Thức ăn đủ dinh dưỡng là biện pháp quan trọng để phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ em |
Ở Việt Nam, trước đây hàng năm có khoảng 5.000 – 6.000 trẻ em bị mù hoàn toàn do thiếu viatamin A. Trong những năm vừa qua, nhờ triển khai tốt chương trình bổ sung vitamin A liều cao dự phòng trên phạm vi cả nước nên đã giải quyết về cơ bản tình trạng khô mắt ở trẻ em, không còn mối đe dọa mù lòa cho trẻ em. Tuy nhiên, thiếu vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn đến mù lòa, nó còn làm tăng nguy cơ tử vong, bệnh tật và làm cho trẻ chậm lớn. Chính vì vậy tiếp tục quan tâm phòng chống thiếu vitamin A là thiết thực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ.
VAI TRÒ CỦA VITAMIN A
Vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, gồm 4 vai trò chính: Giúp trẻ em lớn lên và phát triển bình thường. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc; Làm cho mắt tinh, nhìn rõ mọi vật. Thiếu vitamin A mắt dễ bị quáng gà, khi thiếu vitamin A, các biểu mô và niêm mạc bị tổn thương dẫn đến mù lòa; Tăng cường khả năng chống bệnh tật của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức chống đỡ với bệnh tật, trẻ em dễ bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp, làm cho trẻ có nhiều nguy cơ tử vong; Vitamin A còn có khả năng làm tăng sức chống đỡ với bệnh uốn ván, sởi và phòng chống ung thư...
NGUYÊN NHÂN THIẾU VITAMIN A
Nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và croten (tiền vitamin A). Nếu bữa ăn đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thụ và chuyển hóa vitamin A. Ở trẻ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, nếu trong thời kỳ này mà người mẹ ăn thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: Trẻ bị nhiễm trùng, đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp , tiêu chảy và cả nhiễm giun đũa; Do suy dinh dưỡng nên cơ thể thiếu đạm để chuyển hóa viatamin A;
ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ THIẾU VITAMIN A
Trẻ em dưới 3 tuổi là độ tuổi đang lớn nhanh, cần nhiều vitamin A. Do chế độ nuôi dưỡng thay đổi (ăn bổ sung, cai sữa), trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu vitamin A; Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm đườing hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ thiếu vitamin A; Mẹ đang cho con bú, nhất là trong những năm đầu, nếu ăn uống thiếu vitamin A thì sữa mẹ thiếu vitamin A sẽ dẫn đến thiếu vitamin A ở con. Trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao.
PHÒNG CHỐNG THIẾU VITAMINA
Thứ nhất, ăn đủ chất và tiêm chủng: Thời kỳ mang thai và cho con bú, bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm dầu mỡ. Cho trẻ bú mẹ đủ thời gian và chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ.
Bữa ăn của trẻ từ khi bổ sung, cần có đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau, chế biến hợp khẩu vị sẽ góp phần làm tăng hấp thu. Chú ý các loại thực phẩm giàu vitamin A và caroten như: gan, trứng, sữa, cá, rau xanh lá thẫm, các loại quả có màu vàng, da cam. Bữa ăn cần cân đối, có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa viatamin A.
Thứ hai, bổ sung vitamin A dự phòng: Hiện nay chương trình phân phối viên nang vitamin A liều cao trên phạm vi toàn quốc cho trẻ em như sau: Trẻ em từ 6 – 36 tháng tuổi: mỗi năm uống hai lần, mỗi lần uống 200.000 đơn vị quốc tế (trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi chỉ uống 100.00 đơn vị). Các bà mẹ trong vòng tháng đầu sau đẻ cần uống một liều vitamin A (200.000 đơn vị).
Ngoài ra, trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh sởi, viêm hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ 6 tháng tuổi không được bú mẹ cũng cần uống một liều vitamin A.
Thứ ba, sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng: Muối iốt (iốt trộn vào muối ăn để phòng chống các rối loạn do thiếu iốt), sắt được trộn vào nước mắm để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, Vitamin A cũng trộn vào một số thực phẩm như đường, mì ăn liền, bánh kẹo,... để phòng chống thiếu vitamin A.
Thứ tư, giáo dục dinh dưỡng: Song song với các giải pháp trên, cần tăng cường giáo dục dinh dưỡng, sao cho mọi người dân đều biết cách đưa nguồn thực phẩm giàu vitamin A sẵn có vào bữa ăn hàng ngày.
(Theo Báo Bà Rịa Vũng Tầu)