Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng 2009

Chưa thể chờ đợi sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam ngay cuối năm 2008, nhưng từ đầu quý III/2009, những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Đó là nhận định của bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc bộ phận Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Trong 10 điểm chính về kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm nay do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết có hơn một nửa là tích cực như lượng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh; CPI vẫn tăng nhưng không nhiều như dự kiến; thương mại tiếp tục tăng trưởng… Với những thông số này, bà dự báo như thế nào về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 của Việt Nam?

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời để vực dậy và duy trì sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, vẫn chưa thể khẳng định là khó khăn đã qua và nền kinh tế của chúng ta sẽ lại sung sức như năm 2007. Theo tôi, tăng trưởng GDP năm nay sẽ thấp hơn mức Chính phủ đề ra là 7%, vì ảnh hưởng của lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo con số thống kê, mức tăng trưởng GDP đã giảm từ 7,5% trong quý I xuống 5,8% vào quý II và tính chung 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,5%.

Thực tế, CPI đã bắt đầu có xu hướng tăng chậm lại kể từ quý II/2008 dựa trên cơ sở là tổng cầu giảm và xu hướng giảm giá hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, tính chung cho cả năm, CPI được dự báo sẽ tăng ở mức 27-28%. Với mức lạm phát này, nhiều khả năng Chính phủ sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh này, tác động của lạm phát, của chi phí vốn vay cao vẫn sẽ là gánh nặng lớn cho đại đa số DN.

Chi phí vốn vay đúng là một gánh nặng lớn đối với đại đa số DN trong khi khả năng tăng trưởng năm nay của từng DN được dự báo là sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái. Dư luận đang chờ đợi động thái cắt giảm lãi suất cơ bản từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo bà, khả năng này có thành hiện thực không?

NHNN vừa cho biết, trong tháng 8/2008, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện, nên lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, mức giảm từ 0,79% - 2,89%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, trong đó lãi suất huy động và cho vay bằng USD giảm mạnh hơn.

Tuy nhiên, tình hình huy động vốn bằng đồng Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, khi con số thống kê cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 8/2008 chỉ tăng 0,94% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 1,47% của tháng 7/2008. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu gia tăng vẫn là lo ngại mang tính hệ thống.

Dưới áp lực của lạm phát và những khó khăn về việc huy động cũng như cho vay vốn của hệ thống NHTM, theo tôi, khó có khả năng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp hơn 14% như hiện nay.

Hiện có nhiều yếu tố đan xen và tác động trái chiều đến sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung, DN nói riêng. Theo ý kiến của riêng bà, phải chờ bao lâu nữa để nền kinh tế bớt khó khăn hơn và dồn sức cho tăng trưởng?

Như vừa phân tích ở trên, mặc dù nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng rõ ràng là ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực từ lạm phát, lãi suất và dòng vốn nước ngoài. Ngoài ra, lượng tiền trong dân còn nhiều, nên thực chất những số liệu thống kê trên thị trường không đưa ra được hết bức tranh kinh tế của Việt Nam.

Theo tôi thì kinh tế Việt Nam cuối năm nay sẽ có tín hiệu tốt hơn và nhiều khả năng từ đầu quý III/2009 sẽ tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng cũ, khi mà áp lực của lạm phát thực sự suy giảm. Thông thường, tác động của chính sách tiền tệ sẽ đến chậm hơn với thời gian khoảng 6 tháng. Do vậy, nếu hôm nay chúng ta có những chính sách đúng thì có thể kỳ vọng 6 tháng sau, nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Nếu nói ngắn gọn về triển vọng TTCK, bà sẽ mô phỏng bằng những yếu tố nào?

Trong tuần tới, chúng tôi sẽ công bố nghiên cứu của SSI về khả năng tăng trưởng của các công ty trong SSI 30. Theo khảo sát sơ bộ thì sức tăng trưởng của các DN trong rổ SSI 30 nửa đầu năm 2008 rất phân hóa. Những DN không chú trọng vào mảng kinh doanh cốt lõi mà sa đà vào TTCK với mong muốn nhanh chóng tìm kiếm lợi nhuận đã phải tăng dự phòng tài chính rất lớn trong năm này.

Với tác động của lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, các DN đều bị ảnh hưởng lớn về chi phí hàng bán, do đó ảnh hưởng đến khả năng duy trì lợi nhuận và tăng trưởng.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ số PE năm 2008 của các DN thuộc SSI 30 nếu tính theo bình quân giản đơn vào khoảng 15-16 lần, nhưng nếu tính kỹ hơn theo phương pháp trọng số thì chỉ còn 14,7 lần.

Bản báo cáo SSI 30 cũng sẽ đưa ra dự báo về PE của các DN năm 2009. Nhìn chung, năm 2009, TTCK sẽ có lợi thế hơn, một mặt vì PE của các DN hàng đầu đã ở mức hợp lý, mặt khác là khả năng tăng tốc của nền kinh tế dự kiến sẽ được hiện thực hóa kể từ quý III trở đi.

(Theo CafeF)

  • Mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại năm 2009
  • Năm 2009 khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu
  • Năm 2009, dự kiến bội chi NSNN khoảng 4,8% GDP
  • Chủ động thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu và giải pháp thực hiện năm 2009
  • Mục tiêu xuất khẩu và giải pháp thực hiện trong năm 2009
  • Đề xuất 3 phương án tăng trưởng GDP năm 2009
  • Tình hình xuất khẩu dệt may năm 2008 và dự báo năm 2009
  • 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2009
  • Vn-Index có thể đạt mốc 550 điểm vào năm 2009?
  • Kiểm điểm năm 2008 và xây dựng chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ
  • Triển vọng 2009
  • Năm 2009, GDP Việt Nam là 6%
  • Cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu sẽ khan hiếm vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009
  • Hai kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng 2009
  • Triển vọng kinh tế và lạm phát Việt Nam 2008-2009