Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự báo 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2009

Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam được xem không phải là “mắt” của khủng hoảng, theo CIEM.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo kinh tế hàng năm, trong đó có đưa ra dự báo cho nền kinh tế Việt Nam năm 2009 theo 3 kịch bản.

Theo báo cáo của CIEM, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm kinh tế trong nước từ cuối năm 2008, nên nhìn chung, các chỉ số cơ bản cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong cả 3 kịch bản đều thấp hơn năm 2008 và các năm trước đó.

Với kịch bản cơ bản, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 sẽ giảm xuống còn 4,69% so với 6,18% của năm 2008. Mức lạm phát sẽ tăng tới 9,4%, xuất khẩu giảm 12,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 8,7% GDP.

Đáng chú ý, theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế theo ba khu vực chính (nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng - dịch vụ) tương ứng là 2,67%, 4,69% và 5,7%, trong đó riêng ngành xây dựng tăng 5,4%.

Cũng theo kịch bản cơ bản, thâm hụt ngân sách của năm 2009 là tương đối lớn, khoảng 9,7% GDP.

Còn kịch bản “lạc quan” thì lại khác kịch bản cơ bản ở chỗ, tình hình kinh tế thế giới được nhìn nhận không quá bi quan và môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Giả định của kịch bản “lạc quan” là các nước bạn hàng thương mại có GDP tăng 1,0%, giá dầu thô (60 USD/thùng) chỉ giảm khoảng 45%, trong khi đó giá nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp và giá xuất khẩu nông sản giảm tương ứng ở mức 20% và 15%. Còn giải ngân FDI giảm khoảng 15% so với năm 2008.

Trong khi đó, kịch bản “bi quan” được giả định rằng, các điều kiện tăng trưởng kinh tế bất lợi hơn so với những giả định của kịch bản cơ bản, cụ thể: các nước bạn hàng thương mại có tăng trưởng GDP 0%, giá dầu thô (40 USD/thùng) được giả định giảm mạnh (55% so với năm 2008), trong khi đó, lượng vốn FDI được giải ngân giảm 30% so với năm 2008; đồng Việt Nam mất giá danh nghĩa 3 điểm phần trăm, trong khi cung tiền tệ (M2) tăng ở mức 15%/năm trong năm 2009.

Theo nhận định chung của một số chuyên gia của CIEM, nền kinh tế Việt Nam vốn dĩ là một nền kinh tế có độ mở lớn, dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, do vậy, khi mà nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra cho năm nay là khó khả thi.

TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM thì cho rằng, những mục tiêu mà Quốc hội đặt ra cho năm 2009 là quá cao và xa rời thực tế.

Do đó, theo các chuyên gia, nhiều khả năng, thời gian tới, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tại cũng như diễn biến của nền kinh tế.

Song người đứng đầu CIEM cũng cho rằng, cho dù nhiều chỉ tiêu trong cả 3 kịch bản của năm nay đều giảm, nhưng khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam là khá “sáng sủa”.

“Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều khả năng kinh tế năm nay sẽ thiên về kịch bản khả quan”, ông Ân dự báo.

Cũng theo ông Ân, khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục sớm hơn các nước lớn là hoàn toàn có thể, bởi: Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp chống suy giảm kinh tế và bước đầu đã phát huy tác dụng.

Nhưng quan trong hơn, theo CIEM, dù cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động đến khắp các nền kinh tế trên thế giới, song ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam không phải là “mắt” của khủng hoảng.

Đồng thời, khu vực này lại có những đặc thù riêng như: phần lớn là nền kinh tế mới nổi nên nhu cầu về đầu tư vẫn rộng mở và hứa hẹn phát triển. Cùng với đó là nền kinh tế đang chuyển đổi nên chủ yếu cầu là có khả năng thanh toán chứ không đơn giản là chỉ nhìn vào những yếu tố như các nước khác như tiền lương, thu nhập…

Ngoài ra, theo TS. Ân, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này là cuộc khủng hoảng về cơ cấu, thể chế. Do vậy, để khắc phục được cần phải mất một thời gian khá dài, ít nhất cũng phải từ 5 - 10 năm. Trong khi đó, sự suy giảm kinh tế ở Việt Nam và Trung Quốc là do tác động của nền kinh tế thực, chứ không phải là khủng hoảng tài chính, nên thời gian phục hồi chắc chắn cũng sẽ nhanh hơn.

Tuy nhiên, ông Ân cũng lưu ý, tất cả các kịch bản vẫn chỉ là dự báo! Thực tế, tình hình như thế nào còn phụ thuộc vào chủ quan, vào sự điều hành của Chính phủ cũng như năng lực của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hơn nữa, các dự báo của các tổ chức quốc tế vừa qua về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2008. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam 2009 tương ứng là 3,3% - 5,5%. Còn ADB thì cho rằng, GDP của Việt Nam năm nay chỉ vào khoảng 4,5%.

“Như vậy, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5,5% trong năm nay, dường như, khó trở thành hiện thực”, ông Ân nói.

(Theo TỪ NGUYÊN // Báo vneconomy)

  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Kinh tế năm 2009: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
  • Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam năm 2009
  • Dự báo 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2009
  • Dự báo xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% trong năm 2009
  • Diễn biến mới của suy thoái kinh tế toàn cầu - tác động đến Việt Nam
  • TP Hồ Chí Minh bàn phương án tăng trưởng xuất khẩu đạt 16,5%
  • Phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài năm 2009
  • Dự báo xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2009
  • Những khó khăn của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam năm 2009
  • Dự báo sản lượng cao su thế giới trong năm 2009 và 2010
  • Dự báo, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh
  • Năm 2009, dự kiến giảm thu khoảng trên 1.638 tỷ đồng từ thuế
  • Đến năm 2020, vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đóng góp 6,5-7% GDP cả nước
  • Năm 2009, ngành Dệt May phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD