Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2009

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kinh tế tăng trưởng 7% và giữ lạm phát dưới 15% trong năm 2009, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nên đặt mục tiêu thấp hơn một chút, thậm chí có thể dưới 6%..

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch 2009, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, mục tiêu của Chính phủ vẫn là kiềm chế lạm phát trong năm tới và dần đưa tỷ lệ lạm phát xuống dưới 10% vào 2010.

 

Bộ đã vạch ra 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2009. Với điều kiện giá các mặt hàng đầu vào không có đột biến lớn, khó khăn của hệ thống tài chính quốc tế bước đầu được khắc phục, và những giải pháp của Chính phủ có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 7%.

 

Nếu tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến lạc quan hơn, mục tiêu sẽ là 7,5%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 8,5%. Riêng trong trường hợp hệ thống tài chính chưa chuyển biến, lạm phát toàn cầu tiếp tục leo thang, khiến giá cả đầu vào và lãi suất tiếp tục đi lên, GDP sẽ tăng 6,5%.

 

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư đề xuất, Việt Nam nên chọn kịch bản tăng trưởng 7% cho năm 2009. ""Phương án này phù hợp với xu thế phát triển, tốc độ tăng trưởng năm 2009 bằng hoặc cao hơn năm 2008, có căn cứ thực tiễn trong việc kiềm chế lạm phát trong thời gian qua", ông Võ Hồng Phúc lý giải. Theo ông, khi lạm phát được kiềm chế và kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam sẽ tính đến mức GDP cao hơn.

 

Những kịch bản kinh tế này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng với dự báo lạm phát năm 2009 vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn do tác động của tăng giá, và hệ thống tài chính vẫn nhiều rủi ro. Mặt khác, dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy, kinh tế thế giới có thể còn khó khăn hơn và ít có khả năng phục hồi vào cuối năm 2009 như dự báo trước đây.

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nhận định, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2008 đã có kết quả bước đầu. Trong tháng 9 vừa qua, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp nhất kể từ đầu năm (0,18%), và dự báo CPI cả năm vào khoảng 24%.

 

Tỷ giá ngoại tệ cũng đã giảm mạnh so với đỉnh điểm trong tháng 6 vừa qua, khi ấy có thời điểm mỗi USD đổi được 19.000 VND. Ngoài ra, ngân sách nhà nước, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên, nhập siêu giảm và nợ nước ngoài ở mức cho phép. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong năm sẽ ở mức 6,5-7%, như chỉ tiêu đã được Quốc hội chấp thuận điều chỉnh.

Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành công nghiệp năm nay giảm mạnh, trong đó 9 tháng đầu năm đạt 7,09%, so với cùng kỳ năm ngoái là 9,88%. Nhập siêu trong vài tháng gần đây đã giảm dần, song tính chung 3 quý đầu năm vẫn chiếm 32,5% kim ngạch xuất nhập khẩu.

 

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm nay dự kiến đạt trên 1.000 USD, gần chạm tới mục tiêu của năm 2010 là 1.050-1.100 USD. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm và khó đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

 

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam nên đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2009 thấp hơn, ở mức 6,5-7%. Thậm chí, một số thành viên của Ủy ban đã đề xuất lựa chọn tốc độ tăng GDP trên dưới 6%.

 

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng, năm 2009 vẫn nên tập trung cho kiềm chế lạm phát, để đưa tỷ lệ tăng CPI xuống dưới 10% vào năm 2010. "Lạm phát được kiềm chế sẽ là điều kiện để đảm bảo duy trì tăng trưởng trong cả trung và dài hạn", ông Hà Văn Hiền phân tích.

 

Mặt khác, theo các thành viên của Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng của năm 2008 vẫn có khả năng không đạt 7%, bởi 3 quý đầu năm tốc độ tăng GDP mới là 6,52%. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới diễn biến xấu đang tác động tiêu cực đến Việt Nam, khiến xuất khẩu giảm sút và gây khó khăn cho cán cân thanh toán. Ông Hà Văn Hiền nói thêm, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó lường, mục tiêu 6,5-7% phù hợp hơn với mục tiêu điều hành linh hoạt kiềm chế lạm phát và vẫn giữ tăng trưởng kinh tế.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, mục tiêu 6,5-7% là khả thi. "Năm 2009 có thể là điểm rơi của quá trình Việt Nam chịu lạm phát, cùng lúc với độ trễ của chính sách tiền tệ, khiến tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng", ông Hiển phân tích. Đây là chưa kể đến khả năng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gián tiếp (FII) cũng như cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam có thể còn khó khăn, ông Hiển nói thêm.

 

Chỉ tiêu GDP và CPI theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Ủy ban Kinh tế (UB) của Quốc hội:

Chỉ tiêu

Dự báo 2008

Mục tiêu 2009

MPI đề xuất

UB đề xuất

GDP

6,5-7%

7%

6,5-7%

CPI

24%

dưới 15%

dưới 15%

(Theo VN ExpressNews)

  • Mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại năm 2009
  • Năm 2009 khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu
  • Năm 2009, dự kiến bội chi NSNN khoảng 4,8% GDP
  • Chủ động thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu và giải pháp thực hiện năm 2009
  • Mục tiêu xuất khẩu và giải pháp thực hiện trong năm 2009
  • Đề xuất 3 phương án tăng trưởng GDP năm 2009
  • Tình hình xuất khẩu dệt may năm 2008 và dự báo năm 2009
  • 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2009
  • Vn-Index có thể đạt mốc 550 điểm vào năm 2009?
  • Kiểm điểm năm 2008 và xây dựng chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ
  • Triển vọng 2009
  • Năm 2009, GDP Việt Nam là 6%
  • Cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu sẽ khan hiếm vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009
  • Hai kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng 2009
  • Triển vọng kinh tế và lạm phát Việt Nam 2008-2009