Thông thường, người ta cứ nghĩ khi bị viêm gan thì phải có các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, ngứa… nhưng thật ra, đa số người bị viêm gan không hề có triệu chứng gì rõ ràng và họ vẫn cảm thấy khoẻ mạnh như bình thường
TS-BS Bùi Hữu Hoàng trưởng phân khoa tiêu hoá – gan mật. Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM |
Ngồi trước mặt tôi trong buổi trưa hôm ấy là một cô gái khá đẹp, chỉ trạc 25 tuổi. Cô bắt đầu câu chuyện cần được tư vấn bằng những tiếng khóc nghẹn ngào: “Tôi và anh Đ. quen nhau đã hơn ba năm, chúng tôi dự định tiến tới hôn nhân thì tình cờ đi làm xét nghiệm máu phát hiện tôi bị viêm gan siêu vi B. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao mình lại bị căn bệnh này trong khi vẫn cảm thấy sức khoẻ bình thường, không có triệu chứng gì. Tôi lo lắng liệu lập gia đình thì có lây bệnh cho anh Đ. cũng như con cái của tôi sau này không? Có lúc tôi nghĩ mình nên sống độc thân cho xong...”.
Những câu chuyện như thế, buồn như thế và buồn hơn thế, có thể nghe được ở bất kỳ phòng khám viêm gan nào. Điều đó phần nào cho thấy không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ về căn bệnh thời sự này.
Đường đi của “thủ phạm”
Có nhiều loại viêm gan siêu vi khác nhau như viêm gan A, B, C… nhưng phổ biến nhất là viêm gan siêu vi B. Hiện có gần 400 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm siêu vi B. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm bệnh vào khoảng 10 – 15%, tức là hơn 13 triệu người. Viêm gan B lây qua đường truyền máu hoặc khi tiếp xúc với máu của người bệnh mà da niêm của chúng ta bị trầy xước hoặc bị đâm thủng, chẳng hạn như sử dụng chung kim khi chích xì ke, châm cứu, xăm mình, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu… Một số người bị nhiễm do đi chữa răng, nội soi, mổ xẻ… ở những cơ sở y tế có dụng cụ không đảm bảo vô trùng. Bệnh còn lây do quan hệ tình dục với người bệnh mà không dùng bao cao su. Đặc biệt, ở các nước có tỷ lệ nhiễm bệnh cao như Việt Nam, đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con. Viêm gan B không lây qua đường ăn uống, đường hô hấp hoặc các tiếp xúc thông thường cho nên bắt tay, nói chuyện, ăn uống chung với người bệnh hoàn toàn không sợ bị lây. Cũng cần lưu ý, có khoảng 40% trường hợp không ghi nhận được đường lây rõ ràng.
“Viêm gan B không lây qua đường ăn uống, hô hấp hoặc các tiếp xúc thông thường. Cho nên việc bắt tay, nói chuyện, ăn uống chung với người bệnh hoàn toàn không sợ bị lây”
Việc phát hiện bệnh cũng thường tình cờ khi đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát, hiến máu hoặc chích ngừa… Chỉ có khoảng 1/4 số bệnh nhân có các triệu chứng của viêm gan cấp như sốt, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy giống như bị cảm cúm, rối loạn tiêu hoá, đau ở vùng dưới sườn bên phải. Sau đó, bệnh nhân đi tiểu vàng sậm rồi từ từ xuất hiện vàng da, vàng mắt. Người lớn bị viêm gan B, đa số có thể tự khỏi và cơ thể tạo được kháng thể AntiHBs để chống lại siêu vi khuẩn. Chỉ có một số ít người sẽ chuyển sang mạn tính. Ngược lại, nếu bị nhiễm siêu vi B lúc còn nhỏ, nhất là lúc mới sinh, hầu hết trẻ sẽ bị chuyển sang nhiễm mạn tính. Số đông bệnh nhân nhiễm siêu vi B mạn tính vẫn sống bình thường và không có triệu chứng viêm gan, họ được gọi là “người nhiễm không triệu chứng”. Số còn lại bị viêm gan kéo dài, diễn tiến từng đợt nặng lên, dần dần có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Làm gì khi bị viêm gan B?
Đừng quá hoảng hốt và bi quan khi biết mình bị viêm gan B. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa gan để được hướng dẫn cách chữa trị và theo dõi. Không nên tự ý mua các loại thuốc hoặc nghe những người xung quanh mách bảo mà uống các loại cây cỏ trị bệnh gan vì cho dù là thuốc tây y hay đông dược, nếu sử dụng không đúng chỉ định và không đúng cách đều có thể gây tác hại. Đối với những người nhiễm mạn tính không triệu chứng, do chưa có biểu hiện viêm gan nên chưa cần điều trị ngay nhưng phải theo dõi định kỳ mỗi sáu tháng bằng các xét nghiệm. Điều trị quá sớm khi chưa đúng chỉ định sẽ không cải thiện bệnh mà lại dễ bị kháng thuốc sau này. Người ta chỉ bắt đầu điều trị khi men gan (ALT và AST) tăng gấp đôi bình thường và lượng siêu vi tăng cao. Tuỳ theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chọn các thuốc phù hợp. Điều cần lưu ý là không được tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến bác sĩ vì có thể gây ra những đợt phát bệnh rất nặng dẫn đến tử vong do suy gan cấp tính. Việc chọn lựa loại thuốc nào sử dụng còn tuỳ thuộc một số tiêu chuẩn chuyên biệt. Chính vì vậy, quyết định điều trị và lựa chọn thuốc luôn phải cần đến ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều thuốc có nguồn gốc từ thảo dược dùng để trị viêm gan như silymarine, cây ngũ vị tử, cây chó đẻ răng cưa… Các thuốc này không phải thuốc đặc trị chống siêu vi nhưng có thể hạn chế phần nào hiện tượng viêm gan và cải thiện một số triệu chứng như làm giảm cảm giác mệt mỏi, làm cho bệnh nhân thấy khoẻ và ăn uống khá hơn… Trường hợp nếu chưa bị xơ gan, người bệnh viêm gan vẫn có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Tập thể dục và chơi thể thao vừa sức mình. Không nên kiêng ăn quá mức sẽ có hại cho sức khoẻ. Phải hạn chế bia, rượu và thận trọng khi sử dụng các thuốc có thể ảnh hưởng đến gan như các thuốc giảm đau paracetamol, một số thuốc kháng sinh, kháng viêm...
TS-BS Bùi Hữu Hoàng
Kỳ tới: Tiêm chủng à? Eo ơi, sợ lắm!
Bị viêm gan B có được kết hôn, sinh con? – Người bị nhiễm siêu vi B mạn tính vẫn có thể lập gia đình. Vấn đề là vợ hay chồng tương lai phải đi xét nghiệm máu. Nếu chưa bị nhiễm thì phải chủng ngừa. Khi đã chủng ngừa có hiệu quả sẽ không sợ bị lây bệnh.
|
( Theo SGTT Online)