra, hai bên cũng bàn chuyện trao đổi các đoàn học sinh quân sự. "Việt Nam mong muốn gửi các đoàn học sinh quân sự tới Mỹ để học tiếng Anh và sẵn sàng đón nhận các học sinh quân sự Mỹ sang học tiếng Việt ở Việt Nam", tướng Vịnh cho biết.

Đối thoại diễn ra trong hoàn cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Cher nhận định, cuộc thảo luận hôm nay là một bước tiến lịch sử trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Ông Cher còn cho biết, hai bên đã đồng ý năm sau sẽ tiếp tục tổ chức cuộc đối thoại chiến lược tới tại Washington D.C.

Cuộc đối thoại lần này diễn ra không lâu sau khi một phái đoàn Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ USS George Washington. Tàu khu trục Mỹ USS John McCain cũng vừa cập cảng Đà Nẵng và phối hợp với Hải quân Việt Nam trong nhiều chương trình, trong đó có các dự án y tế, nha khoa, kỹ sư dân dụng và các hoạt động phục vụ cộng đồng khác.

Hải Ninh// Vnexpress
-------------------------------------------------------------------------------

Mỹ - Hàn tổ chức cuộc tập trận khổng lồ

86.000 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia chiến dịch tập trận quy mô lớn bắt đầu hôm nay bất chấp đe dọa trả đũa mạnh mẽ chưa từng có của Triều Tiên.

Cuộc tập trận thường niên có lịch sử từ năm 1975 này kéo dài 10 ngày với sự tham gia của 56.000 binh sĩ Hàn và 30.000 lính Mỹ. Hai nước đồng minh này nói rằng chiến dịch "Người bảo vệ tự do Ulchi" (UFG) mang tính tự vệ, Yonhap cho hay.

Tuy nhiên, Triều Tiên hôm qua chỉ trích hoạt động này và nói rằng đây là màn diễn tập cho một cuộc xâm lược và lật đổ chính quyền miền bắc. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ "đáp trả không thương tiếc".

"Đòn quân sự đáp trả của Triều Tiên sẽ nặng nề nhất từ trước tới nay trên thế giới", AFP dẫn lời phát ngôn viên tổng chỉ huy quân đội Triều Tiên cho hay.

Tướng Walter Sharp, người chỉ huy 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết chiến dịch UFG lần này là cơ hội để phát triển cơ cấu tổ chức, phối hợp chỉ huy và kiểm soát mối quan hệ giữa hai quân đội.

Đây là một trong hàng loạt cuộc tập trận riêng lẻ hoặc chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sau khi chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc chìm ở vùng biển tranh chấp với Triều Tiên.

Trước đó, Hàn Quốc tập trận chống tàu ngầm và bắn đạn thật quy mô lớn gần vùng biển tranh chấp với Triều Tiên, bất chấp đe dọa trả đũa của Bình Nhưỡng. 29 tàu, bao gồm một tàu ngầm và một khu trục hạm, 50 máy bay cùng 4.500 binh sĩ thuộc các đơn vị hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ và lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc tham gia chiến dịch kéo dài 5 ngày gần đảo Baengnyong.

Ngay sau khi chiến dịch tập trận trên kết thúc, Triều Tiên được cho là đã bắn đạn pháo xuống Hoàng hải, khiến Hàn Quốc và Mỹ lập tức cảnh cáo. Washington cho rằng việc này sẽ khiến Triều Tiên bị cô lập.

Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ trước bất kỳ sự khiêu khích nào của Hàn Quốc.

Cuộc tập trận khai màn hôm nay là màn diễn tập hải quân lần thứ ba của hải quân Hàn Quốc và Mỹ ở khu vực quanh bán đảo Triều Tiên trong vòng một tháng. Trước đó tàu sân bay USS George Washington cùng lực lượng máy bay chiến đấu và binh sĩ hùng hậu đã diễn tập cùng hải quân Hàn Quốc ở biển Nhật Bản, phía đông bán đảo.

Phát ngôn viên quốc phòng Mỹ cho hay con tàu khổng lồ nói trên sẽ tham gia diễn tập quân sự trên biển Hoàng hải trong thời gian tới, nhưng không nói rõ ngày nào.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên lên cao kể từ khi tàu Cheonan bị chìm hôm 26/3. Ủy ban điều tra quốc tế kết luận rằng ngư lôi từ tàu ngầm Triều Tiên làm chiến hạm có trọng tải 1.200 tấn này nổ tung khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng liêp tiếp bác bỏ sự liên quan đến vụ tàu chìm và đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ.

Trên danh nghĩa, hai quốc gia thuộc bán đảo vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn mà chưa có hiệp ước hòa bình.

Ngọc Sơn//Vnexpress
------------------------------------------------------------------------------

Nhật xin lỗi châu Á

Lần đầu tiên trong hơn 20 năm, nội các Nhật bỏ qua chuyến thăm đền Yasukuni và thủ tướng công khai xin lỗi các nước châu Á về hành động xâm lược trong Thế chiến II.

Thủ tướng Naoto Kan đưa ra lời xin lỗi tại lễ tưởng niệm 65 năm Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện diễn ra ở khu Budokan của Tokyo, Nhật Bản, hôm qua.

"Nhật Bản đã gây ra tổn thất lớn và nỗi đau cho người dân châu Á", Xinhua dẫn lời Kan nói. Thủ tướng Nhật cũng gửi lời chia buồn đến những người đã chết trong cuộc chiến và thêm rằng Nhật Bản sẽ "đóng góp tích cực vào việc thiết lập hòa bình vĩnh cửu trên thế giới".

Tham gia buổi lễ còn có Nhật hoàng Akihito, hoàng hậu Michiko, 1.800 quan chức cùng 5.400 người dân, trong đó có thân nhân những người chết trong cuộc chiến.

Trước đó, Thủ tướng Kan đã viếng thăm và đặt hoa ở nghĩa trang quốc gia ở Tokyo để tưởng niệm những binh sĩ Nhật đã chết ở nước ngoài. Tuy nhiên, Kan và nội các Nhật đã bỏ qua ngôi đền Yasukuni. Đây là nơi thờ phụng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Thiên hoàng.

Đền Yasukumi trở thành địa điểm gây tranh cãi vì trong số 2,5 triệu binh sĩ được thờ phụng ở đây có cả những tội phạm chiến tranh như cựu thủ tướng Nhật Hideki Tojo. Đây là người được quy kết chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công của Nhật vào cảng Trân Châu, Mỹ trong chiến tranh thế giới II. Ông ta bị hành quyết năm 1948.

Trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua, lãnh đạo Nhật Bản luôn dành ngày kỷ niệm Thế chiến II để viếng thăm ngôi đền tranh cãi này. Các lần đến thăm đền của thủ tướng Nhật dù với tư cách cá nhân hay nhà nước đều luôn bị các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên kịch liệt phản đối.

Hải Minh//Vnexpress
-------------------------------------------------------------------------------------

Việt Nam và Nga đối thoại chiến lược

Hôm 13/8, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga tới Hà Nội để tiến hành đối thoại chiến lược với Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã tiếp Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga Andrei Denisov.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao ý nghĩa của việc đối thoại chiến lược giữa các cơ quan ngoại giao, quốc phòng, an ninh Việt Nam và Nga trên cơ sở thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, coi đây là biểu hiện sinh động của quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam- Nga.

Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga và hội nghị cấp cao ASEAN-Nga vào cuối tháng 10/2010.

Ông Denisov khẳng định phía Nga hết sức coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và hoạt động tích cực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Bộ Ngoại giao Nga cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự cấp cao ASEAN-Nga của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Cùng ngày, tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng, an ninh Việt-Nga thường niên lần thứ ba.

Trên tinh thần cởi mở và tin cậy đặc trưng cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, hai bên đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu; về tăng cường hợp tác ASEAN-Nga và việc chuẩn bị cho hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần hai; về quan hệ đối ngoại của Việt Nam và Nga.

Hai bên cũng thảo luận các vấn đề hợp tác, tăng cường phối hợp hành động giữa hai nước tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác, đặc biệt trong các cơ chế liên kết khu vực và một số vấn đề quan hệ song phương.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập và tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại chiến lược Việt-Nga, thỏa thuận sẽ tiến hành vòng đối thoại tiếp theo tại Mátxcơva.

( Theo Vietnam++)